Tại Hà Nội, hàng tồn chủ yếu nằm ở căn hộ có giá hơn 35 triệu đồng/m2. Một số dự án có tỷ lệ tồn kho cao như: Dự án Công trình hỗn hợp thương mại, văn phòng và nhà ở bán tại số 2224 phố Hàng Bài và 25-27 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, tỷ lệ tồn kho 100%; dự án Tổ hợp nhà ở để bán, văn phòng cho thuê và căn hộ du lịch tại số 1152-1154 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, tỷ lệ tồn kho 100%...
Trong khi đó, báo cáo mới đây của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, trong quý III, nguồn cung căn căn hộ cao cấp tại Hà Nội là 2.530 sản phẩm, tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 21,1%, tương đương với 532 căn hộ. Như vậy vẫn tồn khoảng 1.500 sản phẩm so với lượng chào bán ra thị trường.
Tuy nhiên, giá bán căn hộ cao cấp vẫn không giảm trên thị trường sơ cấp, trong khi đó sản phẩm căn hộ bình dân ngày càng khan hiếm tại thị trường Hà Nội Quý 3 chỉ đạt có 3,5 % tổng lượng cung và nằm ở xa khu trung tâm.
Theo các chuyên gia, việc gia tăng tồn kho căn hộ cao cấp là tình trạng đáng báo động với thị trường bất động sản, làm gia tăng lệch pha cung – cầu thừa nhà giá cao và thiếu nhà giá thấp sẽ gây hệ lụy xấu cho an ninh nhà ở và không đại diện cho một thị trường phát triển cân bằng, bền vững.
Từ câu chuyện lệch pha cung cầu TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết, giá căn hộ tại một số thành phố lớn ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thượng Hải hay ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam đều cao hơn rất nhiều so với thu nhập bình quân đầu người. Khi thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng sẽ tạo ra những bất hợp lý, xa rời sức mua và trở thành thị trường ảo. Hệ quả là dẫn đến suy thoái thị trường trong thời gian gần đây.
Số lượng căn hộ tồn kho rất lớn nhưng thực tế thị trường vẫn ồ ạt xuất hiện nhà cao cấp là nghịch lý. Đây là việc cơ quan quản lý nhà nước cần lên tiếng và định hướng thị trường hoạt động ổn định. Việc để thị trường tồn kho tiếp tục gia tăng sẽ dẫn đến nguy cơ bong bóng bất động sản.