“Rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh sau nhiều năm “càng chống càng ngập” cuối cùng cũng đã tìm ra căn nguyên. Điều bất ngờ là nguyên nhân lại từ sự “tham bát bỏ mâm” của doanh nghiệp và… chính quyền thành phố.
Nhiều năm nay, người dân TP.HCM phải sống chung với ngập lụt mỗi khi trời mưa to ở khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh. Dân kêu. Báo chí nói mãi cũng thành… nhàm. Chỉ biết bây giờ, “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh trở thành nỗi khiếp đảm của người dân thành phố. Đã đành chuyện ngập lụt, đường biến thành sông không còn là chuyện hiếm tại các thành phố lớn ở nước ta mà điển hình là Hà Nội và TP.HCM, nhưng cái sự ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh thì có nhiều chuyện cười ra nước mắt.
Chuyện chiếc ghế ba chân…
Sợ nhất là khi mưa to gặp triều cường, nước trên trời trút xuống, nước dưới dâng lên ngập lút bánh xe thì chỉ có nước… khóc. Thực ra thì chính quyền thành phố cũng đã hết sức quan tâm chống ngập, nhưng có điều là càng chống càng… ngập nặng.
Cái cách chống ngập đầu tiên của chính quyền thành phố là nâng đường, theo lối tư duy nước dâng cao đến đâu… nâng đường lên đến đấy.
Có những con đường càng chống càng ngập nặng...
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu chuyện “chiếc ghế ba chân” của một thầy thuốc Đông y. Trong một lần tình cờ được ngồi đàm đạo với ông về sự khác nhau giữa cách chữa bệnh của Đông y và Tây y, ông bảo rằng: Bệnh tật của con người suy cho cùng là sự mất cân bằng trong cơ thể. Nó tựa như chiếc ghế có bốn chân bằng nhau, bây giờ vì một nguyên nhân nào đó làm cho một chân bị gãy một đoạn. Vậy là chiếc ghế cập kênh, cơ thể mất cân bằng và sinh ra bệnh. Việc chữa bệnh ở đây là làm cho chiếc ghế cân bằng trở lại.
Và đến đây thì có sự khác nhau giữa Tây y và Đông y. Tây y sẽ tìm mọi cách chắp thêm một đoạn, nối dài chiếc chân ghế bị gãy để cho bốn chân bằng nhau. Trong khi đó, Đông y sẽ cưa bớt ba chân kia cho bằng với chiếc chân ghế bị gãy.
Thế là, đều đi đến kết quả cuối cùng là làm cho bốn chân ghế bằng nhau, lập lại thế cân bằng cho cơ thể, nhưng hai nền y học có những phương pháp khác nhau. Có điều, vị thầy thuốc này kết luận: Việc cưa bớt ba chân cho bốn chân ghế bằng nhau trở lại sẽ dễ làm hơn việc nối dài thêm, và sự cân bằng của chiếc ghế cũng bền vững hơn so với việc chắp nối thêm.
Tôi không biết về y lý cũng như y thuật, cũng không hề có ý định so sánh giữa Đông y và Tây y, nhưng câu chuyện hết sức cụ thể và sinh động của vị thầy thuốc nọ làm cho tôi thấy thú vị ở khía cạnh phương pháp luận.
Trở lại câu chuyện chống ngập ở đường Nguyễn Đức Cảnh, với tư duy nước cao đến đâu nâng đường lên đến đó, về lý thuyết thì tưởng là hết ngập, nhưng kết quả thì… ngược lại. Thứ nhất, mặt đường được nâng cao, nhất thời không bị ngập vì nước dồn ra hai bên đường. Nhưng vô tình nó lại biến thành con đê chặn dòng thoát nước, làm cho việc tiêu nước càng khó khăn hơn và càng mưa càng… ngập nặng.
Hơn nữa, đường cao nhưng các con hẻm xương cá hai bên không được nâng đồng bộ nên trở thành trũng thấp, lụt càng trầm trọng hơn. Khốn khổ nhất là những ngôi nhà hai bên đường, mỗi lần mặt đường được nâng cao bao nhiêu thì nền nhà dân lại thấp sâu xuống chừng ấy và trở thành cái rốn chứa nước. Kết quả đến nay, có nhà cả tầng một đã bị mặt đường nhấn chìm thành tầng… hầm.
Nếu cứ theo lối tư duy nước ngập đến đâu nâng đường đến đó thì theo logic, nước ở chỗ đường cao sẽ dồn sang nơi đường thấp; và đường thấp lại tiếp tục nâng cao… Đến lúc nào đó, các con đường trong thành phố sẽ trở thành những… bờ ao, chia cắt các khu vực thành những hồ ao chứa nước, như những vuông nuôi tôm vậy.
Có điều, “rốn ngập” Nguyễn Đức Cảnh ngày xưa không ngập. Vậy, vì đâu nên nỗi?
Doanh nghiệp tham bát…
Ngập do nước mưa. Ngập do triều cường. Đó là lý do hiển nhiên. Nhưng tại sao cũng triều ấy, cũng mưa ấy trước đây khu vực này lại không ngập đến như vậy?
Nguyên nhân đầu tiên được các chuyên gia chỉ ra, đó chính là rừng tòa cao ốc dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh đã bịt kín dòng chảy, làm cho nước không thoát được.
Dẫn chứng: Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ dài 3,7km nhưng đã có đến… 6 khu phức hợp, bao gồm bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại và hơn 17.000 căn hộ chung cư. Các dự án đều được xếp trong nhóm chung cư trung và cao cấp với giá trong khoảng 70 - 90 triệu đồng/m2 hoặc 100 - 200 triệu đồng/m2.
Rừng bê tông chắn kín trở thành con đê bê tông là nguyên nhân gây ngập lụt ở đường Nguyễn Hữu Cảnh
Theo đánh giá của KTS. Ngô Viết Nam Sơn, “rốn ngập” này ngày xưa không ngập vì có hệ thống cống thoát ra sông. Bây giờ, các dự án cao tầng hai bên đường đều nâng nền lên cả thước, trở thành những bức tường bê tông ngăn đường thoát, lại dồn nước ra đường nên gây ngập.
Ngay Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng cho rằng, "rốn ngập" Nguyễn Hữu Cảnh hay Thảo Điền đều có điểm chung là nhà đầu tư "tham vọng lớn" nhưng làm đường nhỏ, hạ tầng không tốt, cốt nền không đủ rồi bán nhà cho người dân mua, dẫn đến hậu quả phát triển không đúng quy hoạch.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại đợt mưa lớn năm ngoái nhấn chìm huyện đảo Phú Quốc, biến nơi được mệnh danh là Đảo Ngọc thành “đảo ngập”. Hàng nghìn con người phải lặn ngòi ngoi ngóp giữa biển nước trong nhiều ngày. Thậm chí, cả thị trấn Dương Đông gần như thất thủ, toàn đảo có trên 8.400 căn nhà bị ngập, riêng thị trấn Dương Đông có trên 4.000 căn nhà bị ngập, có nơi ngập sâu tới 2m nước.
Một hòn đào nằm giữa biển khơi, bốn bề là nước. Thậm chí thị trấn Dương Đông điểm xa nhất cách biển cũng chỉ khoảng 5km, mưa to thì cũng chỉ nhất thời rồi nước mưa sẽ nhanh chóng thoát ra biển; ấy vậy mà ngập nặng như thế thì quả là chuyện lạ.
Nhưng nếu biết rằng, chỉ trong một thời gian ngắn, cả khu vực Bãi Trường, Dương Tơ, Dương Đông… của Phú Quốc mọc lên san sát những khách sạn, resort, shophouse, mini hotel, biệt thự, căn hộ… Cả một rừng bê tông ken đặc trong các dự án như trò chơi xếp hình, trở thành bức tường chặn đứng dòng chảy của nước mưa thì nạn lụt xảy ra là tất nhiên, không “lạ” chút nào.
Đến Phú Quốc là hòn đảo bốn bề là biển, nước mưa có thể thoát rất nhanh mà còn thế, thì rừng bê tông be kín đường Nguyễn Hữu Cảnh giữa thành phố bị ngập lụt càng không có gì là lạ.
Thực ra, chủ đầu tư các dự án nằm dọc đường Nguyễn Đức Cảnh có lẽ không phải là không biết đến hậu quả này. Bằng chứng là họ đều “khôn” khi chủ động nâng cốt nền của dự án lên rất cao để… phòng lụt. Chẳng hạn như chung cư The Manor hiện cao hơn mặt đường khoảng 1,5m nên có người nói rằng, cho dù đường Nguyễn Hữu Cảnh có nâng cao thêm 1,2m thì nơi đây vẫn khô ráo.
Tuy nhiên, họ mới tính một mà chưa tính hai. Bởi vì, nước lụt thì lút cả làng. Cho dù chung cư không ngập thì con đường dẫn đến chung cư vẫn ngập. Và cư dân sống ở chung cư vẫn bị chịu cảnh lụt lội khi tìm về “tổ ấm” của mình, trừ khi là họ có cánh để bay qua đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Cứ tưởng như thế là “khôn”, nhưng chỉ vì “tham bát”, tận dụng từng tấc đất, không tính đến việc thoát lũ chung cho khu vực mà dần dần, những nhà đầu tư các dự án nói trên đã tự đánh mất khách hàng, khi đẩy cư dân phải sống chung với lụt. Và đó cũng là cách đánh mất uy tín, đánh tụt thương hiệu nhanh nhất vì nó tạo ác cảm với cư dân, với xã hội và với khách hàng tiềm năng khi trở thành “thủ phạm” gây ra cảnh lụt lội chung cho khu vực và thành phố.
Doanh nghiệp đã vậy, nhưng còn vai trò của chính quyền ở đâu?
Chính quyền… bỏ mâm
TS. Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cho rằng, lỗi để xảy ra tình trạng nói trên là từ quy hoạch. Mà quy hoạch là trách nhiệm của chính quyền thành phố. Đáng lẽ, việc xây dựng chung cư, nhà cửa phải đồng bộ với hệ thống thoát nước với tầm nhìn phải từ 30 năm trở lên. Đằng này, chính quyền cứ cấp đất, phê duyệt dự án mà không tính đến hậu quả. Thế là khi ngập lụt thì còng lưng mà “chữa cháy”, và diễn ra cảnh “tiền cá quá tiền cơm”.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng năm 2002 với vốn đầu tư gần 420 tỷ đồng. Nhưng sau khi đưa vào sử dụng xảy ra tình trạng ngập lụt, thành phố đã phải bỏ ra hơn 400 tỷ đồng để nâng cấp đường chống ngập. Chưa hết, 400 tỷ đồng ấy cũng như muối bỏ bể, ngập vẫn hoàn ngập. Thế là thành phố lại phải thuê siêu máy bơm chạy hút nước mỗi khi trời mưa to gây ngập lụt. Và mỗi năm, ngân sách thành phố lại phải bỏ ra 14 tỷ đồng để “nuôi” máy bơm…
Vẫn chưa hết. Máy bơm chỉ là để giải quyết tình huống chứ không trị được tận gốc căn bệnh ngập lụt. Và nếu cứ đà chạy máy như thế này, chả mấy chốc tiền thuê máy sẽ ngang với tiền… làm đường. Thế là, thành phố lại phải tính đến giải pháp căn cơ hơn. Và, một dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh một lần nữa lại được phê duyệt, khởi công ngày 5/10/1919, dự kiến sẽ hoàn thành sau 14 tháng. Không biết khi hoàn thành dự án, đường Nguyễn hữu Cảnh có hết được cảnh ngập lụt hay không, chỉ biết dự án chống ngập này lại ngốn tiếp 472,9 tỷ đồng, còn hơn cả mức đầu tư ban đầu xây dựng đường.
Siêu máy bơm cũng chỉ là giải quyết tình huống chứ không chấm dứt được tình trạng ngập lụt
Không biết tiền thu được từ các dự án là bao nhiêu, nhưng riêng tiền chống ngập mà ngân sách thành phố bỏ ra, cũng là tiền của dân, đã lên tới cả nghìn tỷ đồng, thì có nói “tham bát bỏ mâm” cũng không ngoa.
Dư luận cho rằng, nếu có báo cáo đánh giá tác động môi trường chính xác khi thực hiện các dự án xây dựng các khu phức hợp dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh, hẳn các doanh nghiệp khi đầu tư đã phải lo các phương án thoát lũ cho đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nếu có phương án ngay từ đầu, chắc chắn số tiền đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước sẽ ít hơn nhiều so với số tiền thành phố đã, đang và sẽ phải bỏ ra để chống ngập, mà đời sống người dân cũng không bị khốn khổ mỗi khi trời mưa to như những năm vừa qua. Và, hoặc giả vẫn xảy ra tình trạng ngập lụt, thì trách nhiệm giải quyết cũng thuộc về doanh nghiệp, chứ không phải thành phố è lưng ra gánh như hiện nay, với số tiền gấp nhiều lần chi phí làm đường ban đầu.
Vậy là, chỉ vì “tham” phát triển một cách vội vàng, phê duyệt dự án khi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc báo cáo đánh giá không chính xác, hoặc quy hoạch không đồng bộ, thành phố đã phải trả một cái giá quá đắt. (Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh trong thời gian tới).
Vậy, bài học rút ra được ở đây là gì?
Cốt nền và cái vòng luẩn quẩn
Sự việc vẫn chưa đến hồi kết, nhưng đã có quá nhiều bài học từ chuyện ngập lụt ở đường Nguyễn Hữu Cảnh. Đó là bài học về phát triển thiếu bền vững, là bài học về đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, bài học về trách nhiệm của doanh nghiệp khi đầu tư triển khai dự án, bài học về trách nhiệm xây dựng quy hoạch và quản lý theo quy hoạch của chính quyền thành phố… Tuy nhiên, ở bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến vấn đề cốt nền và việc quản lý theo quy hoạch.
Theo Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị (gọi tắt là cốt nền) là một trong 7 quy hoạch thuộc hạ tầng kỹ thuật đô thị phải được xây dựng phục vụ cho phát triển đô thị. Không những thế, trên thực tế nó phải được coi là quy hoạch mang tính cơ bản, là quy hoạch cơ sở, tiền đề để xây dựng các quy hoạch khác và phát triển đô thị bền vững.
Nếu không có quy hoạch cốt nền, các dự án, công trình thích cao thì đổ nền cao, thích thấp thì đổ nền thấp sẽ dẫn đến hậu quả nơi cao nơi trũng, hình thành các rốn nước và việc ngập lụt tất yếu xảy ra, vô phương cứu chữa. Có quy hoạch cốt nền rồi thì vai trò quản lý theo quy hoạch của chính quyền và các cơ quan chức năng cũng hết sức quan trọng. Nếu không, sẽ vẫn diễn ra sự xây dựng bừa bãi, lộn xộn, cao thấp nhấp nhô và hậu quả úng ngập vẫn xảy ra.
Không hiểu TP.HCM có quy hoạch cốt nền hay chưa, nhưng qua sự việc ngập lụt ở đường Nguyễn Hữu Cảnh thì thấy, việc quản lý cốt nền hết sức tùy tiện và bừa bãi.
Nếu cứ chạy đua nâng cốt nền dự án và nâng đường thì tình trạng ngập lụt sẽ không bao giờ chấm dứt
Đầu tiên phải nói đến cốt nền các dự án dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh. Không hiểu khi duyệt dự án, các nhà quản lý có chú ý đến cao độ nền hay không, mà sau khi mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh đã được nâng cao, chung cư The Manor vẫn còn cao hơn mặt đường đến 1,5m. The Manor đã vậy, còn các công trình khác thì sao? Và, nếu các công trình cứ thoải mái nâng cao nền để chống ngập riêng cho mình như thế, thì liệu có dẫn đến cuộc chạy đua về cốt nền, và hậu quả sẽ như thế nào?
Lại nữa, khi đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập, thay vì tìm các giải pháp xây dựng hệ thống thoát nước và hồ điều hòa hay hầm chứa nước, thành phố lại tập trung vào biện pháp… nâng cao đường. Nếu đã có quy hoạch cốt nền, thì việc nâng cao đường này là vi phạm quy hoạch. Ở các nước tiên tiến, ngay cả khi cải tạo đường như thảm lại lớp bề mặt, người ta cũng phải bóc lớp mặt đường cũ rồi mới thảm lớp mới, sao cho cao độ mặt đường vẫn như cũ. Chứ không như ở ta, khi sửa lại đường cứ vô tư thảm lớp nhựa mới lên trên mặt đường, thành thử đường càng được làm mới càng nhấn chìm nhà hai bên đường thành… ao.
Trở lại câu chuyện chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh bằng cách… nâng cao đường, hậu quả là đường cao lên nhưng các con hẻm và nhà dân hai bên đường ngày càng thấp xuống so với mặt đường và trở thành cái túi chữa nước.
Vậy là mặt đường có thể đỡ ngập, nhưng hẻm và nhà dân thì càng ngập lụt trầm trọng hơn. Các con hẻm và nhà hai bên đường muốn chống ngập, chỉ có cách duy nhất là nâng cao nền. Nhưng nâng nền lên thì lại biến mặt đường trũng xuống thành… sông và đường lại phải nâng cao để chống ngập… Cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ kéo theo cuộc chạy đua không hồi kết và lúc ấy, quy hoạch cốt nền và câu chuyện cốt nền chỉ còn là… trò đùa.
Các dự án cứ đua nhau nâng cốt nền thì quy hoạch chỉ còn là... trò đùa
Vậy là, từ lợi ích cục bộ của các nhà đầu tư khi xây dựng dự án dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh và tầm nhìn hạn chế của nhà quản lý khi phê duyệt dự án, đã khiến cho đường con đường huyết mạch kết nối cửa ngõ phía Đông với trung tâm TP.HCM trở thành cái “rốn ngập” kinh hoàng bao năm nay. Khi chống ngập, thay vì giải pháp căn cơ thì lại là những biện pháp vá víu, vi phạm nghiêm trọng việc quản lý cốt nền, làm cho tình trạng càng tồi tệ hơn và dẫn đến cái vòng luẩn quẩn càng chống càng… ngập.
Nếu cứ đà xây dựng, phê duyệt dự án và quản lý đô thị như thế này, thành phố càng phát triển sẽ càng thiếu bền vững, và không chỉ có một “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh mà sẽ xuất hiện nhiều điểm ngập úng khác, trầm trọng hơn./.
(Ảnh trong bài: Nguồn internet)
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam Bùi Văn Doanh