Ảnh minh họa.
2021 là một năm khó khăn với cả nền kinh tế - xã hội nói chung và bất động sản (BĐS) nói riêng bởi sự bùng phát của dịch Covid -19 phức tạp và kéo dài. Dưới tác động của dịch bệnh, thị trường BĐS đã có nhiều sự thay đổi lớn từ hành vi, thị hiếu người mua tới chiến lược phát triển và cách thức kinh doanh của các đơn vị kinh doanh bất động sản.
Xong xét về tổng quan, thị trường vẫn được đánh giá là một kênh đầu tư hấp dẫn; trong đó, giá bất động sản hầu như không giảm, ngược lại phân khúc nhà ở còn tăng từ 5 - 9%, tùy địa bàn. Cùng với đó, giá bất động sản công nghiệp cũng tăng khoảng 3 - 18%, tùy từng địa phương…
Trong năm, sau mỗi đợt dịch Covid được kiểm soát, mức độ quan tâm tới thị trường bất động sản lại tăng mạnh. Theo thống kê của trang Batdongsan.com.vn cho thấy, sau Covid-19 đợt 1, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 306%, sau Covid-19 lần 2, mức độ quan tâm tới thị trường tăng 62%, sau Covid-19 lần 3, thị trường tăng mạnh 378%, sau Covid-19 lần 4, sức bật của thị trường là 105%.
Đáng chú ý, ngoại trừ quý 3/2021 là giai đoạn giãn cách xã hội tại các thành phố lớn và nhiều tỉnh thành trên cả nước thì các quý còn lại của năm 2021, mức độ quan tâm bất động sản luôn cao hơn năm 2019.
Cụ thể, mức độ quan tâm tới thị trường bất động sản của quý 1/2021 cao hơn quý 1/2019 là 6%, quý 2 là 3% và quý 4 là 4%.
Đất nền là loại hình thu hút mối quan tâm lớn nhất của người dùng khi chiếm tới 25% lượng tìm kiếm, kế đến là nhà riêng, chung cư với tỉ lệ lần lượt là 24% và 20%. Mối quan tâm với các loại hình khác dao động từ 6-19%.
Nhận định về các đợt sóng bất động sản hay những đợt “sốt đất” được thị trường đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Savills Việt Nam nhận định, đối với thị trường bất động sản Việt Nam, sau những đợt khủng hoảng về tài chính, kinh tế, dịch bệnh, dường như sức nén về đầu tư sẽ được bung ra rất nhiều.
Hiện tại dịch bệnh và các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất khó khăn, do vậy dòng tiền sẽ chảy vào khu vực chứng khoán. Trong khi đó, khu vực chứng khoán và bất động sản được xem là bình thông nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng đầu tư chứng khoán được và vì thế lúc đó bất động sản là cơ hội.
“Trong năm 2022 - 2023, đối với những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm thì nguồn tiền trong nền kinh tế vẫn còn. Do vậy, đầu tư vào chứng khoán và bất động sản nhà ở sẽ là chiều hướng của “sóng” đi lên trong 2022 – 2023”, ông Khương nhận định.
Mặc dù vậy, theo ông Khương, nếu nền kinh tế gặp khó khăn và dịch bệnh tiếp tục gây ra những hạn chế về giãn cách xã hội (nếu có) cũng như vấn đề khác liên quan đến nền kinh tế thì tính thanh khoản của tài sản là rủi ro lớn nhất.
Tuy nhiên, riêng về thị trường bất động sản nhà ở thì khó có thể giảm, bởi vì nguồn cung trên thị trường trong thời gian qua rất thiếu ở nhiều phân khúc khác nhau, đặc biệt là phân khúc giá trị vừa phải và trung cấp.
“Nếu nhà đầu tư mua bất động sản để ở/sinh sống thì cũng cần cân nhắc để mua. Nếu các nhà đầu tư “lướt sóng”, đầu tư ngắn hạn thì cũng cần cân nhắc lại phương án kinh doanh cũng như giảm thiểu kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu “lướt sóng” của nhiều năm trước nữa. Do vậy cần phải cẩn thận, kết hợp với giảm thiểu sử dụng đòn bẩy tài chính để vay ngân hàng khi mà thời gian chờ đợi quá lâu thì công việc lướt sóng của chúng ta sẽ bị hạn chế bởi vì tiền lãi gia tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không bù đắp được số tiền lãi đó. Đây là câu chuyện mà các nhà đầu tư lướt sóng và ngắn hạn cũng cần cân nhắc”, ông Khương khuyên.