Bất động sản 2024: Cơ hội mang tên "người dùng cuối"

20/02/2024 08:13

Sau một năm sóng gió, thị trường địa ốc đã trải qua cuộc thanh lọc mạnh mẽ để tạo một sân chơi bền vững. Theo đó, các sản phẩm bất động sản cũng được tái cơ cấu lại, hướng đến người tiêu dùng cuối (end-user).

Bất động sản và xây dựng đóng góp gần 10% GDP của nền kinh tế

Bất động sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp ngân sách lớn và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng sản phẩm quốc nội đối với một quốc gia. Theo TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, bất động sản đóng góp vai trò lớn đối với nền kinh tế khi có liên quan đến 35 ngành nghề, lĩnh vực với hệ số lan tỏa từ 0,5 - 1,7 lần. Bất động sản là 1 trong 20 ngành kinh tế cấp 1, xếp thứ 9 về quy mô giá trị. Ngành kinh doanh bất động sản và xây dựng cũng đóng góp gần 10% GDP.

"Sức lan tỏa của bất động sản sang các ngành nghề khác rất lớn. Bất động sản lan tỏa ít nhất 4 ngành nghề lớn là lĩnh vực lưu trú, lĩnh vực tài chính ngân hàng, xây dựng và 1 số lĩnh vực khác. Trong đó, tôi xin nhấn mạnh tứ giác liên thông, liên quan mật thiết giữa 4 thị trường ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản. Nếu 1 trong 4 lĩnh vực này xảy ra vấn đề thì ảnh hưởng đến các ngành khác và ảnh hưởng chung đến nền kinh tế vô cùng lớn", ông Lực khẳng định.

Chính bởi vai trò quan trọng của bất động sản trong nền kinh tế đã khiến Chính phủ liên tục có những giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản ở. Liên tiếp trong 2 năm vừa qua Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo và quyết định thành lập Tổ công tác (liên ngành) thực hiện nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp để khơi thông lại thị trường, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.

Doanh nghiệp bất động tái cơ cấu sản phẩm, phát triển bền vững

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, hiện các doanh nghiệp bất động sản đang tái cơ cấu, giảm bớt đầu tư các dự án để không phải lo thiếu vốn và có dòng vốn luân chuyển. Nhiều doanh nghiệp đang tập trung đầu tư những dự án sắp hoàn thành và bán sản phẩm với giá hợp lý, đẩy mạnh pháp lý đẩy dự án ra thị trường để cân bằng cung - cầu.

Bất động sản 2024: Cơ hội mang tên

Tái cấu trúc sản phẩm dành cho người dùng cuối là mục tiêu của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024.


Điển hình như mới đây, theo công bố từ Chủ tịch Sunshine Group Đỗ Anh Tuấn trong năm 2024 tập đoàn này sẽ ra mắt 5 dự án lớn với gần 10.000 sản phẩm chung cư, biệt thự thấp tầng tại Hà Nội. "2024 sẽ là năm bản lề chiến lược của Sunshine Group khi đồng loạt hoàn thiện pháp lý nhiều dự án lớn, đưa ra các sản phẩm hướng tới người tiêu dùng cuối (end-user), cân bằng cung - cầu trên thị trường để góp phần giảm tăng giá nhà do thiếu nguồn cung", ông Tuấn nhận định.

"Cùng với việc Nhà nước đẩy mạnh đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các dự án quy mô "nghìn tỷ" được chúng tôi khởi động và ra mắt sẽ góp phần hoàn thiện mỹ quan đô thị, tạo nên các tâm điểm liên kết vùng mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động", ông Tuấn cho biết.

Cùng với Sunshine Group hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn cũng đang có những chiến lược mới. Ông Trần Xuân Ngọc - Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long chia sẻ, một trong những mục tiêu quan trọng của Tập đoàn là đưa sản phẩm nhà ở vừa túi tiền đến với khách hàng, đồng thời cải thiện cách tiếp cận khách hàng, tức là không chỉ dừng ở việc tung ra sản phẩm có giá bán ưu đãi, mà còn phải đáp ứng được nhu cầu thực từ thị trường.

Theo ông Ngọc, để chuẩn bị cho sự phục hồi, doanh nghiệp phải chấp nhận bỏ qua những lợi ích nhỏ để cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng việc xây dựng chính sách xoay quanh khách hàng, trong đó doanh nghiệp sẽ đóng vai trò điều phối, phối hợp với các bên liên quan từ ngân hàng đến nhà thầu, nhà cung cấp… để tạo điều kiện tốt nhất cho người mua nhà.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Vietnam đánh giá, năm 2024 là thời gian giao thoa, khi doanh nghiệp định hình lại chiến lược phát triển và đầu tư của mình. Ông Kiệt cho rằng, cả doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư cá nhân đều cần tái cơ cấu kế hoạch đầu tư để thích ứng với những thách thức và cơ hội mới từ Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.

Ông Kiệt cũng nhìn nhận, trong năm nay, các chủ đầu tư được khuyến khích cơ cấu lại nguồn vốn và chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin lớn hơn cho khách hàng, đặc biệt là về mặt pháp lý của dự án. Nếu giải quyết được những vấn đề này, cơ hội cho doanh nghiệp và thị trường phát triển bền vững, đón sự tăng trưởng ở chu kỳ mới.

Có thể nói, với sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, việc cơ cấu lại sản phẩm, giá thành là một trong nhiều giải pháp đang được các doanh nghiệp bất động sản tập trung triển khai trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ thời gian qua. Trước những khó khăn về thanh khoản, các doanh nghiệp đã tính toán nhiều giải pháp để cơ cấu lại giá bán sản phẩm, kích cầu thị trường.

“Trong hoạt động tái cơ cấu, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách làm khác nhau. Tuy nhiên, cốt lõi của thị trường bất động sản vẫn nằm ở người tiêu dùng cuối. Nếu sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng cuối doanh nghiệp sẽ thành công, nếu ngược lại thất bại là điều đương nhiên. Khi thanh khoản bất động sản tăng, tạo niềm tin cho người mua nhà, giúp thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển ổn định", chủ tịch Đỗ Anh Tuấn cho biết.

Bạn đang đọc bài viết "Bất động sản 2024: Cơ hội mang tên "người dùng cuối"" tại chuyên mục DỰ ÁN.