Điều khó tin ở 3 lô đất 'kim cương' nghìn tỷ giữa trung tâm TP.HCM - bất động đến đáng lo?

25/12/2021 10:21

Nhiều lô đất nằm ở trung tâm TP.HCM được xem là vị trí "kim cương", có giá trị nghìn tỷ, thế nhưng một thời gian dài phải chịu cảnh đắp chiếu vì vướng sai phạm.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.
Điều khó tin ở 3 lô đất 'kim cương' nghìn tỷ giữa trung tâm TP.HCM - bất động đến đáng lo?

 

Khu đất vàng '4 mặt tiền' 

Tháng 7/2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với cựu Bộ trưởng Bộ Công thương - ông Vũ Huy Hoàng, để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, vào năm 2008, UBND TP.HCM giao cho Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) quản lý, sử dụng khu đất có địa chỉ 2-4-6 đường Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé. Q.1) mà không thông qua đấu giá đất. Khu đất này được xem là khu đất "kim cương khi rộng 6.000 m2, 4 mặt tiền nằm ở trung tâm thành phố, hướng ra sông Sài Gòn, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Điều khó tin ở 3 lô đất kim cương nghìn tỷ giữa trung tâm TP.HCM - bất động đến đáng lo? - Ảnh 1.

Lô đất "kim cương" 4 mặt tiền ở trung tâm TP.HCM.

Nhiều năm nay buộc phải "đắp chiếu" vì vướng sai phạm.

Sau khi được giao đất, Sabeco dự kiến xây dựng dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower, với tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỉ đồng. 

Năm 2015, Sabeco cùng 3 công ty Đầu tư Mê Linh, Attland và Hà An góp vốn thành lập Sabeco Pearl để triển khai đầu tư dự án khu thương mại văn phòng cao cấp tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng. Trong đó, Sabeco góp 26% vốn.

Tuy nhiên, từ năm 2016, Bộ Công thương có chủ trương để Sabeco thoái vốn đầu tư tại Sabeco Pearl. Giữa năm 2016, HĐQT Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho các cổ đông còn lại, thu về khoản tiền gần 200 tỉ đồng. 

Các cổ đông còn lại sau đó cũng lần lượt bán cổ phần của mình dẫn đến khu "đất vàng" Hai Bà Trưng rơi vào tay một số cá nhân - tờ Thanh Niên thông tin thêm.

Hiện nay, khu đất "kim cương" này vẫn đắp chiếu. Bên trong trước đây được tận dụng làm bãi giữ xe, tuy nhiên hiện đã dẹp bỏ.

Lô đất nghìn tỷ 

Khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) có diện tích 4.896,3m2, gồm số 8 và số 12 Lê Duẩn. Nằm tại vị trí đắc địa giữa trung tâm TP.HCM khi ngay ngã tư Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, cách nhà thờ Đức Bà khoảng 100m, cách Dinh Độc lập khoảng 300m… có giá trị cả nghìn tỷ đồng.

Trước đó, ngày 20/11/2017, TP.HCM có chủ trương phê duyệt cho đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại ở khu đất này. 

Trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương, bà Lê Thị Thanh Thúy (cựu Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue) đã dùng quan hệ tình cảm cá nhân, tác động đến cựu Phó Chủ tịch TP.HCM - ông Nguyễn Thành Tài ký nhiều văn bản.

Điều khó tin ở 3 lô đất kim cương nghìn tỷ giữa trung tâm TP.HCM - bất động đến đáng lo? - Ảnh 3.

Lô đất rộng gần 5.000 m2 này có trị giá nghìn tỷ.

Đồng thời, ông Tài còn chỉ đạo bà Nguyễn Thị Thu Thủy (giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà), ông Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), ông Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư Quận ủy quận 2) và ông Trương Văn Út (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM), chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn thực hiện dự án, quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Từ đó, tạo điều kiện cho bà Thúy được tham gia thực hiện dự án, dẫn đến thay đổi quyền sở hữu khu đất "vàng" này từ Nhà nước sang sở hữu của doanh nghiệp tư nhân trái luật.

Điều khó tin ở 3 lô đất kim cương nghìn tỷ giữa trung tâm TP.HCM - bất động đến đáng lo? - Ảnh 4.

Nhiều năm nay đã phải bỏ trống vì vướng phải sai phạm.

Hiện nay, nó dùng để làm bãi giữ xe cho du khách tham quan.

Ngày 31/7/2020, VKSND tối cao hoàn tất cáo trạng bổ sung, cáo buộc cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài giao khu "đất vàng" số 8-12 Lê Duẩn (Q.1) trái phép, gây thất thoát 1.927 tỷ đồng. 

Cùng bị truy tố về tội danh trên, bà Thúy được xác định đã xúi giục, tác động ông Tài ký nhiều văn bản vi phạm pháp luật; những người còn lại giữ vai trò đồng phạm, thực hiện theo chỉ đạo của ông Tài.

Đến nay, mảnh đất này vẫn bị "đắp chiếu", trong đó, phía mặt tiền đường Nguyễn Văn Chiêm đã được tận dụng làm phố hàng rong, còn bên trong hiện được tận dụng làm bãi giữ ô tô, xe máy.

Một phần mặt tiền đường Nguyễn Văn Chiêm đã được tận dụng làm phố hàng rong.

Khu đất "vàng" công sản tại số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) do Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và sử dụng nhiều năm nay.

Báo Công an nhân dân dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2010, sau khi được UBND TP.HCM giao dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, diện tích hơn 6.200m2 theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần, ngay lập tức, Vinafood 2 liên kết, góp vốn với Công ty Việt Hân thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại. Quá trình thực hiện dự án, Vinafood 2 đã cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Điều khó tin ở 3 lô đất kim cương nghìn tỷ giữa trung tâm TP.HCM - bất động đến đáng lo? - Ảnh 7.

Khu đất giữa trung tâm TP.HCM bị Vinafood 2 thâu tóm

Hiện tại công trình nhà ở người dân tại đây đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 2099, dự án tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (4 cơ sở nhà đất) có dấu hiệu gây thất thoát, thiệt hại tài sản Nhà nước.

Điều khó tin ở 3 lô đất kim cương nghìn tỷ giữa trung tâm TP.HCM - bất động đến đáng lo? - Ảnh 9.

Một phần bên trong trưng dụng là bãi giữ xe.

Hiện các công trình nhà ở tại đây đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, người dân chỉ đành sống leo lắt trong những căn nhà lụp xụp. Ngoài ra, một phần lớn của khu đất "vàng" này đang được một đơn vị sử dụng làm bãi giữ xe ôtô, xe máy nhiều năm qua.

Theo Huy Hậu/ Doanh nghiệp và Tiếp thị