Sức bật của bất động sản Nha Trang từ đòn bẩy hạ tầng

07/11/2022 09:31

Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giúp du lịch phục hồi mà còn thu hút nhiều nhà đầu tư đến Nha Trang.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Con đường từ Nha Trang xuống Đắk Lắk dài 180 km nhưng mất 4-8 giờ di chuyển bởi những đoạn đường núi nhỏ hẹp, xuống cấp.

Hệ thống giao thông kết nối thành phố biển này với khu vực Tây Nguyên còn nhiều hạn chế bởi quốc lộ 29 (Phú Yên - Đắk Lắk) là đường cấp 4 miền núi, bề rộng mặt đường chỉ 5,5m. Trong khi quốc lộ 26 (Khánh Hòa - Đắk Lắk) chỉ có 2 làn xe rộng 6-12 m tùy đoạn. Trong khi Nha Trang sở hữu cảng biển, có thể xuất khẩu đi khắp thế giới thì nguồn nông sản chất lượng từ khu vực Tây Nguyên lại chưa thể tiếp cận do giao thông hạn chế.

Nhiều người đang mong chờ một tuyến cao tốc để giải bài toán giao thông kết nối giữa khu vực Tây Nguyên với Khánh Hòa, làm tăng khả năng lưu thông hàng hóa, hành khách giữa hai vùng và thúc đẩy kinh tế - xã hội.

quoc-lo-26-noi-nha-trang-va-dak-lak-nho-hep-anh-an-nam-1667787652.jpg
Quốc lộ 26 nối Nha Trang và Đăk Lăk nhỏ hẹp. Ảnh: An Nam

Hạ tầng tạo đà cho Nha Trang phát triển kinh tế

Kỳ vọng này sắp thành hiện thực khi Chính phủ thông qua nghị quyết, dành gần 20.000 tỷ đồng làm cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, tuyến đường sẽ nối rừng với biển, đưa phố núi Tây Nguyên đến gần với “hương trầm biển yến”.

Theo quy hoạch, giai đoạn đầu cao tốc này dài hơn 117 km, quy mô 4 làn xe, đường rộng 17 m, bố trí các điểm khẩn cấp. Điểm đầu dự án tại cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối tại đường cao tốc Bắc Nam phía Tây, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Dự kiến, tuyến đường sẽ khởi công vào tháng 6/2023.

Việc đầu tư tuyến cao tốc nối khu kinh tế trọng điểm Vân Phong với Buôn Ma Thuột - trung tâm vùng Tây Nguyên được đánh giá là cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Khánh Hòa cũng đang tổ chức lập quy hoạch khu kinh tế Vân Phong và xác định đây là động lực phát triển kinh tế mới của tỉnh. Đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ kết nối trực tiếp vào tuyến đường chính quốc lộ 26B đi đến khu vực Nam Vân Phong, nơi có khu công nghiệp Ninh Thủy, cảng biển, nhà máy nhiệt điện, tạo động lực phát triển cho tỉnh.

cao-toc-buon-ma-thuot-nha-trang-du-kien-dai-117km-do-hoa-khanh-hoang-1667787651.png
Cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang dự kiến dài 117km. Đồ họa: Khánh Hoàng

Bên cạnh cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, thời gian qua, Khánh Hòa cũng đẩy mạnh phát triển hạ tầng. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040, nhiều tuyến đường giao thông đối ngoại cũng sẽ được xây dựng để kết nối thành phố với các khu vực kinh tế lớn.

Một trong những dự án trọng điểm là đề án nghiên cứu nối đường Võ Nguyên Giáp chạy thẳng vào trục đường chính trong khu sân bay Nha Trang cũ... Dự kiến, trục đường này có chiều rộng lên đến 60m, kết nối trung tâm hành chính huyện Diên Khánh về trung tâm khu đô thị tài chính rồi chạy thẳng ra đường Trần Phú.

Giới chuyên gia đánh giá, việc bố trí trục đường này có ý nghĩa lớn đến kinh tế - xã hội TP Nha Trang cũng như toàn tỉnh. Với chiều dài khoảng 39km, trục đường này sẽ mang lại 976ha quỹ đất cho Nha Trang và hơn 1.360ha quỹ đất cho Diên Khánh. Trục đường 60m hiện đại kết nối từ đường Võ Nguyên Giáp vào trục đường chính trong sân bay Nha Trang sẽ tạo nên trục Đông - Tây quan trọng nhất của tỉnh.

Trục đường cũng được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao giá trị quỹ đất hai bên đường. Sau khi hoàn thiện, giá đất trong khu vực sân bay Nha Trang được kỳ vọng sẽ tăng cao còn đất hai bên đường Võ Nguyên Giáp cũng giá trị hơn.

Trước đó, nhiều công trình hạ tầng tạo lợi thế cho Nha Trang như dự án nút giao thông Ngọc Hội (đường 23/10); tuyến đường số 4 kết nối hàng loạt khu đô thị lớn đã giảm tải đáng kể lưu lượng giao thông qua đường Lê Hồng Phong (TP Nha Trang). Ngoài ra, Khánh Hòa cũng nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới quốc lộ bảo đảm kết nối, đầu tư và đưa vào khai thác toàn tuyến đường bộ ven biển...

Hệ thống vận tải đường thủy và bến thủy nội địa được nâng cấp để phục vụ dân sinh và du lịch. Bên cạnh bến container, tổng hợp, bến cảng khách quốc tế, tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển Khánh Hòa là cảng tổng hợp quốc gia, khu bến Bắc Vân Phong thành cảng trung chuyển quốc tế.

Bất động sản hưởng lợi

Giới chuyên gia đánh giá, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giúp du lịch phục hồi mà còn thu hút nhiều nhà đầu tư đến thành phố biển tiềm năng này. Trong đó, ngành bất động sản đang hưởng lợi lớn từ hạ tầng đồng bộ, mang lại tiềm năng tăng giá và tính thanh khoản cho các dự án.

Bất động sản Nha Trang vốn được đánh giá cao bởi tiềm năng du lịch ngày càng nâng cao vị thế nhờ hạ tầng đồng bộ, dễ dàng kết nối với khu vực xung quanh. Nhiều nhà đầu tư ở khắp nơi đang đổ về đây tìm kiếm cơ hội gia tăng tài sản.

thi-truong-bat-dong-san-nha-trang-duoc-nhieu-nha-dau-tu-danh-gia-cao-anh-xuan-ngoc-1667787651.jpg
Thị trường bất động sản Nha Trang được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao. Ảnh: Xuân Ngọc

Đòn bẩy hạ tầng nâng tầm giá trị bất động sản đã được chứng minh ở nhiều thành phố lớn trong và ngoài nước. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, hạ tầng là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến việc tăng giá đất.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng thừa nhận, các yếu tố hạ tầng, quy hoạch, chỉnh trang đô thị thường tạo ra chênh lệch địa tô (mức tăng giá đất) cực lớn.

Minh chứng là hơn một thập niên qua, các công trình cầu đường, đại lộ, metro, cao tốc, vành đai ồ ạt mọc lên tại khu Đông TP HCM khiến cho giá đất liên tục biến động. Không riêng TP HCM, những địa phương đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cũng đều thu hút nhiều nhà đầu tư. Với tiềm năng đó, Nha Trang cũng không ngoại lệ.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Khánh Hòa, trong quý III, thị trường bất động sản tại địa phương có nhiều chuyển biến với tổng giá trị giao dịch hơn 1.200 tỷ đồng. Tỉnh đang triển khai lập nhiều quy hoạch lớn nên các nhà đầu tư bất động sản nhộn nhịp đổ bộ đến xin dự án. Bên cạnh đó, việc ngành du lịch đón khách quốc tế trở lại được xem là lực đẩy cho thị trường bất động sản trong năm nay.

Ngoài ra, dữ liệu website Batdongsan cho thấy quý I/2022, nhu cầu tìm kiếm bất động sản toàn tỉnh tăng 25% so với cùng kỳ và tăng 37% so với thời kỳ trước Covid-19 (quý I/2019). Trong đó, đất nền có nhu cầu tìm kiếm tăng 72% trong khi lượng tin rao bán chỉ tăng 51% trong tháng 3/2022. Lực cầu vượt trội so với nguồn cung, kéo theo giá rao bán đất nền tăng 26% trong quý I/2022 so với trung bình cả năm 2021.

Trong khi đó, mức độ quan tâm và lượng tin rao bán chung cư lần lượt là 41% và 40%, cho thấy tiềm năng của loại hình này trên thị trường bất động sản Khánh Hòa trong thời gian tới.

du-an-can-ho-grand-mark-nha-trang-cong-bo-chinh-sach-thanh-toan-linh-hoat-cung-nhieu-uu-dai-hap-dan-giup-nguoi-tre-de-dang-so-huu-ngoi-nha-cua-rieng-minh-1667787651.jpg
Dự án căn hộ Grand Mark Nha Trang công bố chính sách thanh toán linh hoạt cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp người trẻ dễ dàng sở hữu ngôi nhà của riêng mình.

Thực tế, những dự án căn hộ cao cấp đang được nhiều người quan tâm, nhất là trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Theo đại diện PropertyX - công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh, các dự án căn hộ thường được phát triển tại trung tâm Nha Trang, nơi có chuỗi tiện ích ngoại khu đồng bộ, thoải mãn cả ba nhu cầu an cư - đầu tư - nghỉ dưỡng luôn được lòng người mua nhà.

"Các dự án chung cư trên địa bàn không chỉ đáp ứng nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ hai của khách hàng ngoại tỉnh, mà còn đón đầu xu hướng sở hữu căn hộ của lớp cư dân trẻ và tập khách hàng lớn tuổi tại Nha Trang", vị này nói.

Theo Tạp chí Nhà Quản Lý

https://nhaquanly.vn/nhung-cong-trinh-ha-tang-tang-suc-bat-cho-bat-dong-san-nha-trang-a9209.html