Thị trường hết sóng, nhà đầu tư rút vốn đột ngột, người trót cọc tiền lao đao khó thoát hàng

15/05/2022 12:58

Một số thị trường bất động sản ghi nhận tình trạng sau cơn sóng lên là hiện tượng nhà đầu tư "tay to" rút vốn còn môi giới hay nhà đầu tư tay ngang lỡ trót cọc nhưng không thể thoát hàng.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Hết sóng bất động sản, người mua lao đao khó thoát hàng

Mới 2 năm trước, giới đầu tư nhắc đến Bắc Giang như một thị trường đang rất sôi động. Giá đất nền tăng vèo vèo. Khi ấy có rất nhiều dự án "mọc lên". Thị trường bất động sản Bắc Giang nhộn nhịp và hấp dẫn nhờ hút lượng nhà đầu tư từ các tỉnh khác đổ về xuống tiền. Một số nhà đầu tư còn sẵn sàng mua cọc ngoại giao thông qua sàn bất động sản. 

Nhưng đến thời điểm hiện tại, hệ luỵ của cơn sốt đất đi qua, đó là giá bất động sản một số dự án đất nền như tại huyện Việt Yên, Yên Dũng cắt lỗ nhẹ. Còn có nhà đầu tư rơi vào cảnh mất trắng cọc khi văn phòng môi giới đất tháo biển rời đi. Những khu đô thị hoang hoá đã hiện hữu.

Thị trường hết sóng, nhà đầu tư rút vốn đột ngột, người trót cọc tiền lao đao khó thoát hàng - Ảnh 1.

Một dự án tại Thanh Hoá. (Ảnh: V.H).

Tương tự ở thị trường bất động sản Thanh Hoá, đầu năm 2022, giá đất khu vực TP. Thanh Hoá, TP. Sầm Sơn tăng đột biến. Đất vùng nông thôn cũng ghi nhận tình trạng tăng giá chóng mặt. Theo một môi giới ở Sầm Sơn, giá đất một số khu vực Thanh Hoá tăng khoảng 50-60% so với cuối năm 2021. Những dự án chưa hoàn thiện hạ tầng hay ngay cả lô đất thổ cư nằm trong ngõ nhỏ cũng được săn tìm khiến giá đất tăng đột biến. Thế nên có câu chuyện môi giới kể lại rằng, sốt đất tới nỗi, đất rao lúc sáng thì chiều đã có khách cọc, chốt lời tới 200 triệu đồng.

Đến thời điểm hiện tại, chia sẻ của lãnh đạo công ty bất động sản ở Thanh Hoá cho biết, thị trường hạ nhiệt, nhà đầu rút dần khỏi thị trường khiến cò đất, môi giới, nhà đầu tư lướt hàng đặt cọc không thể ra hàng. Song, giá đất cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nhiều lô đất dù có rao bán với giá thấp hơn so với mặt bằng chung cũng khó giao dịch. Nhà đầu tư tay ngang, hay cò đất vay tiền xuống cọc đều rơi vào nguy cơ mất cọc.

Sốt đất đi qua khu đô thị hoang hoá hiện hữu

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, những năm trở lại đây, dòng tiền có xu hướng chuyển sang bất động sản ven đô rồi chuyển dần sang bất động sản các tỉnh.

"Sau đợt dịch vừa rồi vì sao bất động sản tỉnh lại tăng mạnh đến như vậy?" – ông Quốc Anh đặt câu hỏi. Người ta thường tìm nhà có vườn tược rộng rãi ở tỉnh, không gian xanh hơn, rộng hơn và ưu tiên cả các khu vực gần bệnh viện. Nhưng sau một khoảng thời gian, mặt bằng giá đất ở tỉnh được đẩy lên cao. 

Khi mặt bằng giá được đẩy mạnh lên như thế, một yếu tố nữa tác động đó là việc đầu tư công của Chính phủ bắt đầu triển khai từ tháng 01/2022. Dòng tiền dịch chuyển về miền Trung vì nhiều công trình hạ tầng được triển khai, trong khi miền Bắc, nhà đầu tư đã "khai thác" rất nhiều.

Ông Quốc Anh thẳng thắn cho rằng, đa phần những người tìm kiếm đất tỉnh đến từ Hà Nội và TP.HCM. Họ có mục đích rõ ràng là đầu tư. Còn họ sẽ ở hay sinh sống ở đó thì tôi chưa nhìn thấy mà đa phần họ đi theo các dòng tiền lớn là dòng tiền nhìn thấy các cơ hội liên quan đến việc phát triển. Họ sẽ là dòng tiền đi sớm đầu tiên tạo ra các mặt bằng giao dịch cũng như mặt bằng về giá và làm sôi động thị trường. Bình thường nguyên tắc là đi theo dòng tiền lớn và dòng tiền lớn ấy đa phần đến từ Hà Nội.

Theo các chuyên gia, đất tỉnh là những thị trường nhiều nhà đầu cơ, ít người mua ở thực. Thế nên, sốt đất mới dễ hình thành. Và hệ luỵ của cơn sốt đất đi qua chính là tình cảnh mất cọc của những nhà đầu tư tay ngang, hay môi giới muốn "đổi đời" mạnh dạn xuống tiền kiếm lời. Người xác định phải mất cọc vì khó bán lại cọc. Người chấp nhận đã bỏ bạc tỷ mua đất nhưng sẽ phải đợi 5-10 năm mới có thể thanh khoản.

Theo lãnh đạo công ty phát triển khu đô thị tại các tỉnh thành, sau cơn sốt đất thường xảy ra khu đô thị hoang hoá. Bản chất là bởi đó là khu vực mà môi giới, nhà đầu tư quan tâm tới việc ra hàng, làm sóng, đẩy thị trường. Họ không quan tâm có bao nhiêu nhà đầu cơ và có bao nhiêu người tiêu dùng thật. Họ cũng không có một concept sản phẩm thực thụ hướng đến giá trị sử dụng, hướng đến khách hàng tiêu dùng cuối cùng. Vị này cho rằng, các dự án đó thiếu các tiện ích dành cho cuộc sống, đa phần nằm ở các vị trí không thuận lợi, không có kết nối vùng tốt với cơ sở hạ tầng trường, trạm trên địa bàn.

Đáng chú ý, những dự án đó đa phần là nhà đầu cơ vào. Một số dự án có quá nhiều nhà đầu cơ dẫn đến giá bị đẩy lên cao, thị trường sau đó bị down, ít khách hàng thật mua khiến dự án bán hết mà không có một ai xây. Một số dự án vì nhà đầu cơ vào đợt đầu ồ ạt nhưng sau không vào thêm tiền, chủ đầu tư không thu được tiền để thực hiện dự án…

Theo Việt Khoa /Nhịp sống kinh tế