Hoà Phát: Vay nợ hơn 65.000 tỷ đồng, tiền nhàn rỗi gần 35.000 tỷ đồng

03/02/2024 12:12

Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long hiện đang là một trong những doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất sàn chứng khoán, song tiền nhàn rỗi cũng rất lớn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) ghi nhận tổng tài sản đạt 187.783 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023, tăng thêm khoảng 17.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn nhất là tài sản cố định với hơn 38% với giá trị 72.000 tỷ đồng. Hàng tồn kho và tài sản dở dang dài hạn là những khoản mục chiếm tỉ trọng lớn thứ 2 và thứ 3 trong cơ cấu tài sản của nhà sản xuất thép này.

So với ngày đầu năm 2023, hàng tồn kho tăng nhẹ lên 34.500 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí xây dựng dở dang tăng mạnh thêm khoảng 13.000 tỷ đồng lên hơn 26.000 tỷ đồng, chủ yếu do Hoà Phát đầu tư mở rộng dự án Dung Quất giai đoạn 2.

Trong cơ cấu tài sản, Hòa Phát có đến hơn 22.000 tỷ tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, giảm 4.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu ngành thép còn có gần 3.800 tỷ tiền mặt và 8.500 tỷ tương đương tiền.

Lượng tiền gửi lớn giúp doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long "bỏ túi" những khoản lãi không nhỏ trongnăm qua, bù đắp phần nào chi phí lãi vay phải gánh.

Trong quý IV/2023, Hòa Phát nhận được 392 tỷ đồng lãi tiền gửi, giảm gần 15% so với quý trước và thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức lãi tiền gửi thấp nhất mà doanh nghiệp này nhận được trong một quý 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng xuống thấp kỷ lục.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Hòa Phát tăng thêm hơn 10.000 tỷ đồng trong năm nay 2023, lên mức 84.964 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ vay là hơn 65.000 tỷ đồng, tăng gần 7.400 tỷ đồng so với cuối quý 3 trước đó và là mức cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây. Trong đó, vay ngắn hạn là gần 55.000 tỷ đồng, chiếm 85% tổng nợ vay và còn lại là hơn 10.300 tỷ đồng vay dài hạn. Với dư nợ hiện tại, Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất sàn chứng khoán.

Nợ vay “khổng lồ” khiến Hòa Phát phải gánh chi phí lãi vay rất lớn lên đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng mỗi quý. Trong quý IV/2023, tập đoàn chịu lãi vay 711 tỷ đồng, giảm 145 tỷ đồng so với quý 3 trước đó.

Tính chung cả năm 2023 vừa qua, chi phí lãi vay của Hòa Phát lên đến gần 3.600 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ khi hoạt động. Dù giảm liên tiếp trong 2 quý cuối năm nhưng lãi vay tăng cao trong nửa đầu năm đã kéo chi phí lãi vay cả năm 2023 lên cao kỷ lục. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này phải trả gần 10 tỷ đồng tiền lãi vay.

Chi phí lãi vay lớn ăn mòn đáng kể lợi nhuận của Hòa Phát. Trong năm 2023, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận liên tục hồi phục quý sau cao hơn quý trước nhưng lãi ròng luỹ kế cả năm vẫn giảm hơn 19% so với năm trước, xuống mức 6.800 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 1/5 so với mức kỷ lục đạt được năm 2021.