VNG lấy vốn ở đâu để đầu tư vào hàng loạt startup?

24/02/2022 17:04

Đầu tư hàng loạt startup

Theo TechCrunch, VNG đã dẫn dắt vòng gọi vốn Series A của OpenCommerce Group (OCG) trị giá lên đến 7 triệu USD với sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures.

OCG là công ty chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ trọn gói cho những người bán hàng trực tuyến với chi phí thấp và hạn chế rủi ro. Đến nay, nền tảng đã hỗ trợ hơn 86.700 người ở 195 quốc gia bán hàng trực tuyến với tổng giá trị giao dịch đạt 670 triệu USD.

Theo VNG, OCG là một trong số ít các công ty nội địa có thể tạo ra sản phẩm cạnh tranh được với các đối thủ quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới – tương lai của thương mại điện tử.

vng-1645689048.jpeg

Quyết định đầu tư vào OCG chỉ cách trước đó 1 tuần khi VNG tuyên bố đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies, một startup Indonesia chuyên tài trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á.

Năm 2021, kỳ lân đầu tiên của Việt Nam cũng rót 22,5 triệu vào Telio, một nền tảng thương mại điện tử B2B trong nước trong vòng gọi vốn Pre-Series B của doanh nghiệp này.

Bên cạnh các thương vụ trên, VNG cũng tích cực đầu tư ra nước ngoài với Beijing Youtu Entertainment Technology Co., Ltd (35,4 tỷ đồng), trái phiếu của Victoria Shanghai Education Foundation (10,6 tỷ đồng).

Từ giữa năm 2020, VNG đã thay đổi chiến lược trở nhà một nhà đầu tư khi quyết định sẽ rót vốn mạnh cho các startup công nghệ nhiều tiềm năng, hướng tới một hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển.

Soi nguồn thu của VNG

Báo cáo tài chính hợp nhất Quý IV/2021 của VNG cho thấy doanh thu của tập đoàn tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020 với lợi nhuận gộp là 776 tỷ đồng, tăng 24%. Tuy nhiên, do các chi phí đều tăng mạnh, nên VNG đã lỗ sau thuế đến 283 tỷ đồng cả năm 2021.

Dù vậy, kết thúc năm, tổng tài sản của VNG tăng 18% lên 9.278 tỷ đồng. Tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty là 4.930 tỷ đồng, chiếm 53% cơ cấu tài sản.

Trên thực tế, hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi) là một trong 3 nguồn thu quan trọng của VNG, cùng với dịch vụ trò chơi và quảng cáo trực tuyến.

Theo thông tin mới nhất được công bố, dịch vụ trò chơi trực tuyến là nguồn thu chính của VNG, đạt khoảng 2.358,2 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, nguồn thu từ dịch vụ trực tuyến trong cùng thời điểm đạt khoảng 394,8 tỷ đồng. Lĩnh vực cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet cũng đem lại cho VNG 79,8 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Cũng trong nửa đầu năm 2020, nguồn thu từ hoạt động tài chính đạt 122,5 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, đứng thứ 3 sau các nguồn thu từ dịch vụ trò chơi và quảng cáo trực tuyến.