KTS. Luật sư Nguyễn Hồ - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Phóng viên: Thưa ông, với mức giá đất vào khoảng 2,5 tỷ đồng/m2, ông thấy thế nào?
KTS. Luật sư Nguyễn Hồ: 2,5 tỷ đồng/m2 có vẻ là cao quá. Bởi vì cái giá ở đường Đồng Khởi, đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ, quận 1, chỗ đấy là đắt nhất Việt Nam mình hiện nay rồi, thì nó chỉ khoảng 1,4 tỷ đồng/m2. Hay ở những khu đất đẹp như khu biệt thự Ba Son, quận 1 này, nó chỉ khoảng 400 triệu đồng/m2. Thế thì hai tỷ rưỡi, là một mức giá bứt phá rất ngoạn mục.
Phóng viên: Với giá đất 2,5 tỷ đồng/m2, ông có nghĩ rằng giá đất khu vực xung quanh sẽ tăng theo hay không?
KTS. Luật sư Nguyễn Hồ: Câu chuyện này cũng rất là thú vị ở chỗ chúng ta khẳng định rằng là có, nhưng mà nó vẫn là không. Có là những khu nào có? Những khu nó tương tự như khu đấu giá đất thành công thì có. Nó sẽ không phải là tăng mà nó trở về giá trị đúng của nó - những khu đất về tài chính, thương mại, dịch vụ ở trung tâm. Thế còn những khu đất mà nó có những chức năng khác, không phải tài chính dịch vụ sẽ không có một cái bứt phá như thế. Đấy là điều chúng ta nên yên tâm và có một cái ứng xử nó phù hợp.
Phóng viên: Thưa ông, rõ ràng là việc thành công của phiên đấu giá đất đã xác lập cho thị trường bất động sản một kỉ lục mới, một mức giá mới. Ông có nghĩ rằng, với mức giá đất cao như thế, sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người lao động của Thành phố Hồ Chí Minh hay không?
KTS. Luật sư Nguyễn Hồ: Theo tôi thì nó không ảnh hưởng gì cả, thậm chí một góc độ khác chúng ta có thể hy vọng vào một cái tác động tích cực. Bởi vì, ở trên mỗi một khu đất nó có một chức năng riêng trong quy hoạch. Thế thì những khu đất mà chúng ta định làm dự án 1 triệu căn nhà cho những người có thu nhập chưa cao, thì chắc chắn nó không nằm ở khu này. Bạn hãy hình dung trong quy hoạch mỗi khu công nghiệp, khu sản xuất, thì công nhân họ sẽ ở đâu? Họ ở trung tâm tài chính xong rồi họ phải đi một chỗ rất là xa, đi mấy chục cây số để họ đi đến xưởng họ làm việc? Chắc chắn không có chuyện đấy! Và chúng tôi ở trong nghề Kiến trúc, nghề Quy hoạch, không ai làm một đồ án như thế cả. Luôn luôn những cái khu ở của công nhân bắt buộc phải ở gần cái chỗ mà họ làm việc. Cho nên, giá đất ở đây lên, đấy là chuyện giá đất lên. Giá đất ở kia, theo tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có quỹ đất đủ để thực hiện chương trình 1 triệu căn nhà ở cho người lao động không có vấn đề gì cả.
Phóng viên: Theo ông, việc thực hiện 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người lao động của Thành phố Hồ Chí Minh có khó khăn gì không khi việc xác lập giá đất cao như vậy?
KTS. Luật sư Nguyễn Hồ: Giá đất xác lập cao như thế, theo tôi là một điều rất đáng mừng và may mắn. Bởi vì rõ ràng là thu ngân sách từ giá trị thặng dư vượt trội tại các khu đất thương mại chính là một nguồn bổ sung kinh phí cho các dự án an sinh gia cư không hề nhỏ mà hiện nay chúng ta đang thiếu. Ông bà mình nói rồi, lấy cái chỗ thừa, chỗ nhiều để đắp vào chỗ thiếu, làm sao lại có thể gọi đây là một khó khăn.
Phóng viên: Vậy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được lợi gì từ phiên đấu giá thành công 4 lô đất?
KTS. Luật sư Nguyễn Hồ: Đây là vấn đề mà mọi người đều quan tâm, trong đấy có chính quyền, có cộng đồng và có các doanh nghiệp. Đấy là Thành phố Hồ Chí Minh đấy ạ. Theo tôi nó rất tốt, tại vì rõ ràng là chúng ta sẽ thu được một cái khoản thu ngân sách rất lớn, mà khoản thu ngân sách này nó sẽ quay trở lại phục vụ cho nhân dân, cho cộng đồng và cho chính quyền.
Phóng viên: Ông có nghĩ rằng việc thành phố nhận về hơn 37.000 tỷ đồng từ phiên đấu giá này sẽ suôn sẻ hay không?
KTS. Luật sư Nguyễn Hồ: Chúng ta, sẽ phải giám sát chặt, không được để xảy ra những cái sự can thiệp trái các quy định của pháp luật, của các thế lực tài chính, ngoại bang là thứ nhất. Thứ hai là các vấn đề tội phạm rửa tiền. Cái thứ ba là các thủ thuật của doanh nhân người ta rút tiền ngân hàng căn cứ vào những dự án nào. Nếu chúng ta giám sát chặt ba vấn đề này thì không có chuyện gì xảy ra cả.
Phóng viên: Với kết quả trúng đấu giá đất cao như vậy thì liệu rằng ông có thấy bất thường so với những phiên đấu giá gần 4.000 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, mặc dù giá không cao nhưng liên tiếp thất bại trong thời gian qua hay không?
KTS. Luật sư Nguyễn Hồ: Vấn đề này thì chúng ta khi so sánh hai cái sự kiện hoặc là hai sự việc bên cạnh nhau thì phải hết sức thận trọng. Theo tôi, đây là hai việc khác nhau. Và cái bất thường mà bạn nói là nó có thật, nhưng mà căn nguyên của nó là ở chỗ nào? Tại sao một bên, giá đất rất cao và đấu giá thành công với một mức giá gọi là bứt phá ngoạn mục. Còn bên này, chúng ta gọi với cái giá có thể nói là rất thấp so với cái tương quan bên kia. Nhưng mà nhiều lần chúng ta tổ chức đấu giá đều thất bại thì cái chuyện này nó bất thường. Cái lý do của nó thì cách đây 200 năm, ông Phri-đrich Ăng-ghen (Friedrich Engels), ông ấy đã đặt vấn đề này ra và ông đã giải thích cho chúng ta trước. Ông ấy nói trong tác phẩm "Tình cảnh giai cấp công nhân Anh" thì Ăng-ghen đã nói, người công nhân Anh lúc đó đang bị bóc lột hai lần, một lần là do bởi bọn chủ tư bản và lần thứ hai là bởi bọn chủ tư sản nhà đất. Đấy ông nói như thế. Thế thì bây giờ chúng ta quay lại đối tượng chúng ta muốn hướng đến phục vụ là những người có thu nhập chưa cao, có thể gọi là giai cấp công nhân và những người lao động. Thì tại sao các nhà đầu tư người ta không mặn mà, mặc dù cái giá rất rẻ? Chúng ta có thể thấy với giá ban đầu hai tỷ rưỡi một căn hộ khoảng 36 triệu/1m2 bản thân chúng ta nếu có tiền mình cũng đi mua vì thấy thích quá. Nhưng mà người kinh doanh họ thấy họ đấu giá với giá lên đến 40-50 triệu/m2 chẳng hạn rồi họ bán lại, thì theo pháp luật và theo đạo đức hiện nay thì doanh nghiệp mục tiêu của họ là lợi nhuận, chuyện đấy bình thường, khi mà họ bỏ tiền ra họ mua đấu giá xong họ phải bán lại một lần nữa, thì cái giá đấy nó sẽ đội lên ngoài cái mức mà người lao động có thể trả được. Họ nhìn thấy điều đấy cho nên họ không tham gia. Cho nên bất thường ở đây chính là việc chúng ta đã có một cái hành xử sai lầm đối với khu nhà đất đấy.
Phóng viên: Nhiều người lo lắng về khả năng doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ chạy làng. Ông nghĩ gì về khả năng chạy làng này?
KTS. Luật sư Nguyễn Hồ: Cũng có thể có và có thể không, chúng ta hãy đặt vào trường hợp chúng ta là kẻ chạy đi, chúng ta sẽ "chạy làng". "Chạy làng" một chữ rất phổ biến trong dân gian. Anh chạy làng vì sao? Thông thường mà nói chúng ta sẽ chạy, họ sẽ chạy khi nằm trong kế hoạch nhằm thực hiện một hành động kế tiếp mà hành động đấy đem lại lợi nhuận cho họ trên cơ sở là gây thiệt hại cho cộng đồng, cho Nhà nước thì họ mới chạy. Tại vì là anh có tội mà nên anh phải chạy đi chứ, còn nếu mà làm ăn bình thường đâu có gì phải chạy. Nếu thật sự là có những kế hoạch của họ như thế thì cái lo lắng theo tôi là nó sẽ rất là thiếu đấy. Chúng ta không chỉ lo lắng thôi đâu mà việc của chúng ta phải thiết lập các rào chắn cho nó chặt chẽ. Nhà nước phải làm hết vai trò của mình cùng với sự giám sát triệt để và toàn diện của cộng đồng, tôi xin nhắc lại là sự giám sát triệt để và toàn diện của cộng đồng, khi đó không ai có thể đem lại tai họa cho chúng ta được cả.
Phóng viên: Theo ông, việc đấu giá thành công 4 lô đất Thủ Thiêm này là đáng mừng hay đáng lo?
KTS. Luật sư Nguyễn Hồ: Rất mừng, tại vì chúng ta đang ngồi trên một mảnh đất được tổ tiên để lại, và mảnh đất đấy được xác định lại với một cái giá trị rất cao. Giống như nhà mình ở tự nhiên lên giá thì mừng. Nhưng mà bên cạnh cái mừng đấy, chúng ta vẫn phải lo là bởi vì như thế này. Khi mà giá đất nó lên thì cái xu hướng này nó xảy ra. Nền kinh tế lúc bấy giờ chuyển hướng vào thị trường bất động sản là chính. Đấy là tai họa. Nếu như một nền kinh tế chỉ trông mong vào thị trường bất động sản thì nguy quá. Bởi vì, bên cạnh đấy chúng ta phải còn có sản xuất, phải có dịch vụ… Chuyện kinh doanh bất động sản nó chỉ là một mảng thôi. Nếu chúng ta bỏ quên sản xuất, bỏ quên dịch vụ, bỏ quên kinh doanh thì là đấy là một mối nguy phải lo.
Phóng viên: Cảm ơn ông vì đã tham gia cuộc trò chuyện với Báo điện tử Xây dựng!