Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng mới đây đã có Văn bản số 1976/SNN-KL gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư liên quan đến dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án Đại Ninh) do Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn - Đại Ninh) làm chủ đầu tư.
Văn bản do ông Võ Danh Tuyên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng ký nêu rõ, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã thống nhất với số liệu mất rừng theo Kết luận thanh tra số 2094/KL-UBND ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh và đã chấp hành nộp đủ số tiền bồi thường vào ngân sách nhà nước theo quy định. Vì vậy, việc kiểm kê tài nguyên rừng để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh diện tích rừng được thuê có thể tiến hành song song với việc triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đề nghị Công ty Sài Gòn - Đại Ninh phải cam kết và thống nhất nếu kết quả kiểm kê tài nguyên rừng trong lần kế tiếp mà bị mất rừng thì phải có trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu được tiếp tục thực hiện dự án, đề nghị Công ty Sài Gòn - Đại Ninh cam kết khắc phục các tồn tại, hạn chế, sai phạm tại dự án là ký hợp đồng thuê rừng năm 2021 và nộp tiền thuê rừng theo quy định; cam kết trồng rừng rừng, trồng cây xanh trên diện tích đất trống và trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
Đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm chưa giải tỏa thì phải lập phương án giải tỏa và báo cáo, đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan hỗ trợ giải tỏa thu hồi đất và cam kết khôi phục rừng, sử dụng đất đúng mục đích theo quy định.
Trước đó, văn bản cuối tháng 9, Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đã xác định diện tích rừng bị mất của dự án là 257 ha; trong đó, diện tích hơn 140 ha xác định trữ lượng năm 2016 được phê duyệt giá trị bồi thường tài nguyên rừng là gần 6,7 tỷ đồng. Công ty cổ phần đầu tư và du lịch Sài Gòn - Đại Ninh đã nộp đủ.
Diện tích hơn 116 ha được xác định trữ lượng năm 2011 xác định giá trị hơn 12,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị. Đến nay, chủ đầu tư đã thống nhất và nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, với tổng số 257 ha rừng bị mất tại dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, chủ đầu tư là Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã bồi thường khoảng 18,8 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án này, mới đây, Sở Xây dựng Lâm Đồng cũng đã có văn bản gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án.
Theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Do đó, để dự án sớm tiếp tục được triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho chủ đầu tư được tiếp tục thực hiện việc triển khai dự án.
Quá trình chủ đầu tư thực hiện dự án, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các Sở, ngành và UBND huyện Đức Trọng tổ chức hướng dẫn và tham mưu UBND tỉnh các kiến nghị, đề xuất của chủ đầu tư có liên quan đến lĩnh vực quy hoạch xây dựng theo quy định.
Theo Sở Xây dựng, hiện dự án đã triển khai đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình, gồm: 6 trạm dừng chân, 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng cho chuyên gia để phục vụ dự án, 1 hội trường và nhà làm việc (diện tích 560 m2) và đang thi công phần móng cổng chính.
“Theo quy định của luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng đối với dự án trước đây của Sở Xây dựng thì các hạng mục trên thuộc đối tượng được miễn cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng có một số hạng mục công trình không xây dựng đúng theo vị trí quy hoạch được duyệt và đã được UBND huyện Đức Trọng xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định”, Sở Xây dựng cho biết.
Theo tìm hiểu, Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn- Đại Ninh vào cuối năm 2010.
Dự án rộng khoảng 3.595 ha, trong đó 1.306 ha đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 25.243 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai rầm rộ, hàng loạt các hạng mục chính vẫn chưa được xây dựng.