Đại Quang Minh đề xuất phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại Khu Hòa Bình, Đà Lạt

02/11/2021 15:26

Khái toán tổng chi phí đầu tư, xây dựng dự án Khu trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đưa ra là 7.675 tỷ đồng. Theo đề xuất kế hoạch triển khai, UBND thành phố Đà Lạt thực hiện giải phóng mặt bằng trong quý 2 - quý 4 năm 2022. Nhà đầu tư khởi công dự án từ quý 1 năm 2023.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Các nguồn tin riêng của Người Đô Thị ngày 1.11 cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã triển khai lấy ý kiến UBND thành phố Đà Lạt, Sở Tài chính… về phương án đầu tư xây dựng Khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt.

Việc lấy ý kiến diễn ra từ giữa tháng 7.2021 và dự kiến Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ lập và phê duyệt chủ trương đầu tư Khu vực trung tâm Hòa Bình trong quý 3 - quý 4 năm 2021.

Theo quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình: Chợ cũ Đà Lạt (nay là Rạp Hòa Bình), một địa chỉ gắn với lịch sử phát triển thành phố Đà Lạt sẽ bị đập bỏ, thay vào đó là một công trình hình khối tròn, bọc kính. Ảnh trên: Nguyễn Vĩnh Nguyên


Trong văn bản gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Sở Tài chính tham gia ý kiến về sự phù hợp quản lý tài sản công đối với hình thức lựa chọn nhà đầu tư do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đề xuất: “Sử dụng phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (dự án đầu tư có sử dụng đất) để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bao gồm các lô I-1, I-12; II-2, II-3, II-5; III-1 và các tuyến đường giao thông kết nối lân cận”.

Sau khi nghiên cứu Báo cáo dự án Khu trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt của Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh kèm theo văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đã có ý kiến:

Trong các lô đất sử dụng phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nêu trên có lô III-1 là Khu vực đồi Dinh. Hiện trạng đất Khu vực đồi Dinh gồm: Dinh Tỉnh trưởng và một số ít nhà dân hiện hữu phía Nam khu đất; có 3 bồn cấp nước hiện hữu cho khu vực.

Căn cứ điều kiện để thực hiện đấu giá đất quy định tại Điều 119 Luật Đất đai và nội dung “Đánh giá các phương thức đầu tư có thể xem xét” trong Báo cáo dự án, Sở Tài chính cho rằng, Dinh Tỉnh trưởng là đất công không phải đền bù nhưng do thuộc một phần lô III-1 gắn với một số ít nhà dân hiện hữu phía Nam khu đất nên phải thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng theo khái toán tại Báo cáo dự án là 751 tỷ đồng, quá lớn, ngân sách tỉnh không thể cân đối để thực hiện. Do đó, không đủ điều kiện để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với lô III-1.

“Từ phân tích trên, Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đề xuất thực hiện theo phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là phù hợp”, văn bản của Sở Tài chính cho biết.

Khu vực đồi Dinh được khái toán chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 751 tỷ đồng. Ảnh: Lê Quân

Nhiều chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư đã phản đối phương án quy hoạch Khu vực đồi Dinh - mảng xanh hiếm hoi còn sót lại của trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh


Trong văn bản gửi UBND thành phố Đà Lạt có ý kiến về Báo cáo dự án Khu trung tâm Hòa Bình của Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND thành phố Đà Lạt có ý kiến vào các nội dung: Hiện trạng Khu trung tâm Hòa Bình tại khu vực Đại Quang Minh đề xuất thực hiện đầu tư; Sự phù hợp về chi phi giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng; sự phù hợp với các quy định pháp luật đối với các hình thức lựa chọn nhà đầu tư do Công ty đề xuất...

Theo Báo cáo dự án, các lô được Đại Quang Minh đề xuất đầu tư gồm: Lô I-1, I-12 thuộc Khu 1 (Khu vực Chợ Đà Lạt – đường Nguyễn Thị Minh Khai), hiện là khu thương xá Latupile, khách sạn Nice Dream, các kios dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai…; Lô II-2, II-3, II-4, II-5 thuộc Khu II (Khu trung tâm Hòa Bình), hiện là khu dãy phố thương mại, nhà dân hiện hữu; Lô III-1 thuộc Khu III (Khu vực đồi Dinh), hiện là Dinh Tỉnh trưởng và một số ít nhà dân hiện hữu phía Nam khu đất, có 3 bồn cấp nước cho khu vực.

Về giao thông kết nối, Báo cáo dự án đề xuất cải tạo các vị trí (theo ký hiệu trên đồ án quy hoạch Khu trung tâm Hòa Bình đã được phê duyệt): N1, N3, đường Phan Bội Châu, B1, B3, B6; Làm mới N2, đường vòng đồi Dinh, Hòa Bình, H1, H2, B2, B5, B4, B7, đường Nguyễn Thị Minh Khai. Các khu vực này hiện là các tuyến giao thông hiện hữu cần cải tạo, mở rộng, một số tuyến bổ sung làm mới để tăng tính kết nối giữa các khu vực. Khu vực đi bộ sẽ đầu tư 6 cầu thang bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến làm việc ngày 15.7.2016 với lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh về định hướng quy hoạch và thiết kế đô thị Khu vực trung tâm Hòa Bình – Chợ Đà Lạt. Tại buổi làm việc, ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đại Quang Minh) đã cho biết đây là dự án khó, có nhiều thử thách về chuyên môn, nhưng sẽ tạo nên dấu ấn “để đời”. Ảnh: báo Lâm Đồng


Khái toán tổng chi phí đầu tư, xây dựng dự án Khu trung tâm Hòa Bình do Công ty Đại Quang Minh đề xuất là 7.675 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 2.523 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng 5.152 tỷ đồng. Phân bổ cho các hạng mục:

Khu chức năng theo quy hoạch I-1 (Quảng trường đi bộ - hầm để xe): 503 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng 153 tỷ đồng; Chi phí đầu tư xây dựng 350 tỷ đồng).

Khu trung tâm phức hợp đa chức năng: 1.925 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng 362 tỷ đồng; Chi phí đầu tư xây dựng 1.563 tỷ đồng).

Khu chức năng theo quy hoạch I-12, II-2 (Khu thương mại Gallery), II-3, II-5: 1.518 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng 116 tỷ đồng; Chi phí đầu tư xây dựng 1.401 tỷ đồng).

Khu chức năng theo quy hoạch II-4 (Khu thương mại Gallery): 408 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng 246 tỷ đồng; Chi phí đầu tư xây dựng 161 tỷ đồng).

Khu chức năng theo quy hoạch III-1 (Khu vực đồi Dinh): 3.807 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng 751 tỷ đồng; Chi phí đầu tư xây dựng 3.056 tỷ đồng).

Chi phí đầu tư, xây dựng giao thông kết nối là 1.440 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 1.257 tỷ đồng (cải tạo đường 323 tỷ đồng, làm đường mới 862 tỷ đồng, khu vực đi bộ 71 tỷ đồng); Chi phí đầu tư xây dựng 183 tỷ đồng (cải tạo đường 55 tỷ đồng, làm đường mới 110 tỷ đồng, khu vực đi bộ 17 tỷ đồng).

Báo cáo dự án đề xuất hình thức đầu tư gồm: phương án 1 (xem là một dự án đồng bộ để lựa chọn các phương thức đầu tư) và phương án 2 (tách thành các dự án thành phần để lựa chọn các phương thức đầu tư). Sau khi phân tích tính khả thi và không khả thi của từng phương án, Báo cáo dự án kết luận và kiến nghị:

Sử dụng phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (dự án đầu tư có sử dụng đất) để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bao gồm các lô I-1, I-12, II-2, II-3, II-5, III-1 và các tuyến đường giao thông kết nối lân cận.

Sử dụng phương thức đầu tư công để đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối còn lại và lô II-4, đảm bảo phát triển đồng bộ và hiệu quả kinh tế xã hội của các dự án khu vực. Trong đó, ưu tiên đầu tư trước các tuyến đường quan trọng, phục vụ kết nối giao thông cho các lô đất thương mại trong khu vực đồ án.

Đối với lô II-4 xem xét điều chỉnh chức năng từ Khu thương mại Gallery thành khu ở, thương mại để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án lô đất.

Theo Báo cáo dự án, kế hoạch triển khai sẽ theo tiến độ: Sở Kế hoạch và Đầu tư lập và phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý 3 - quý 4 năm 2021; Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong quý 1 - quý 2 năm 2022. UBND thành phố Đà Lạt thực hiện giải phóng mặt bằng trong quý 2 - quý 4 năm 2022.

Nhà đầu tư lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý 2 - quý 3 năm 2022. Nhà đầu tư lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán trong quý 4 năm 2022. Nhà đầu tư khởi công dự án trong quý 1 năm 2023.

Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12.2.1019 của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”đã gây tranh cãi suốt hơn hai năm qua. Ảnh: TL


Như Người Đô Thị đã thông tin trong tuyến bài Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi, đồ án quy hoạch khu vực trung tâm Hòa Bình do Công ty TNHH Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và cộng sự thực hiện, Công ty Đại Quang Minh tài trợ kinh phí. 

Đại Quang Minh cũng là doanh nghiệp địa ốc duy nhất có tên trong Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 12.2.1019 của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”. 

Theo Hữu Tiến - Anh Tân/ Người đô thị