Ông Thiện đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi nhưng vẫn chưa được thi hành án - Ảnh: Đ.C.
Ông Thiện - người mua đất - đã khởi kiện ra tòa và được tuyên thắng kiện, nhưng nhiều năm qua ông vẫn không đòi được số tiền đã vay mượn để đóng đủ cho chủ đầu tư cũng như tiền bồi thường thiệt hại.
Mất của còn mất công
Công ty TNHH Chí Thành là chủ dự án Bồng Lai thuộc khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam). Năm 2012, công ty này chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất diện tích 1.559m2 (giá 2,1 tỉ đồng) tại dự án trên cho ông Võ Văn Thiện (trú Thanh Khê, Đà Nẵng).
Sau khi lập hợp đồng chuyển nhượng, ông Thiện đăng ký chỉnh lý biến động về chủ sử dụng đất nhưng không lập thủ tục được do Công ty Chí Thành không xuất hóa đơn và chưa nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước.
Đáng chú ý, việc dẫn đến sai sót này có phần lỗi lớn từ phía công chứng. Cụ thể, ngày 9-3-2012, công chứng viên Nguyễn Đức Bình (cán bộ Phòng công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam) có công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên giữa ông Thiện và Công ty Chí Thành.
Hồ sơ thể hiện việc ông Bình công chứng hợp đồng có sai phạm, vì trong giấy chứng nhận có ghi chú "tiền sử dụng đất được nộp chậm đến ngày 30-7-2007 thì không đủ điều kiện thực hiện việc chuyển nhượng".
Sau khi sự việc xảy ra, ông Bình nói khi kiểm tra hồ sơ không phát hiện phần ghi chú này vì... chữ quá nhỏ.
Vì vậy, ông Thiện khởi kiện ra tòa, yêu cầu trả lại tiền và bồi thường thiệt hại.
Bản án phúc thẩm số 79 năm 2019 của TAND tỉnh Quảng Nam tuyên buộc Công ty Chí Thành phải hoàn trả cho ông Thiện số tiền mua đất là 2,1 tỉ đồng; buộc Công ty Chí Thành và Phòng công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại cho ông Thiện hơn 8,7 tỉ đồng (mỗi bên 50%).
Vậy nhưng đến nay, ông Thiện không những không đòi được 2,1 tỉ đồng tiền túi mình bỏ ra mà tiền bồi thường thiệt hại cũng mịt mù.
Ông Thiện cho biết: "Tôi đã gửi nhiều đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng có giải pháp để Phòng công chứng số 1 thi hành án, bồi thường thiệt hại cho tôi nhưng vẫn bế tắc. Mua đất có đầy đủ giấy tờ, được công chứng, đóng đủ tiền mà nay trắng tay, nợ nần".
Ai bồi thường?
Theo tìm hiểu, ngày 2-3-2022 Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam đã trả lời đơn của ông Thiện về nội dung trách nhiệm của Nhà nước liên quan đến việc thi hành án của Phòng công chứng số 1.
Theo đó, để thi hành bản án số 79, sở này đã có công văn gửi Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) xin ý kiến hướng dẫn.
Cục đã có công văn cho rằng bản án số 79 tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Võ Văn Thiện và Công ty Chí Thành vô hiệu và buộc Phòng công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại là không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quản lý hành chính được quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Để xử lý vướng mắc liên quan đến vụ việc này, cần áp dụng pháp luật chuyên ngành về công chứng, luật sư, tố tụng dân sự và pháp luật có liên quan để giải quyết.
Cũng theo Sở Tư pháp, xét thấy đây là vụ việc phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật nên sau đó sở này tiếp tục có công văn gửi Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) xin ý kiến. Cục này trả lời rằng việc bồi thường thiệt hại của Phòng công chứng số 1 không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định.
Đồng thời, căn cứ theo nghị định số 62 quy định đối tượng được bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thực hiện nghĩa vụ thi hành án là đơn vị sự nghiệp do Nhà nước thành lập, được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động.
Phòng công chứng số 1 là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động từ năm 2011 nên không được ngân sách nhà nước tạm ứng để bồi thường trong trường hợp này.
Sở Tư pháp cũng cho rằng tài sản của phòng công chứng hiện nay chủ yếu là máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động công chứng. Các tài sản này đều là tài sản công, do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn thu phí để mua sắm, còn trụ sở thì nằm chung với trụ sở của Sở Tư pháp.
Nguồn thu chủ yếu của Phòng công chứng số 1 từ hoạt động công chứng, sau khi trích nộp ngân sách nhà nước 25% tổng số phí thu được, 75% số phí để lại sau khi thực hiện trích lại 40% cải cách tiền lương theo quy định và trích các quỹ phúc lợi; số còn lại chỉ đủ để chi trả tiền lương cho viên chức, người lao động và các khoản chi thường xuyên khác.
Số tiền trích lại 40% để cải cách tiền lương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, đây là chỉ tiêu pháp lệnh theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án theo quy định.
Do vậy, xét về điều kiện tổ chức thi hành bản án số 79 thì Phòng công chứng số 1 hiện nay không có khả năng bồi thường, không có khả năng thi hành bản án.
UBND tỉnh Quảng Nam nói gì?
Ngày 21-3-2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản trả lời ông Thiện là Phòng công chứng số 1 không thuộc đối tượng được bảo đảm tài chính từ ngân sách nhà nước để thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo nghị định số 62. Không thể dùng ngân sách nhà nước tạm ứng để thực hiện bồi thường trong trường hợp này.
Việc ông Thiện yêu cầu UBND tỉnh có trách nhiệm chi tiền để Phòng công chứng số 1 thi hành án là không có cơ sở xem xét giải quyết.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị ông Thiện tiếp tục phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh, cơ quan có liên quan để được tổ chức thi hành án theo quy định.