Thời gian gần đây, các cơ quan Nhà nước liên tục có động thái chấn chỉnh hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Gần nhất, Bộ Tài chính vừa có báo cáo đưa ra các giải pháp ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát các doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa các hành vi sai phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Ngày 11/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Công điện về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trước đó, từ tháng 12/2021, việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được đẩy mạnh thông qua việc sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành hay Thông tư 16 do Ngân hàng Nhà nước với quy định dành cho tổ chức tín dụng.
Bất động sản là ngành chịu ảnh hưởng đáng kể bởi theo số liệu của MB Securities, đây là ngành đi đầu trong việc phát hành trái phiếu trong năm 2021 với 228.400 tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng lượng trái phiếu phát hành.
Trước bối cảnh trên, FiinRatings cho rằng quy mô huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp BĐS có thể sẽ giảm mạnh nhưng sẽ có sự thay đổi về chất. Giai đoạn 2022 - 2023, trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả nhờ lãi suất thấp và việc kênh tín dụng bất động sản từ ngân hàng bị hạn chế tăng trưởng.
Cũng theo FiinRatings, về tổng thể, hiện sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức tương đối an toàn. Các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, nhất là các công ty niêm yết vốn có sự minh bạch vẫn sẽ đẩy mạnh các hoạt động phát hành trái phiếu.
Dòng vốn trái phiếu vẫn đang chảy về bất động sản
Mặc dù nhiều chuyên gia nhận định quy mô phát hành trái phiếu của nhóm BĐS giảm, song trên thực tế, dòng vốn từ trái phiếu vào bất động sản vẫn đang chảy đều với quy mô không nhỏ.
Theo báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ đầu năm đến nay, nhóm bất động sản vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành chiếm 43,36% thị trường. Trong đó, trái phiếu có kỳ hạn từ 1-3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này (58,12%).
Một số thương vụ phát hành điển hình có nhóm Vạn Thịnh Phát, từ đầu năm đến nay nhóm doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát công bố hoàn tất huy động tổng cộng 17.405 tỷ đồng thông qua 7 lô trái phiếu.
Cụ thể, ngày 4/1, SDI Corp, chủ đầu tư dự án Sài Gòn Bình An, công bố phát hành thành công lô trái phiếu trị giá khoảng 6.575 tỷ đồng.
Ngày 31/3, ba doanh nghiệp gồm CTCP WorldWide Capital, CTCP Air Link và CTCP Xây Dựng Kiến Hưng Thịnh đã huy động thành công 10.830 tỷ đồng thông qua 6 lô trái phiếu. Đây đều là ba doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng dự án thành phần, thuộc dự án Sài Gòn Bình An và đã ký hợp đồng thế chấp tài sản với Techcombank một ngày trước khi phát hành các lô trái phiếu nêu trên.
Bên cạnh đó, ngày 10/2, Vạn Trường Phát đã hoàn tất huy động 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu. Đây là lô trái phiếu thứ 5 mà doanh nghiệp này phát hành trong năm 2021, nâng quy mô vốn huy động được từ các đợt phát hành này lên 10.000 tỷ đồng.
Trong đó, ngoài lô thứ 5 không công bố mục đích phát hành, Vạn Trường Phát đều cho biết các lô trước sẽ dùng để thanh toán tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Việt Phát thuộc Tổ hợp khu công nghiệp và đô thị Việt Phát tại Long An.
Trong tháng 2 và tháng 3, R&H Group (công ty liên quan Vinahud) đã công bố hoàn tất phát hành 3 lô trái phiếu trị giá hơn 5.000 tỷ đồng. Đây cũng là 3 lô trong 7 lô trái phiếu được phát hành trong năm 2021 của doanh nghiệp với tổng trị giá hơn 8.150 tỷ đồng. Hiện, R&H Group đang là nhà phát triển dự án Grand Mercure Hội An có quy mô 7,2 ha, chủ đầu tư là Xuân Phú Hải, một doanh nghiệp vừa được nhóm Bamboo Capital chuyển nhượng cho Vinahud.
Trong ba tháng đầu năm, nhóm Geleximco, gồm Geleximco và CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương cũng huy động thành công tổng cộng gần 5.000 tỷ đồng từ 5 lô trái phiếu được phát hành từ quý IV/2021.
Trước đó, trong 4 tháng cuối năm 2021, Vạn Hương đã huy động thành công gần 3.900 tỷ đồng từ 5 đợt phát hành trái phiếu khác. Theo công bố của các đợt phát hành cũ này, toàn bộ số tiền thu về từ kênh trái phiếu được công ty đầu tư cho dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng tại Đồ Sơn, Hải Phòng với diện tích 480 ha do Vạn Hương làm chủ đầu tư.
Từ đầu năm đến nay, Nhóm Novaland, gồm Novaland, BNP Global, Thành phố Aqua, BĐS Gia Đức, BĐS Thái Bình cũng đã huy động thành công tổng cộng 7.200 tỷ đồng từ thị trường trái phiếu để rót vốn cho các dự án Aqua City (Đồng Nai) và NovaWorld Phan Thiet.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác như nhóm TNG Holdings, Phát Đạt, Hưng Thịnh Investment, Đầu tư I.P.A, Mặt trời Phú Quốc (thành viên Sun Group),... đều công bố đã huy động thành công dòng vốn từ thị trường trái phiếu trong ba tháng đầu năm nay.
Nhiều doanh nghiệp BĐS tiếp tục lên kế hoạch phát hành trái phiếu
Bên cạnh việc hoàn tất phát hành trái phiếu, trong ba tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp cũng lên kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu để bổ sung vốn lưu động, triển khai các dự án bất động sản.
Trong ba tháng đầu năm nay, Hội đồng quản trị Novaland đã thông qua loạt nghị quyết huy động tổng cộng 7.900 tỷ đồng trái phiếu để góp vốn cho các công ty con, gồm The Prince Residence, Nova Hospitality, Đầu tư Địa ốc No Va và No Va Mỹ Đình, đồng thời, bảo lãnh phát hành cho các lô trái phiếu của các đơn vị thành viên khác.
Ngày 9/3, Nam Long cũng cho biết dự kiến phát hành trái phiếu với tổng giá trị tối đa 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, toàn bộ số tiền thu được sẽ được Nam Long góp vốn vào công ty con là CTCP Nam Long VCD để phát triển giai đoạn 2 của dự án Waterpoint với quy mô 190 ha.
Trước đó, ngày 1/3, Hội đồng quản trị Khang Điền cũng thông qua việc chào bán tối đa 20 triệu trái phiếu, dự thu tối đa 2.000 tỷ đồng trong quý II/2022.
Khang Điền cho biết, đợt huy động vốn này nhằm mục đích bổ sung vào vốn hoạt động thông qua hình thức cho vay đối với hai công ty con là CTCP Bất động sản Thủy Sinh và Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc để phát triển các dự án Thủy Sinh Phú Hữu và hai dự án ở quận Bình Tân, TP HCM, bao gồm dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu trung tâm dân cư Tân Tạo - khu A (phường Tân Tạo A) và dự án Khu nhà ở cao tầng (phường An Lạc).
Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông hồi 30/3 vừa qua, Khải Hoàn Land đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu để bổ sung vốn lưu động. Mỗi đợt phát hành sẽ không quá 2.500 tỷ đồng, có thể phát hành thành một đợt hoặc nhiều đợt trong năm.
Cũng tại kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 15/4, An Gia cho biết sẽ huy động tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu để phát triển dự án The Gió tại Bình Dương. Lãnh đạo An Gia khẳng định, việc siết chặt trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ không gây ảnh hưởng đến công ty do quy mô vay nợ của công ty vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.