Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: TP HCM cần kiên quyết thu hồi quy hoạch "treo", dự án quá thời hạn

27/12/2021 19:55

Chiều 27/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với UBND thành phố và các sở, ngành hữu quan để giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố. Đợt giám sát này có quy mô lớn, từ cấp sở - ngành đến quận - huyện...

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi giám sát
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi giám sát

Tại buổi làm việc tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác quy hoạch nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển, những ưu tiên phát triển, trên cơ sở tối đa hóa các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, lâu dài, và càng có vai trò quan trọng đối với đại đô thị như thành phố Hồ Chí Minh.

Quy hoạch không chỉ là định hướng lớn cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực của thành phố, thể hiện sự gắn kết, đồng bộ giữa các yếu tố phát triển mà còn là công cụ quan trọng của quản lý nhà nước, bảo đảm sự thống nhất, hài hòa, tạo ra nguồn lực mới, những động lực tăng trưởng mới.

Ngoài ra, công tác quy hoạch cũng phải tính đến yếu tố liên kết với các địa phương với tư cách thành phố có vai trò dẫn dắt sự phát triển của cả vùng và của quốc gia, đồng thời phải đi trước một bước, thể hiện được tầm nhìn chiến lược, làm cơ sở cho triển khai kế hoạch, huy động nguồn lực, xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong phát triển.

Chủ tịch nước khẳng định, quy hoạch thành phố là vấn đề khó, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật, nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều thế hệ lãnh đạo và nhiều chủ thể trong xã hội; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế bất cập trong công tác quy hoạch của thành phố cần nhìn nhận thấu đáo để có biện pháp tháo gỡ.

“Quy hoạch và tổ chức quy hoạch hiện nay vẫn là điểm yếu, điểm nghẽn không chỉ của Thành phố mà của cả quốc gia và các địa phương”,  Chủ tịch nước nhìn nhận.

Buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM chiều 27-12
Buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM chiều 27-12

Chủ tịch nước cho rằng thành phố Hồ Chí Minh cần bám sát mục tiêu, định hướng lợi thế để hoàn thiện quy hoạch, phục vụ tốt yêu cầu trung và dài hạn. Phát triển thành phố có lộ trình, bước đi chắc chắn, cụ thể. Ở mỗi lĩnh vực, mỗi ngành, mục tiêu cần có chiến lược rõ ràng. Nếu chiến lược thiếu mạch lạc, mâu thuẫn thì rất khó thực hiện.

Thành phố Hồ Chí Minh cần xác định rõ động lực đô thị những năm tới là gì để từ đó xác định ưu tiên chiến lược, động lực tăng trưởng mới để tập trung. Quy hoạch liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người cần rà soát theo hướng mục tiêu phát triển giai đoạn tới, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu, không gian ngầm. Đồng thời, kiên quyết thu hồi quy hoạch treo, dự án quá thời hạn mà không triển khai.

"Có dự án để 18-20 năm chưa triển khai, người dân kêu quá. Đại biểu Quốc hội phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh có đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan quy hoạch để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, chỉnh sửa những vướng mắc và mâu thuẫn trong luật.

Theo báo cáo đối với công tác lập quy hoạch, bao gồm cả điều chỉnh quy hoạch, lập quy chế và thiết kế đô thị, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng công việc theo các nhóm mục tiêu: tăng chất lượng công tác tư vấn, tăng tính khả thi cho đồ án quy hoạch, nắm sát tình hình thực tiễn và nhu cầu của địa phương, của khu vực để xem xét quy hoạch; nâng cao chất lượng điều chỉnh các quy hoạch cần thiết phải điều chỉnh, củng cố.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị; quy hoạch xây dựng, tiến độ công tác lập và điều chỉnh quy hoạch còn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển;

Chất lượng và tính khả thi của một số đồ án quy hoạch chưa cao; hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, chưa theo kịp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố;

Công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm; việc triển khai thực hiện các dự án đô thị chưa theo lộ trình và chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu quả sử dụng các nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội thành phố còn hạn chế; thực trạng công tác quản lý xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch còn nhiều lúng túng so với quản lý xây dựng theo quy hoạch ở khu vực đô thị…

Về việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định của pháp luật về đất đai còn một số tồn tại như các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa thật sự đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất, việc bảo đảm kinh phí cho công tác lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều khó khăn, hệ thống quy hoạch sử dụng đất bị chia cắt.

 

Theo Dũng Hiếu/ Nhịp sống Kinh tế