Giá cà phê tiếp tục "lập đỉnh", trong nước cán mốc 110.000 đồng/kg

13/04/2024 12:16

Thời gian gần đây cơn "sốt" giá cà phê tiếp tục tăng nhiệt ở tất cả các thị trường. Tại Tây Nguyên, giá cà phê đã chạm mốc lịch sử mới với 110.000 đồng/kg.

Giá cà phê đồng loạt tăng mạnh

Giá cà phê hôm nay 13/4 trong khoảng 109.000 - 110.000 đồng/kg. Chuyên gia nhận định, Robusta vụ mới của Brazil sẽ bắt đầu được tung ra thị trường vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7. Từ nay cho đến thời điểm đó, thị trường Robusta vẫn chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam.

Theo số liệu trên báo Kinh tế & Đô thị, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 109.000 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 109.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 109.700 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 110.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 109.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 109.500 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 109.400 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 109.500 đồng/kg.

Thị trường cà phê trong nước tiếp tục tăng mạnh so với cùng thời điểm hôm qua.

Về thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2024 tăng 57 USD/tấn, ở mức 3.900 USD/tấn, giao tháng 7/2024 tăng 62 USD/tấn, ở mức 3.852 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 tăng 4,3 cent/lb, ở mức 224,65 cent/lb, giao tháng 7/2024 tăng 3,1 cent/lb, ở mức 220,45 cent/lb.

Lý do giá cà phê tiếp tục tăng mạnh do mối lo ngại về vụ mùa cà phê ở Brazil và cả ở Việt Nam. Mùa màng kém ở Việt Nam cùng với sự gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ, đã dẫn đến giá cà phê Robusta tăng vọt và thúc đẩy nhu cầu đối với cà phê Robusta của Brazil.

Trước biến động của thị trường các chuyên gia kỳ vọng sản lượng cà phê Robusta ở Brazil sẽ tăng hơn vào năm 2024. Nhà môi giới StoneX dự báo sản lượng cà phê Robusta năm 2024 của Brazil sẽ vào khoảng 22,7 triệu bao so với 21,5 triệu bao vào năm 2023. Hiện nay không còn nhiều hàng tồn kho từ vụ mùa năm 2023.

Chuyên gia nhận định, cà phê Robusta vụ mới của Brazil sẽ bắt đầu được tung ra thị trường vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7. Từ nay cho đến thời điểm đó, thị trường Robusta vẫn chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam.

Tiêu dùng & Dư luận - Giá cà phê tiếp tục 'lập đỉnh', trong nước cán mốc 110.000 đồng/kg

Giá cà phê trong nước tiếp tục tăng. Ảnh minh họa.

Cà phê tăng giá, doanh nghiệp bám xu hướng “ăn chắc mặc bền”?

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Tiền Phong ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết thêm, doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều nguy cơ (mất uy tín, thua lỗ, gom không được hàng cho đối tác), sau khi cà phê tăng giá. Không ít doanh nghiệp bị thua lỗ nặng. Tuy nhiên, theo ông Minh, đây là thời điểm các bên tham gia vào chuỗi ngành hàng cà phê buộc phải phân chia lại lợi nhuận. Bởi lâu nay, tỉ lệ lợi nhuận của người nông dân rất thấp. Từ lâu, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã nghiên cứu, đưa ra nhận định, mức giá 3 USD/kg mới đảm bảo thu nhập đủ sống cho người trồng cà phê toàn cầu. Song lâu nay giá cà phê ở Việt Nam khá thấp (40.000-50.000 đồng/kg) và chỉ bắt đầu tăng trong vòng 2 năm trở lại đây. Do đó, mức giá hiện tại là lẽ công bằng để “buộc chân” nông dân với cây cà phê.

Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk (địa phương đang là “thủ phủ” cà phê của cả nước) cho biết: “Không ít doanh nghiệp đang xoay xở đủ cách để trả nợ đơn đã ký trước đó. Việc gom hàng lúc này không dễ vì một thực tế đã tồn tại xưa nay: Cứ cà phê tăng giá, nông dân lại giữ hàng. Trong khi đó, mức giá hiện nay (trên 100.000 đồng/kg) đang rất tốt để nông dân bán hàng”.

Cũng theo ông Dương tiết lộ, nhiều doanh nghiệp rót vốn cho nông dân (để đầu tư sản xuất) và cho các đại lý cấp dưới (gom hàng), nhưng nay chưa thu được cà phê. Có tình trạng đại lý thu mua cà phê ở Đắk Lắk bị vỡ nợ, bỏ trốn vì thua lỗ. Để có hàng giao cho đối tác, nhiều doanh nghiệp “bấm bụng” chịu lỗ, đẩy giá lên cao hơn giá xuất khẩu để gom được hàng. Để tránh rủi ro, thời điểm này, doanh nghiệp theo chính sách “ăn chắc mặc bền”, tức mua được hàng rồi mới nhận đơn chứ không bán trước giao hàng sau.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê Việt Nam, hiện nay, mốc lịch sử mới 110.000 hay 120.000 đồng/kg cà phê là vấn đề thời gian do nhu cầu thế giới cao trong khi nguồn cung từ Việt Nam đang cạn kiệt. Trong 6 tháng vừa qua Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 triệu tấn cà phê, sản lượng tồn kho ước chỉ còn khoảng 300.000 tấn. Như vậy, khả năng năng chỉ 2 tháng nữa Việt Nam cũng không còn nguồn cung. Trong khi đó, niên vụ mới đến tháng 10 mới bắt đầu thu hoạch. "Có thể Việt Nam phải nhập khẩu ngược cà phê từ các nước khác để sản xuất và bù hợp đồng", ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cảnh báo.

Đáng chú ý thời gian qua, vùng trồng cà phê của Việt Nam đang đối mặt với tình trạng diện tích bị thu hẹp. Khô hạn do nắng nóng gay gắt và mực nước ngầm giảm sâu dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới nên sản lượng cà phê niên vụ tới có thể tiếp tục sụt giảm.

Trúc Chi (t/h)