Thảo luận tại Quốc hội ngày 9/11, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) đã đưa ra những lo ngại tới cơ cấu thu ngân sách nhà nước. Theo đại biểu, một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai.
Bà cho biết thu ngân sách Trung ương hụt thu hơn 29.300 tỷ đồng, trong khi đó tổng thu ngân sách lại tăng trưởng. Bà đặt câu hỏi ngân sách tăng trưởng ở đâu?
“Thực tế cho thấy một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai. Vậy có hay không hiện tượng nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp. Vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản?”, đại biểu Thơ nhận định.
Theo bà, việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không mang tính bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao. Bà đề nghị Chính phủ có sự đánh giá toàn diện về vấn đề này.
Đối với việc phân bổ thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, Luật Ngân sách 2015 quy định sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết được phân bổ 100% vào ngân sách địa phương, tuy nhiên, nguồn thu này có sự chênh lệch cơ bản giữa địa phương và các vùng trong cả nước.
Năm 2021, chỉ riêng 19 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đã chiếm 84,26% dự toán thu xổ số kiến thiết, còn 15,74% là của 44 tỉnh thành còn lại, tức số thu này chỉ chiếm chưa đến 1%.
Phân bổ ngân sách địa phương phụ thuộc vào nguồn thu của địa phương đó, nhưng đối với dạy nghề, giáo dục, y tế, bà Thơ cho rằng là những lĩnh vực thiết yếu, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
“Tờ trình 49 của Chính phủ về phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 hiện dùng thuật ngữ 'ưu tiên đầu tư' chứ chưa định mức rõ, tôi đề nghị Chính phủ có quy định đầu tư phát triển đều cho các lĩnh vực dạy nghề, giáo dục, y tế trên cả nước, đặc biệt đối với các địa phương có số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết thấp”, đại biểu tỉnh Hà Tĩnh nói.
Đối với giải pháp phát triển kinh tế số, bà Thơ cho rằng vấn đề cốt lõi ở đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thực tế hiện nay, các du học sinh nhận được nguồn học bổng từ các trường đại học nước ngoài, nhiều em sau khi tốt nghiệp không trở về nước mà ở lại làm việc.
Thậm chí, trong đại dịch COVID vừa qua có nhiều người bản địa ở một số nước thất nghiệp, nhưng những lưu học sinh của chúng ta ở lại làm việc lại không bị ảnh hưởng gì. Điều đó cho thấy chất lượng nguồn nhân lực này là rất cao.
“Chính phủ cần có chiến lược, chính sách rất mạnh mẽ từ việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài trở về nước cống hiến”, bà Thơ nhấn mạnh.