Vay nợ của Tập đoàn Sao Mai vượt mức 10.000 tỷ đồng

07/02/2024 16:11

Năm 2023, chi phí lãi vay tăng mạnh đã đẩy chi phí tài chính của Tập đoàn Sao Mai lên mức 791 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thông tin ghi nhận từ báo cáo tài chính quý IV/2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) ghi nhận tình hình sản xuất kinh doanh sụt giảm.

Theo đó, doanh thu thuần trong quý IV/2023 của Sao Mai đạt 2.788 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm tới 75% xuống 16,5 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh theo quý thấp nhất từ năm 2018 của công ty đến nay.

Luỹ kế cả năm 2023, Tập đoàn Sao Mai ghi nhận tổng doanh thu đạt 11.968 tỷ đồng, giảm 13%. Trong đó, doanh thu từ cá xuất khẩu đạt 2.950 tỷ đồng, giảm 20%; doanh thu thức ăn cá giảm 9,7% xuống 4.983 tỷ đồng; doanh thu bất động sản giảm 76% xuống 89,5 tỷ đồng; doanh thu thương mại giảm 11,5% xuống 2.983 tỷ đồng. Trong bối cảnh các mặt hàng đều sụt giảm thì doanh thu điện năng lượng mặt trời tăng 22% lên hơn 744 tỷ đồng.

Năm 2023, ngoài chi phí bán hàng tiết giảm, các khoản chi phí còn lại đều phát sinh so với cùng kỳ. Trong đó, tăng mạnh nhất là chi phí tài chính đạt 791 tỷ đồng, cao hơn 40% so với năm 2022.

Chi phí tài chính bị đẩy lên cao là do trong năm, chi phí lãi vay tăng vọt từ 470 tỷ đồng lên 741 tỷ đồng, tăng 57% do với cùng kỳ năm trước.

Đối chiếu sang bên kia bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2023, tổng nợ phải trả của Sao Mai tăng 10,8% lên 12.466 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay chiếm phần lớn với 10.782 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm. Đây cũng chính là khiến chi phí tài chính của công ty tăng mạnh trong năm vừa qua.

Dưới sự bào mòn của các khoản chi, Tập đoàn Sao Mai báo lãi sau thuế đạt hơn 274 tỷ đồng, “bốc hơi" tới 71,5% so với năm 2022.

Năm 2023, Tập đoàn Sao Mai lên kế hoạch đạt 15.250 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 545 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả sản xuất kinh doanh như trên, Sao Mai đã không hoàn thiện được chỉ tiêu đề ra; thực hiện 77% doanh thu và 50,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về tình hình tài chính của công ty, tính tới 31/12/2023, tổng tài sản của Sao Mai ở mức 20.315 tỷ đồng, tăng 6,4% so với số đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tăng 60,8% lên 1.365 tỷ đồng. Chỉ số hàng tồn kho tính đến cuối tháng 12/2023 tăng mạnh 43% lên 4.556 tỷ đồng.

Tại một diễn biến khác, cuối tháng 1 vừa qua, Sao Mai đã ra Nghị quyết về việc thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính và Truyền thông Quốc tế.

Theo đó, Công ty dự kiến chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Tài chính và Truyền thông Quốc tế (MIF). Tương ứng số lượng cổ phần chuyển nhượng là 1.151.000 với giá trị hơn 11,5 tỷ đồng.

Giá bán dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Đối tượng chuyển nhượng cổ phần sẽ là các đối tác (gồm tổ chức hoặc cá nhân có hoặc không liên quan tới Tập đoàn Sao Mai), có năng lực tài chính và có văn hóa phù hợp với Công ty MIF. Thương vụ này dự kiến sẽ diễn ra trong quý I/2024.

Bạn đang đọc bài viết "Vay nợ của Tập đoàn Sao Mai vượt mức 10.000 tỷ đồng" tại chuyên mục PHÂN TÍCH.