Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam: Cung không đủ cầu, giá chung cư sẽ tiếp tục tăng

27/03/2024 00:14

Sáng nay (26/3), tại Hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024”, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ về bối cảnh kinh tế, thảo luận về các lĩnh vực tiềm năng, đồng thời chia sẻ thông tin đến nhà đầu tư.

Tại hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024" diễn ra sáng nay (26/3), nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đều bày tỏ niềm tin lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế.

Trong đó, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận định, vai trò của FDI rất quan trọng, thực tế thị trường có nhiều thách thức thì các nhà đầu tư phát triển nội địa vẫn chú trọng vào cách thức truyền thống nhất là M&A. Hiện nay, khi mua đất dự án, các nhà đầu tư rất muốn các sản phẩm có sẵn nhưng lại gặp khó khăn về giấy tờ pháp lý.

photo-1711443304910

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam.

Đối với các nhà đầu tư, bối cảnh vĩ mô dần tốt lên trong khi mặt bằng lãi suất ở mức thấp, dòng tiền sẽ tìm đến kênh đầu tư nào để tìm kiếm lợi suất cao hơn? Bà Dung nhận định, bất động sản công nghiệp là điểm sáng nhất trong thị trường bất động sản, tỷ lệ đầu tư thành công lên tới 50%. Bên cạnh đó, bất động sản thương mại là thị trường nhà đầu tư quan tâm tuy nhiên tỷ lệ thành công chỉ 5 - 10%. Về lý do thất bại của từng sản phẩm trên thị trường bất động sản, theo bà Dung điều này đến từ chênh lệch định giá, pháp lý và cơ cấu chủ sở hữu.

Ngoài ra, để quyết định xuống tiền phân khúc nào tốt nhất trong năm 2024, bà Dung cho rằng, còn phụ thuộc vào tổng số tiền đầu tư bao nhiêu vì có rất nhiều sản phẩm, phân khúc trong bất động sản. Đối với nhà đầu tư, bất động sản thương mại, khu công nghiệp vẫn là khẩu vị của họ. Còn sản phẩm nhà ở là sản phẩm nhà đầu tư cá nhân quan tâm. Trong đó, nhà ở trung cấp và tiệm cận trung cao cấp đang là phân khúc được nhiều người quan tâm nhất và là những phân khúc sáng của thị trường trong năm nay và những năm tới.

Cũng tại Hội nghị, bà Dung đã có những nhận định về sự tăng giá của thị trường căn hộ Hà Nội trong thời gian vừa qua. Bà cho rằng, giá bán sơ cấp tại thị trường căn hộ Hà Nội đang dần đuổi kịp với TP HCM. 

Cụ thể, trong quý I/2024, Hà Nội ghi nhận lượng mở bán chung cư tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, lượng sản phẩm bất động sản gắn liền với đất giảm 98%. Sản phẩm chung cư mới chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang đã đẩy mức giá bán sơ cấp Hà Nội lên 56 triệu đồng/m2, tăng 5% so với quý trước và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thị trường TP HCM ghi nhận mức giảm 54% tại phân khúc chung cư và 98% với bất động sản gắn liền với đất. Giá sơ cấp trung bình tại thị trường này mức 62 triệu đồng/m2, tăng 0,1% so với quý trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện CBRE dự đoán, giá bán sơ cấp tại Hà Nội và TP HCM sẽ tiếp tục tăng do thị trường dự kiến đón nhận thêm nhiều nguồn cung mới ở phân khúc cao cấp. Đặc biệt tại Hà Nội, giá bán sẽ tiếp tục tăng 10% trong 2024 và liên tục tăng khoảng 3% mỗi năm trong các năm 2025 và 2026.

Về thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ Hà Nội tiếp tục đà tăng mạnh. Theo ghi nhận của CBRE, giá bán trên thị trường thứ cấp Hà Nội đã tăng 6% so với quý trước và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Giá căn hộ trên thị trường mua đi bán lại Hà Nội vẫn sẽ tiếp diễn tăng giá, mức tăng từ 16 - 20%.

Cũng tại Hội nghị, TS Võ Trí Thành và TS Cấn Văn Lực đều nhấn mạnh việc các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cá nhân trước khi tìm kiếm các cơ hội bứt phá đều phải xác định rõ khẩu vị rủi ro và phương thức quản trị rủi ro của mình. 

Đặc biệt đối với các doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ của Chính phủ; kết nối ngành hàng, đối tác, hiệp hội; tìm hiểu sự dịch chuyển của các thị trường, nguồn cung… và bắt nhịp các xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Qua đó, TS Võ Trí Thành đã đúc kết lại chuỗi các hành động này với công thức: "Phòng thủ chắc chắn + Tận cơ vượt khó + Bắt kịp xu thế".