Thị trường bất động sản xuất hiện "bong bóng" cục bộ

24/01/2022 10:14

Thị trường bất động sản hiện đang xuất hiện "bong bóng" nhưng không phải toàn thị trường mà tập trung cục bộ ở một số khu vực. Mức độ nguy hiểm chưa lớn lắm nhưng có thể thấy, giá BĐS tăng mạnh không đúng với giá trị thực, sức mua thấp, thậm chí không mua.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam khi đề cập đến việc "sốt đất ảo" trên thị trường bất động sản (BĐS) tại toạ đàm do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức mới đây.

Thị trường bất động sản xuất hiện "bong bóng" cục bộ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Việt Nam đang là một quốc gia phát triển và hình thành sự phát triển. Rõ ràng quá trình phát triển sẽ được đầu tư đặc biệt về hệ thống hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Dòng đầu tư này làm tăng giá trị của đất đai, đấy là nguyên lý của thị trường. Tuy nhiên nguyên lý của đất đai, giá trị của bất động sản phải tỷ lệ thuận với sự tăng đầu tư hạ tầng. Hiện nay, ngoài đầu tư công, các doanh nghiệp lớn cũng tham gia vào phát triển hạ tầng, các khu kinh tế, phát triển hạ tầng đô thị, các khu du lịch làm cho bất động sản tăng giá.

Song, ông Đính cho biết, mức tăng của những năm gần đây không tương thích với mức độ tăng đầu tư. Thời gian qua giá BĐS tăng chóng mặt xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng, có điều dễ nhận thấy nhất là cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh khiến giá BĐS tăng theo; đầu tư tăng đến đâu giá tăng đến đó. Tuy nhiên, mức tăng giá BĐS lại không tương thích với mức tăng của đầu tư hạ tầng, tăng quá nhiều lần so với hạ tầng. Từ đó, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng. 

Ông Đính cho biết, trong bối cảnh hiện nay, bong bóng bất động sản sẽ không xuất hiện trên toàn thị trường mà chỉ diễn ra cục bộ ở một số địa phương. Tuy vậy, việc này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đấu giá, đến thị trường bất động sản nói chung. Hiện nay, với nguồn vốn đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản cũng tạo nên những hệ luỵ nhất định. Cùng với đó, “bong bóng” sẽ ảnh hưởng đến thị trường vì giá đất bị đẩy lên cao sẽ khiến các các cơ quan quản lý, các cơ quan tổ chức đấu giá sẽ phải lấy giá trên thị trường làm tham chiếu để tính mức giá đưa vào trong phiên đấu giá đó. Do đó, nếu đấu giá để bước giá cao quá thì khả năng thành công của kêu gọi đầu tư bị giảm xuống.

Cùng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, thị trường BĐS bong bóng đang to dần nhưng sẽ không vỡ. Từ ngày đổi mới đến nay, giá đất chỉ tăng, có thể đứng lại rồi tăng tiếp, chưa bao giờ thị trường chứng kiến giá BĐS tỏ ra giảm mạnh.

"Với bối cảnh này, dự báo bong bóng không bao giờ vỡ, mà giá sẽ "nở" tiếp, giá lại cao tiếp, cao nữa, rất khó xuống. Điều này là hệ luỵ với cả nền kinh tế", GS Hùng Võ nhấn mạnh.

Với một nền kinh tế chi phí đất đai quá lớn là nền kinh tế không bền vững. Chi phí cho đất đai phải phù hợp với sức của nền kinh tế. Trong khi, giá đất liên tục tăng, tăng gấp nhiều lần tính từ thời điểm năm 2008 đến nay.

Theo An Mai /Doanh nghiệp và Tiếp thị