Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Theo đó, xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình nhằm kết nối giao thông giữa hai khu di tích thắng cảnh Chùa Long Vân với Chùa Tiên và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại khu vực. Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH một thành viên Du lịch Thái Bình.
Tuyến cáp treo có chiều dài khoảng 2,965km; trong đó trên địa bàn tỉnh Hòa Bình dài 1,486km và trên địa bàn TP Hà Nội dài 1,479km.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án (cả hai đầu Hòa Bình và Hà Nội) là 35,05ha. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, diện tích sử dụng đất khoảng 17,19 ha; bao gồm các hạng mục chính: Nhà ga động lực; các công trình khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng, bến thuyền, cổng chào chính, chòi dịch vụ.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, diện tích sử dụng đất khoảng 18 ha; bao gồm các hạng mục chính: nhà ga chính và các chức năng (khu văn phòng điều hành, quầy bán vé, phòng y tế, cửa hàng bán đồ lưu niệm); khu kỹ thuật - vận hành cáp treo (cabin, phòng kỹ thuật,...); khu đón tiếp và không gian cho khách xếp hàng chờ trước khi lên cabin; các công trình phục vụ tuyến cáp treo (nhà chờ); các công trình chòi nghỉ chân; các công trình trong khu vực đất cây xanh để tạo cảnh quan và làm nơi nghỉ chân cho du khách.
Tổng vốn đầu tư của dự án (đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) là trên 1.700 tỷ đồng, do một công ty tư nhân đảm nhiệm đầu tư xây dựng. Dự kiến dự án sẽ bắt đầu xây dựng trong năm nay và hoàn thành vào Quý IV năm 2024.
Hiện nay, tại khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương đang có hệ thống cáp treo dài 1,2km, có 45 cabin, 7 trụ cột, vận chuyển khoảng 1.500 hành khách tham quan di tích/giờ, với giá vé khoảng 120.000 đồng/lượt.
Chùa Hương là một thắng cảnh nổi tiếng nằm trên địa bàn huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Chùa được mở hội vào ngày mùng 6/1 Âm lịch hằng năm và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Theo thống kê, mỗi năm có hơn 1 triệu lượt du khách đến với ngôi chùa này.
Việc mở hai tuyến cáp treo nối từ chùa Hương sang chùa Tiên sẽ góp phần thúc đẩy du lịch giữa Hòa Bình và Hà Nội.
Hiện nay, việc đưa hệ thống cáp treo vào vận hành, nhằm đưa du khách lên các đỉnh núi, tham quan những danh lam thắng cảnh khu du lịch ngày càng phổ biến, những dự án cáp treo không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển, góp phần giảm tình trạng quá tải của một số khu du lịch nổi tiếng, mà còn mở ra nhiều cơ hội để du lịch Việt Nam vươn tầm thế giới.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp được biết đến nhiều nhất với các dự án cáp treo “siêu khủng” là Tập đoàn Sun Group. Có thể kể đến một số hệ thống cáp treo do Sun Group đầu tư xây dựng như: Tuyến cáp treo Hòn Thơm (An Thới – Phú Quốc) – Tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới 7899,9m; Cáp treo Fansipan (Lào Cai) có chiều dài 6292,5m; Cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng) có chiều dài 5.771,61m…