Những thương vụ làm 'nóng' thị trường bất động sản công nghiệp

01/08/2022 20:09

Boustead Projects mua lại 49% cổ phần KTG & Boustead tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh với giá trị 6,9 triệu USD...

Phả hơi "nóng" vào thị trường

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS), cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, cùng với chính sách "zero COVID" của Trung Quốc khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng. Chuỗi sản xuất đứt gãy, chi phí và thời gian vận tải tăng cao... Những biến động này khiến các hãng có nhu cầu cao về kho bãi và nhà xưởng ngay tại các thị trường tiêu thụ.

Với tình hình kinh tế, chính trị xã hội ổn định, sức mua lớn cùng những chính sách ưu đãi từ Chính phủ, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến mới của các doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia.

Trong khi đó, số liệu của các đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản công nghiệp cho thấy, nửa đầu năm nay chứng kiến nhiều thương vụ phả hơi "nóng" vào bất động sản công nghiệp.

Những thương vụ làm nóng thị trường bất động sản công nghiệp - Ảnh 1.

Dự án KCN DEEP C – giai đoạn 1 tại Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng II, có quy mô 10.6 ha, cung cấp 71,408 m2 sàn nhà xưởng cho thuê trong năm 2023. Ảnh: KCN DEEP C

Đơn cử như hồi đầu tháng 1/2022, GLP - nhà quản lý đầu tư và xây dựng kinh doanh hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hậu cần, cơ sở hạ tầng dữ liệu và năng lượng tái tạo thông báo về việc thành lập GLP Vietnam Development Partners I với tổng mức đầu tư 1,1 tỷ USD, đầu tư vào 6 dự án trung tâm logistics có tổng diện tích lên đến 900.000 m2.

Tháng 2, Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW - nhà phát triển bất động sản công nghiệp do Warburg Pincus và Becamex IDC đồng sáng lập đã công bố việc mua lại khoảng 74.000 m2 đất tại KCN Bắc Tiền Phong, Quảng Ninh, do DEEP C phát triển.

CapitaLand Development cũng thông báo việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh Bắc Giang. 2 bên sẽ đẩy mạnh phát triển dự án Khu đô thị - công nghiệp - logistics có tổng diện tích hơn 400 ha với giá trị cam kết đầu tư 1 tỷ USD.

Đáng chú ý, gần đây Công ty TNHH Boustead Projects đã mua lại 49% cổ phần trong Công ty CP Công nghiệp Logistics KTG & Boustead tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh với giá 6,9 triệu USD.

Một thương vụ đầu tư vào bất động sản trung tâm dữ liệu cũng được công bố bởi tổ chức đầu tư tư nhân Gaw Capital Partners có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) với dự án Trung tâm dữ liệu cấp độ 3 có diện tích 6.056 m2 tại Khu CNC TP.HCM.

Hay như sự kiện ra mắt thương hiệu Core5 Việt Nam thuộc sở hữu của Công ty TNHH Indochina Kajima Development (liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima - Hoa Kỳ), tổ chức vào đầu tháng 7/2022 tại TP.HCM, đánh dấu sự khởi đầu trong mảng đầu tư kinh doanh bất động sản công nghiệp của Indochina Capital.

Phân khúc còn nhiều dư địa

Hồi tháng 5/2022, trong chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sang Mỹ, người đứng đầu Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với các doanh nghiệp lớn tại đây và đón nhận nhiều thông tin tích cực.

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết, hãng mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đu điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple.

Còn tại "sân nhà", tháng 4/2022, Vinhomes IZ - công ty con thuộc lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Vinhomes, đã tăng vốn điều lệ từ 70 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng chỉ trong 2 năm, gần gấp đôi con số 10.000 tỷ đồng dự kiến trước đó. Công ty kỳ vọng đây sẽ là mảng kinh doanh chủ chốt trong tương lai, mang lại nguồn thu ổn định và lâu dài.

Thậm chí, năm ngoái, bất chấp sự tàn phá của COVID-19, những biến động của nền kinh tế, nhưng bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn là phân khúc tăng trưởng mạnh mẽ và bền bỉ. Điều này cho thấy, bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn là "sân chơi" còn nhiều dư địa.

Nửa đầu năm nay cũng chứng kiến nhiều dự án khởi động, công bố ra thị trường. Tính đến cuối năm 2022, Bình Dương và Đồng Nai có thêm 2 KCN mới là VSIP 3 và AMATA Long Thành hoàn thành hạ tầng và sẵn sàng cho thuê.

Đơn cử như lễ khởi công VSIP 3 - KCN thứ 11 của VSIP tại Việt Nam ở tỉnh Bình Dương với diện tích hơn 1.000 ha; KCN DEEP C - giai đoạn 1 tại KCN DEEP C Hải Phòng II với quy mô 10,6 ha; JD Future Explore V Limited khởi công xây dựng Khu Logistics JD Property (Việt Nam) Hải Phòng 1 tại Khu phi thuế quan và KCN Nam Đình Vũ (khu 1), với diện tích đất 97.000 m2.

Gần đây nhất, vào tháng 6/2022, Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW đã khởi công Dự án 16 - Kho xây sẵn BW Phú Nghĩa tại KCN Phú Nghĩa (Hà Nội). Đây là dự án đầu tiên của BW tại Hà Nội được xây dựng theo tiêu chuẩn xanh LEED.

Ngoài ra, Tập đoàn YSL (Hàn Quốc) cũng đang triển khai dự án đất công nghiệp có diện tích gần 300 ha tại Nam Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

VARS cho biết, thị trường nhà xưởng xây sẵn và nhà kho phía Nam có nhiều dự án được xây dựng và sẽ hoàn thành trong năm 2022 với một số tên nổi bật như SLP, BWID, KCN Việt Nam, JD.com... cung cấp cho thị trường thêm khoảng 800.000 m2 diện tích kho xưởng.

Nhu cầu lớn khiến tỷ lệ lấp đầy các KCN phía Nam luôn duy trì ở mức cao, xung quanh 90%, mức giá thuê ổn định nhờ sự tăng trưởng nguồn cung. Riêng các tỉnh như Long An, nhờ giao thông thuận tiện, mức giá cho thuê nhà xưởng tăng mạnh so với cùng kỳ từ 21-45%. Các ngành hiện đang có nhu cầu nhà xưởng lớn bao gồm kho vận, điện tử, nội thất và thiết bị y tế.

Tương tự, tại khu vực phía Bắc, các KCN cũng có tỷ lệ lấp đầy tiếp tục duy trì mức cao trong điều kiện nguồn cung không ngừng mở rộng. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp quý I/2022 khu vực phía Bắc đạt 85%, tăng 5% so với cùng kỳ, nhà xưởng xây sẵn đạt 98%.

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Tương), tính đến giữa tháng 2/2022, khu vực miền Bắc đang có khoảng 63,5 nghìn ha đất công nghiệp được đưa vào quy hoạch với 238 khu, cụm công nghiệp đã hoạt động và đang được xây dựng.

Còn các chuyên gia nhận định, Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng phát triển theo chuỗi giá trị nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc di dời khỏi Trung Quốc.