FTA gia tăng sức ép lên nông nghiệp

29/06/2019 02:30

Hiệp định _Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ đem tới cơ hội xuất khẩu rất lớn cho nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả đều là bức tranh màu hồng, không ít thách thức to lớn cũng dành cho khu vực này.

Nguy cơ thua trên sân nhà

Một trong những lo ngại đó là nhiều sản phẩm nông nghiệp có nguy cơ thua trên chính sân nhà. Ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết sau khi CPTPP, EVFTA và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực, cơ hội rất lớn đi kèm với nhiều thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo sự gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu đến từ các nước có lợi thế hơn, trình độ phát triển cao hơn, do hàng rào thuế quan dần được cắt giảm, trong khi Việt Nam khó sử dụng hàng rào phi thuế như một biện pháp bảo hộ do năng lực về pháp lý, bằng chứng khoa học hạn chế.

Điều này dẫn tới nguy cơ bị thu hẹp thị trường nội địa khi mà nông sản từ các nước Australia, New Zealand hay Nhật Bản… đều có chất lượng cao, thương hiệu mạnh và giá cả cạnh tranh.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Thái Lan đang có cả hai lợi thế này so với Việt Nam và hiện đang thâm nhập mạnh vào thị trường nội địa. Áp lực cạnh tranh sẽ làm một số ngành có thể bị thu hẹp sản xuất như chăn nuôi và mía đường.

Trên thực tế, hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp thuộc các nước CPTPP, EU đang dần chiếm lĩnh sự tin tưởng của người tiêu dùng Việt Nam. Theo Bộ NN&PTNT, giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt 878 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, trái cây ngoại sẽ còn tiếp tục nhập khẩu nhiều hơn khi thuế suất nhập khẩu được cắt giảm, bãi bỏ. Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng bỏ ra hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng để mua 1kg trái cây nhập khẩu.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi 1 tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi gồm thịt gà, lợn, trâu, bò, phụ phẩm… Đáng chú ý, nguồn thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ và Canada tăng mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, nếu mở cửa cho thịt nhập khẩu tràn vào sẽ là một đòn giáng mạnh vào nông dân vốn đã kiệt quệ do dịch tả lợn châu Phi gây ra. Một khi thịt nhập chiếm lĩnh thị trường trong nước, ngành chăn nuôi sau dịch bệnh sẽ rất khó hồi phục.

Trong khi đó, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết sản phẩm nông sản của Bắc Giang đang bị cạnh tranh nhiều với các sản phẩm thay thế khác, trong cùng thời điểm mà các quốc gia tham gia FTA với Việt Nam có lợi thế. Mặt khác, các nước này có trình độ khoa học, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến tốt hơn, có lợi thế cạnh tranh cao hơn.

Hiện nay, Bắc Giang có hai sản phẩm chăn nuôi chủ đạo là thịt lợn và thịt gà. Trong đó, tỉnh này có trên 1,1 triệu con lợn, đứng thứ tư về tổng đàn của cả nước, sản lượng gà là 17 triệu con, đứng thứ ba cả nước. Bởi vậy, nếu đầu ra bị ảnh hưởng, người nông dân chắc chắn sẽ lâm vào cảnh khốn cùng.

rau-qua-nhap-khau-6609-1561648518.jpg

Rau quả nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2019 tăng 46%

Cấp thiết phải thay đổi

So sánh về trình độ, Ts. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết trình độ chăn nuôi của các nước trong khối CPTPP như Australia, Canada, Nhật Bản…, hoặc các nước khối EVFTA như Pháp, Hà Lan, Đức phát triển hơn Việt Nam rất nhiều.

Nếu các doanh nghiệp ngành chăn nuôi của Việt Nam không nhanh chóng, linh hoạt chuyển đổi thì kết cục xấu như thua lỗ, phá sản là việc khó tránh khỏi.

Trước thực trạng trên, ông Trần Công Thắng đề xuất Chính phủ nghiên cứu, rà soát xây dựng các hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp kỹ thuật hợp lý và cao hơn để bảo hộ sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng.

Đồng thời, thúc đẩy hài hòa hóa tiêu chuẩn và công nhận tương đương. Trong đó, rà soát và tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành đối với các nông sản phù hợp và tham chiếu các tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, đàm phán giữa cơ quan liên quan các nước để thúc đẩy hài hòa hóa tiêu chuẩn và công nhận tương đương trong công tác kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật, đồng thời xử lý các vướng mắc có liên quan.

Ngoài ra, tăng cường giám sát, quản lý nông sản lưu thông trong nước, nâng dần tiêu chuẩn bắt buộc về chất lượng trong nước ngang tầm quốc tế làm cơ sở cho việc nâng dần các hàng rào SPS (các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật) và TBT (các rào cản kỹ thuật) đối với nông sản nhập khẩu.

Ông Thắng cũng cho rằng cần định hướng sản xuất và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các ngành hàng yếu thế, dễ tổn thương như ngành chăn nuôi và mía đường; có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy ngành có lợi thế như thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài.

Theo các chuyên gia, để áp dụng các rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, trước hết ở thị trường trong nước, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo sản xuất quyết liệt áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản xuất có chứng nhận chất lượng sản phẩm như GlobalGAP, VietGAP, VietGAHP, HCCP, ISO, Organic, GMP, UTZ… nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá Chính phủ nước nào cũng quan tâm đến hàng rào kỹ thuật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Đương nhiên, Việt Nam sẽ xây dựng hàng rào đó nhưng thực hiện một cách bình đẳng nhất, minh bạch nhất, cố gắng đồng bộ nhất. Phải xem 100 triệu dân thị trường trong nước cũng như tại thị trường xuất khẩu, sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo yêu cầu của thị trường, trước hết phải ưu tiên hàng tốt phục vụ đất nước.

"Ngành nông nghiệp sẽ chiến thắng khi tham gia các FTA nhưng phải xác định sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn, cần sự đồng hành của cả khu vực Chính phủ, Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân", ông Cường nhấn mạnh.

Lê Thúy

Ts. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Ngành nông nghiệp cần phải cân bằng giữa việc tập trung phát triển thị trường cả trong nước và quốc tế, phát triển các kênh phân phối, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh. Riêng đối với thị trường trong nước, người Việt đang có nhu cầu lớn đối với sản phẩm chất lượng, có thương hiệu.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group

Trái cây Việt xuất khẩu qua nước ngoài được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá cao và không đủ hàng để bán. Tuy nhiên, nhiều khách hàng nước ngoài đến Việt Nam ít khi được sử dụng trái cây ngon nội địa. Khi kinh tế phát triển, thu nhập tăng cao, không chỉ có nhu cầu ăn ngon mà còn phải ăn lành, nên người tiêu dùng trong nước cũng kén chọn hơn.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Bộ NN&PTNT sẽ giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ trì rà soát, đánh giá về hiệu quả áp dụng của các biện pháp rào cản kỹ thuật hiện có. Cùng với đó, đề xuất các mặt hàng cụ thể cần xây dựng các biện pháp kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng.

Bạn đang đọc bài viết "FTA gia tăng sức ép lên nông nghiệp" tại chuyên mục TÂM ĐIỂM DƯ LUẬN.