Nghệ An: Thu hút FDI quy mô lớn, xây thêm khu công nghiệp gần 2.000 tỷ đồng

25/10/2023 13:06

Tỉnh Nghệ An xác định phát triển thị xã Hoàng Mai là 1 trong 3 cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh; xây dựng thị xã trở thành đô thị công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch; phấn đấu được công nhận đô thị loại III trước năm 2025.

Kinh tế bứt phá ngoạn mục

Theo báo cáo của UBND thị xã Hoàng Mai, tổng giá trị sản xuất của thị xã 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 17.568 tỷ đồng, tăng 14,66% so với cùng kỳ, bằng 70,1% kế hoạch.

Sản xuất công nghiệp, xây dựng đóng góp tích cực trong tốc độ tăng trưởng 9 tháng với tổng giá trị sản xuất ước đạt 13.844 tỷ đồng, tăng khoảng 15,02%, bằng 68,2% kế hoạch. Khắc phục khó khăn của thị trường tiêu thụ, các đơn vị sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được kế hoạch sản xuất.

Một số dự án trọng điểm triển khai trên địa bàn như: Đường cao tốc Bắc Nam, Đường ven biển từ Nghi Sơn – Cửa Lò, các dự án của nhà đầu tư, dự án đầu tư công của thị xã và xã, phường, xây dựng trong dân cư.

Thương mại dịch vụ tăng trưởng khá, trong đó đóng góp quan trọng phải kể đến là các dịch vụ về lưu trú, ăn uống, vận tải, thương mại bán lẻ... Giá trị sản xuất ngành 9 tháng ước đạt 1.827 tỷ đồng, tăng khoảng 19,8%, bằng 70,28% kế hoạch.

Với kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI, đã tạo động lực, hỗ trợ cho sự tăng trưởng của các ngành dịch vụ, thương mại.

Nông lâm ngư nghiệp của tỉnh phát triển ổn định, các hoạt động sản xuất diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Giá trị sản xuất 9 tháng ước đạt 1.805 tỷ đồng, tăng khoảng 7,69% so với cùng kỳ, đạt 78% kế hoạch.

Thu hút FDI chất lượng cao

Công tác thu hút đầu tư là một trong những điểm sáng nổi bật của thị xã Hoàng Mai. Thị xã đã tích cực phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án nhằm hỗ trợ các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Thị xã Hoàng Mai trở thành "điểm sáng" thu hút đầu tư FDI. (Ảnh Hồ Long - Thanh Lê) Thị xã Hoàng Mai trở thành "điểm sáng" thu hút đầu tư FDI. (Ảnh Hồ Long - Thanh Lê)

Dự án của nhà đầu tư Ju Teng đang triển khai xây dựng; dự án của nhà đầu tư Hoa Lợi đang chuẩn bị hoàn thiện các hạng mục xây dựng để lắp đặt thiết bị, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2023.

Sau khi được UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư, hiện nay dự án Nhà máy Sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn tại KCN Hoàng Mai I với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Runergy đang làm thủ tục cấp phép xây dựng tạm để chuẩn bị ép cọc, xây hàng rào và nhà ở cho cán bộ; đơn vị đã tuyển dụng 150 chuyên gia và 150 lao động trong nước, đến cuối tháng 11/2023 đi vào hoạt động.

Khu công nghiệp Hoàng Mai I nói riêng và thị xã Hoàng Mai nói chung đã và đang từng bước xuất hiện trên bản đồ thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu và lựa chọn vị trí đầu tư dự án tại Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đáng chú ý, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1164/QĐ-TTg chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Hoàng Mai II. Địa điểm thực hiện dự án tại Xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, với quy mô sử dụng đất của dự án là 334,79 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.900 tỷ đồng.

Trong 3 tháng còn lại của năm 2023, Thường trực Thị ủy đã định hướng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu trên các lĩnh vực, quyết tâm thực hiện thắng lợi NQ năm 2023, với 4 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá. Trong đó đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng; tiếp tục phát huy lợi thế vùng phụ cận, khu công nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Cùng với đó, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm; tăng cường công tác quản lý khoáng sản, có biện pháp cải tạo, phục hồi, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Phát huy vai trò là 1 trong 3 cực tăng trưởng của tỉnh theo định hướng mà Bộ chính trị đã xác định và đang xây dựng thành Nghị quyết phát triển Nghệ An trong giai đoạn mới.

Theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 40 - 45 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (thành phố Vinh mở rộng), 2 đô thị loại III ( thành phố Hoàng Mai và thành phố Thái Hòa), 2 đô thị loại IV/III (thị xã Diễn Châu và thị xã Đô Lương), 15 thị trấn huyện lỵ và 20 - 25 thị trấn tiểu vùng thuộc huyện.