Trong đơn, bà Nguyễn Thị Như Loan trình bày, Công ty CP Sunny Island tố cáo Công ty Quốc Cường Gia Lai và tổng giám đốc có hành vi gian dối trong việc kê khai khống diện tích đã đền bù, giải phóng mặt bằng 84,1 ha (tương đương 92% diện tích dự án theo hợp đồng hứa mua, hứa bán khu dân cư Bắc Phước Kiển) trong khi thực tế chỉ giao cho Công ty Sunny Island là 64,2 ha nhằm chiếm đoạt 2.888,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo bà Loan những nội dung mà Công ty Sunny Island tố cáo trên là hoàn toàn vu khống, không có căn cứ. Trái lại Công ty Sunny Island đã không thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký kết nên Công ty Quốc Cường Gia Lai phải khởi kiện Sunny Island ra Tòa án Quốc tế (VIAC) để phân xử.
Phía Công ty Quốc Cường Gia Lai cho rằng, hợp đồng giữa công ty và Sunny Island là hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển, không phải hợp đồng mua bán dự án. Nội dung hợp đồng có ghi rõ đến khi pháp lý dự án đủ điều kiện chuyển nhượng thì 2 bên mới ký hợp đồng chuyển nhượng dự án.
Thế nhưng, khi ký kết hợp đồng này vào tháng 3/2017, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã được UBND TPHCM công nhận trúng thầu và là chủ đầu tư dự án. Ngoài ra, Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng đã được Sở Xây dựng đề nghị UBND TPHCM công nhận làm chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Phước Kiển. Lúc này công ty cũng đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 gồm: nhà thấp tầng, biệt thự, nhà phố, chung cư và nhà ở xã hội…
Ngay khi ký kết, Công ty Sunny Island đã được Công ty Quốc Cường Gia Lai bàn giao toàn bộ giấy tờ pháp lý, trong đó có sổ đỏ của hơn 65ha dự án, trị giá gần 11.000 tỷ đồng theo thời giá của hợp đồng hứa mua hứa bán năm 2017, trong khi đó tính đến nay Sunny Island mới thanh toán chỉ khoảng 2.882 tỷ đồng.
Do đó, Công ty Quốc Cường Gia Lai đã kiện Công ty Sunny Island ra VIAC để phân xử tuyên Quốc Cường Gia Lai chấm dứt hợp đồng, do phía Công ty Sunny Island đã vi phạm hợp đồng, không thanh toán đúng hạn.
“Việc Công ty Sunny Island thanh toán không đúng tiến độ theo hợp đồng đã gây rất nhiều khó khăn cho Quốc Cường Gia Lai trong suốt gần 5 năm qua, hậu quả là giá đền bù giải phóng mặt bằng của diện tích đất còn lại trong dự án tăng từ 2 đến 300%. Thời hạn thực hiện đầu tư dự án hết hạn năm 2020, quy định pháp luật thay đổi khiến công ty phải thực hiện lại từ đầu, gây thiệt hại cho công ty hàng ngàn tỉ đồng. “Nếu Công ty Quốc Cường Gia Lai lừa đảo thì tại sao trong các phiên xử của VIAC phía Sunny Islan không tố cáo Công ty Quốc Cường Gia Lai lừa đảo”? - bà Loan đặt vấn đề trong đơn.
Được biết, theo hợp đồng ký kết vào tháng 3/2017 giữa Công ty Quốc Cường Gia Lai và Công ty Sunny Island, Công ty Quốc Cường Gia Lai sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý đến khi đủ điều kiện chuyển nhượng dự án thì sẽ chuyển nhượng 100% dự án cho Công ty Sunny Island. Tuy nhiên, tiến độ pháp lý sẽ thực hiện song song tiến độ thanh toán của Công ty Sunny Island. Nhưng đến nay, phía Sunny Island mới thanh toán 2.882,8 tỷ đồng, trong khi Công ty Quốc Cường Gia Lai đã thực hiện cơ bản các thủ tục pháp lý.
Cụ thể, theo hợp đồng đến tháng 9/2017, Sunny Island phải thanh toán đến 4.800 tỷ để Công ty Quốc Cường Gia Lai thanh toán khoản nợ cho Ngân hàng BIDV, làm nhà tái định cư, đền bù đất hoán đổi nhà ở xã hội phục vụ dự án và giải phóng mặt bằng hoàn tất để được giao đất. Ngay sau khi được giao đất, phía Công ty Sunny Island phải thanh toán tiếp 5.000 tỷ đồng và số tiền còn lại sẽ thanh toán khi dự án đủ điều kiện chuyển nhượng. Nhưng đến tháng 10/2017, Công ty Sunny Island chỉ thanh toán số tiền khoảng hơn 2.882,8 tỷ đồng và từ tháng 11/2017 đến nay phía Công ty Sunny Island không thanh toán tiếp.
Hợp đồng cũng quy định nếu Sunny thanh toán trể hạn cộng lủy tiến quá 60 ngày thì Công ty Quốc Cường Gia Lai được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng hiện Sunny Island không thanh toán tiếp đủ số tiền cũng không đồng ý chấm dứt hợp đồng và trả giấy chủ quyền khu đất cho chủ đầu tư.