Nhiều môi giới có thể lướt kiếm hàng trăm triệu đồng nhờ khả năng làm chênh giá bất động sản mà không cần bỏ vốn.
Mặc dù vậy, không ít môi giới lại có chiến thuật kiếm lời cả trăm triệu đồng mà không cần phải bỏ ra bất kỳ đồng vốn nào. Nói như nhiều nhà đầu tư, đó là chiêu thức "tay không bắt giặc".
Làm nghề môi giới hơn 3 năm và hoạt động chủ yếu ở địa bàn Hà Đông, Chương Mỹ, Hoài Đức. Anh T tiết lộ, đến năm thứ 2 làm nghề, anh mới biết được một chiêu thức kiếm thêm của môi giới. Đó là bán chênh từ giá vốn mà chủ đất đưa ra.
Theo anh T cho biết, cách đây hơn 1 tháng, anh đã chốt thành công một lô đất dọc trục Quốc lộ 6 với khoản lời lên tới hàng trăm triệu đồng. Theo đó, chủ mảnh đất này rao bán diện tích 72m2 với giá 56 triệu/m2. Tuy nhiên, anh T. đã chốt được một khách hàng với mức giá 61 triệu đồng/m2. Tổng số tiền anh T. kiếm chênh từ thương vụ này là 360 triệu đồng mà không cần bỏ bất kỳ đồng vốn nào.
Trước đó, vào tháng 4/2021, anh T cũng thu về 260 triệu từ một thương vụ bán chênh lô đất 50m2 tại Hà Đông.
Tuy nhiên, theo môi giới này, không phải thương vụ nào cũng có thể áp dụng công thức bán chênh.
Anh T. nói: "Điều này phụ thuộc rất lớn vào sự thiện chí của chủ nhà và đàm phán ban đầu. Thông thường, khi làm việc, chủ nhà đưa ra mức giá A. Muốn kiếm chênh, môi giới phải rao bán với mức giá cao hơn A. Tâm lý của chủ nhà thường cho rằng, nếu bán với mức giá cao hơn, khả năng thanh khoản của căn nhà hoặc mảnh đất sẽ kém đi. Họ thấy như vậy sẽ thiệt cho bản thân mình.
Vì thế, nếu chủ nhà không thiện chí, môi giới rất khó thực hiện thương vụ bán chênh. Nếu như chủ nhà cần bán gấp và hiểu ngầm rằng: môi giới tư vấn và tìm khách vất vả, họ sẽ chấp nhận phương án này. Hoặc họ nhận thấy với mức giá rao bán, họ đã lời cả tiền tỷ thì vài trăm tiền chênh, họ không so đo".
Cũng theo môi giới này, ngoài việc đàm phán hợp tác với chủ nhà thì môi giới còn phải có khả năng phán đoán, nhìn nhận khả năng thanh khoản và tăng giá của mảnh đất.
"Nếu chủ nhà đã đưa ra giá cao sẵn so với mặt bằng thị trường thì khả năng bán chênh của môi giới cũng rất khó. Nếu giá đưa ra thấp hơn so với mặt bằng thị trường, trong khi mảnh đất còn có thể tăng giá, thì đây chính là cơ hội cho môi giới", anh T. chia sẻ thêm.
Thực tế, chiêu thức đàm phán để nhận khoản bán chênh được nhiều môi giới áp dụng nhưng không phải ai cũng thực hiện thành công.
Anh Minh, môi giới lâu năm trong nghề chia sẻ, anh từng thực hiện rất nhiều thương vụ kiếm tiền chênh. Tuy nhiên, thay vì nhận hết khoản tiền "làm giá" với người mua, anh lựa chọn phương án chia đôi với chủ nhà.
"Tôi thường lựa chọn cách an toàn. Đó là nếu bán chênh bao nhiêu giá. Số tiền này tôi với chủ nhà chia đôi. Tiền hoa hồng tôi vẫn nhận. Như vậy sẽ bớt rủi ro hơn cho tôi".
Trước đó, môi giới này từng bị chủ nhà "lật kèo" vào phút chót. "Ban đầu chủ nhà nhất trí cho tôi hưởng khoản chênh. Tuy nhiên, đến khi giao dịch, thấy tôi lời vài trăm triệu, chủ nhà lại bất chấp phá vỡ thỏa thuận ban đầu, làm việc trực tiếp với người mua. Tôi vừa mất tiền, vừa mất uy tín với người mua vì báo giá chênh. Đó là lý do mà tôi lựa chọn chia đôi khoản chênh, chấp nhận lời ít nhưng an toàn", anh Minh chia sẻ thêm.