Hơn 9 tháng làm thủ tục, dự án hãng hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn chưa được cấp phép

15/02/2022 17:07

Zing đã dẫn lời ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch IPP Air Cargo cho biết sau buổi làm việc giữa doanh nghiệp và nhà chức trách hàng không Việt Nam, công ty cần bổ sung một số giải trình về dự án rõ ràng hơn, kết quả thẩm định sẽ có vào tuần tới.

Mặt khác, theo lãnh đạo Cục Hàng không, Cục đã trao đổi toàn bộ các yêu cầu về giải trình dự án cho lãnh đạo của IPP Air Cargo, tuy nhiên chưa thể đưa ra thời điểm dự kiến có thể cấp phép bay cho hãng.

“Cục Hàng không đã làm thủ tục đúng quy định, đúng thời gian giải quyết thủ tục hành chính, còn khi nào cất cánh còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Hy vọng mọi việc suôn sẻ thì hãng sẽ có thể sớm cất cánh,” vị này cho biết.

Nếu được Bộ GTVT chấp thuận, dự án sẽ tiếp tục được trình Thủ tướng để phê duyệt bước cuối cùng.

Hơn 9 tháng làm thủ tục

Dự án hãng bay vận tải của ông Jonathan Hạnh Nguyễn liên tục gặp trắc trở kể từ khi lần đầu làm thủ tục xin cấp phép hồi tháng 6 năm ngoái. Tại thời điểm đó, Chính phủ từ tháng 5 tạm dừng cấp phép thành lập hãng hàng không mới cho đến thị trường phục hồi (dự kiến trong năm 2022).

nhung-thu-cam-van-chuyen-bang-duong-hang-khong-1622735109-1622768775-1644907111.jpeg

Cục Hàng không Việt Nam trong tháng 6/2021 cũng đã có công văn tham vấn ý kiến của Bộ GTVT đối với dự án thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo (IPP Air Cargo).

Nhà chức trách hàng không Việt Nam cho biết là theo Luật Đầu tư thì dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa không nằm trong danh mục các dự án cần phải phê duyệt chủ trương đầu tư của các cấp có thẩm quyền.

Đến giữa tháng 7, IPP Air Cargo tiếp tục bị từ chối cho phép thành lập. Trong một văn bản do ông Đinh Việt Sơn, phó cục trưởng Cục hàng không Việt Nam ký gửi Bộ GTVT, việc chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa cũng là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung - cầu của thị trường trong bối cảnh Covid-19.

Đối với chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo của "vua hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn, phó cục trưởng Đinh Việt Sơn cho biết: Theo quy định tại Nghị định số 89 của Thủ tướng Chính phủ, xem xét cho phép (hoặc không cho phép) Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho người đề nghị cấp giấy phép.

“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Công văn số 5833 về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022),” phó cục trưởng Đinh Việt Sơn thông tin.

Sau đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng đã liên tục kiến nghị lên chính quyền để được phép thành lập IPP Air Cargo trong tháng 9 và tháng 10.

Là dự án cần thiết cho ngành vận tải Việt Nam?

Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động. Theo kế hoạch, hãng sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên hoạt động. Đến năm thứ 2, đội bay của hãng sẽ tăng lên 7 chiếc và năm thứ 3 tăng lên 10 chiếc.

IPP Air Cargo cho biết hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa vào năm đầu tiên, doanh thu đạt 71 triệu USD. Dự kiến đến năm thứ 4 kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có lãi. 

Theo ông Hạnh Nguyễn, việc thành lập một hãng hàng không vận tải rất cần thiết cho Việt Nam trong bối cảnh các doanh nghiệp ngoại như FedEx, UPS, DHL,… đang thay nhau chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Cụ thể, việc IPP Air Cargo ra đời sẽ cân bằng lại thương quyền bay cho ngành hàng không Việt Nam. Ông lý giải vì Hiệp định hàng không quy định 1 - 1, hay nói cách khác, cứ một chuyến bay từ nước khác vào Việt Nam thì chúng ta được quyền bay ngược lại 1 chuyến. Nhưng do chưa có hãng vận tải hàng hóa hàng không chuyên biệt nên Việt Nam thường bị thua thiệt.

Trong khi đó, các hãng vận tải hàng không nước ngoài tại Việt Nam đang chiếm 88% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Doanh nhân này khẳng định khi IPP Air Cargo ra đời thì tỷ lệ này sẽ được cân bằng 50/50. Số lượng chuyến bay cũng sẽ tăng lên và các hãng nước ngoài cũng nhờ thế được tăng gấp đôi số chuyến bay và lượng hàng hoá.

Để chuẩn bị đội bay cho IPP Air Cargo, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết đã đạt thỏa thuận mua 10 chiếc Boeing 777 Freighter trị giá 3,5 tỷ USD để lập hãng bay chở hàng sau dịch. Doanh nhân này chia sẻ số máy bay này là đặt hàng trước và khi được cơ quan chức năng cấp phép, IPP Air Cargo sẽ có sẵn đội bay để triển khai kinh doanh.