Vàng “tăng nóng”: Phải làm gì để "ghìm cương con ngựa bất kham"?

12/04/2024 20:15

Giá vàng trong nước đang liên tục "tăng nóng" chỉ trong thời gian ngắn, các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp "ghìm cương con ngựa bất kham".

Cần có cách tiếp cận kết hợp trong quản lý thị trường vàng

Tại buổi họp báo của ADB về "Triển vọng Kinh tế cho Việt Nam" mới đây, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, xu hướng chung của thị trường vàng thế giới thời gian qua có nhiều biến động, bởi vàng trên thế giới là công cụ quản lý rủi ro và động thái sử dụng vàng vừa qua của các ngân hàng trung ương trên thế giới phản ánh những biến động do động thái địa chính trị. Còn thị trường vàng trong nước biến động chủ yếu do cung cầu, nhưng yếu tố tâm lý của thị trường cũng khá đặc thù.

Tài chính - Ngân hàng - Vàng “tăng nóng”: Phải làm gì để 'ghìm cương con ngựa bất kham'?

Giá vàng trong nước đang liên tục "tăng nóng" chỉ trong thời gian ngắn.

Ở góc độ quản lý cung cầu, theo ông Hùng, cung trong nước có những hạn chế nhất định, do đó, khi có những biến động về tâm lý hay các công cụ đầu tư khác không hấp dẫn thì vàng trở thành công cụ đầu tư, nên giá vàng tăng. 

Ở góc độ quản lý Nhà nước đối với vàng, vị chuyên gia này cho rằng, vàng cũng tương tự như ngoại tệ, đồng thời cũng là hàng hoá cơ bản, nhưng cách tiếp cận thị trường vàng vẫn mang tính hành chính, nên khi có biến động cung cầu thì cách kiểm soát vẫn mang tính hành chính.

“Cách tiếp cận kết hợp giữa quản lý nhà nước như công cụ tiền tệ và là sản phẩm tài chính đầu tư, đồng thời là hàng hoá cơ bản, thì việc điều hành thị trường vàng sẽ hiệu quả hơn”, ông Hùng nói.

Liên quan đến thị trường ngoại hối thời gian qua, theo chuyên gia của ADB, tỷ giá biến động thời gian qua là hết sức bình thường, bởi thị trường ngoại hối không phụ thuộc vào nội tại của Việt Nam, mà còn cả diễn biến chung trên quốc tế. Chỉ số đồng USD so với rổ tỷ giá ngoại tệ từ đầu năm 2024 đến nay tăng 3%, giả sử các đồng tiền khác cố định thì đồng USD cũng tăng 3%, theo đó, đồng USD tăng so với VND do bản chất đồng USD tăng giá.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, thị trường ngoại hối biến động còn do yếu tố cung cầu, cụ thể, quý I cầu ngoại tệ tăng do hệ quả của năm tài chính cùng với nhu cầu sử dụng ngoại tệ mang tính cất giữ… do đó, tỷ giá tăng là phù hợp. Tuy nhiên, quan trọng tỷ giá có biên độ đến 5%, theo đó những biến động thời gian qua vẫn trong biên độ nên các biến động vẫn là bình thường chưa cần lo lắng để sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long nhìn nhận, Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Chính sách đóng cửa khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rất cao, đặc biệt là vàng SJC, tạo ra tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng.

Trong điều kiện hội nhập, thị trường mở cửa, Nhà nước không thể mãi thi hành chính sách "đóng cửa" với hàng hóa này. Cả trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa có một Ngân hàng Trung ương nào có chính sách duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng.

Từ góc độ tổ chức, doanh nghiệp, các doanh nghiệp không bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng không căn cứ vào bất kỳ tiêu chí nào của thực tiễn mà đi ngược lại quy luật tự nhiên của thị trường. Điều này "bóp nghẹt" mạng lưới phân phối đã hình thành nhiều năm trên cơ sở nguyên lý cung cầu.

Từ góc độ người tiêu dùng, việc độc quyền một thương hiệu khiến người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn SJC có những thời điểm gần 15 triệu đồng/lượng (mặc dù chất lượng như nhau). Người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài mua, bán, tích lũy bằng vàng miếng SJC. Chính sách cho độc quyền vàng đã làm cho thị trường vàng bị đẩy lên cực điểm, gây bất lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế.

Thị trường vàng "một mình một chợ", người dân chịu thiệt khi chêch lệch trong nước và thế giới có thời điểm lên đến 20 triệu đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không được lợi gì từ chính sách độc quyền vàng miếng. Đó là thực tế diễn ra tại thị trường vàng Việt Nam nhiều năm qua.

Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới quá cao đã “khuyến khích” vàng nhập lậu, chảy máu ngoại tệ trong khi thất thoát thu ngân sách. Một thị trường vàng chưa bao giờ lành mạnh, đáng tiếc, lại có nguyên nhân từ độc quyền nhà nước trong thập kỷ qua.

Từ sự quản lý như vậy dẫn đến hệ quả chung là: Thị trường vàng Việt Nam đang đi thụt lùi so với thế giới vì thiếu những giải pháp căn cơ và mang tính chiến lược. Vì vậy, cho rằng, đã đến lúc Nhà nước mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý, trả vàng về cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng, thậm chí giám sát giá cả khi cần thiết.

Nhập khẩu vàng để “hạ nhiệt” thị trường

Trước sức nóng của giá vàng thế giới kéo theo vàng trong nước tăng cao, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ. Các doanh nghiệp này sẽ nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế tác vàng nữ trang.

Tài chính - Ngân hàng - Vàng “tăng nóng”: Phải làm gì để 'ghìm cương con ngựa bất kham'? (Hình 2).

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý ngay và luôn tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.

Theo VGTA, có một số nguyên nhân khiến giá vàng trong nước biến động mạnh là do giá vàng thế giới tăng mạnh ảnh hưởng đến giá vàng trong nước; nhu cầu mua vàng tăng theo tâm lý đám đông; nguồn cung vàng khan hiếm bởi hơn 10 năm nay, NHNN không cho phép các doanh nghiệp nhập vàng.

Do đó, VGTA cho rằng, cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, bởi Nghị định 24 được ban hành ngày 3/4/2012 đến nay đã 12 năm. Nghị định 24 ra đời là cần thiết đã góp phần ổn định thị trường vàng, nhưng hiện bối cảnh thị trường đã có nhiều thay đổi.

Nghị định 24 lấy vàng miếng SJC là vàng chuẩn quốc gia và NHNN là cơ quan duy nhất sản xuất và cung ứng vàng miếng SJC cho thị trường. Trong khi Công ty SJC không được tự sản xuất vàng miếng SJC mà chỉ thực hiện gia công theo ủy quyền và dưới sự giám sát trực tiếp của NHNN.

VGTA cho rằng, về nguyên tắc biến động của giá vàng miếng SJC hàng ngày phản ánh quan hệ cung - cầu. Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế do trong hơn 10 năm qua doanh nghiệp không được nhập vàng nguyên liệu, trong khi nhu cầu mua vàng của người dân tăng, dẫn đến giá vàng miếng SJC thường xuyên cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi, có thời điểm lên đến 20 triệu đồng/lượng.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn để xác định nguồn gốc của vàng nguyên liệu. Vì họ không có cơ sở, điều kiện và nghĩa vụ để xác minh nguồn gốc. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua vàng trên thị trường. Doanh nghiệp đang có tâm lý lo ngại về rủi ro kể cả về mặt pháp lý trong việc tổ chức thu mua vàng nguyên liệu.

VGTA đánh giá, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nguồn cung trong nước sẽ giảm, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế, khiến người dân bị thiệt thòi, trong khi doanh nghiệp không thể xuất khẩu để tái tạo nguồn ngoại tệ. Đặc biệt, trong giá trị hàng trang sức mỹ nghệ xuất khẩu có tới từ 25-30% giá trị lao động.

Cũng theo VGTA, trong thời gian qua, sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP, bình ổn thị trường vàng trong nước là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm. Sau 12 năm thực hiện, Nghị định 24 đã đạt những thành công và hoàn thành sứ mệnh. Bên cạnh đó, Nghị định 24 đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây nên những ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, thị trường như chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước ngày càng cao…

Trước tình hình hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cũng thống nhất đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Theo một số chuyên gia, ngoài việc xoá bỏ độc quyền nhập khẩu vàng, để “cởi trói” cho thị trường, cần thiết xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng.

Với phân tích trên, VGTA đã có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trong phạm vi có kiểm soát cho 3 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ để chế tác vàng nữ trang với lượng nhập là 1,5 tấn vàng/năm (mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm).

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch VGTA cho biết, các doanh nghiệp sẽ không nhập cùng lúc tất cả 1,5 tấn vàng mà sẽ chia làm nhiều lần nhập, tùy theo quyết định của NHNN.

Theo nhìn nhận của VGTA, việc đưa ra con số 1,5 tấn là không lớn, phù hợp với thị trường, bởi nhu cầu vàng nữ trang trong nước lên tới 20 tấn.

Đại diện VGTA cho biết, nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường phong phú hơn. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ giảm, chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế được rút ngắn lại, thay vì cách quá xa như hiện nay. Như vậy, người dân được hưởng lợi và thị trường vàng sẽ bình ổn.

"Xử lý ngay" chênh lệch, không để ảnh hưởng tỷ giá

Trước tình trạng vàng liên tục "tăng nóng", Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, với các công cụ, điều kiện đã có, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao.

Đồng thời, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường. Cùng với đó, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…

Thủ tướng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó là xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

Sau “lệnh” của Thủ tướng về giá vàng, trả lời báo chí ngày 12/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian vừa qua, diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá quốc tế.

Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp và thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023 …

Cụ thể, với thị trường vàng miếng, thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới. Với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ như vàng nhẫn, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

Phó Thống đốc cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.

Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.

Với hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã lập đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4.

Liên quan đến Nghị định 24 về quản lý hoạt động vàng nhận được nhiều góp ý của chuyên gia, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 24 và đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 24 để triển khai trong thời gian tới.

Minh Vy (Tổng hợp)