Một dự án của Hòa Phát ở Hà Nội.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng các sở ngành liên quan vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Hòa Phát về tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã giới thiệu tổng quan về hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. Đồng thời, bày tỏ mong muốn tỉnh hỗ trợ tìm kiếm vị trí phù hợp để đầu tư khu đô thị hiện đại, có quy mô, trở thành một khu đô thị "đáng sống" tại Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao ý tưởng và quyết tâm mong muốn đầu tư của Tập đoàn Hòa Phát tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Khẳng định Thừa Thiên Huế luôn tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp từ đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực đến đồng hành cùng doanh nghiệp để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược đến nghiên cứu, đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mục tiêu của tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo là thực hiện Nghị quyết 54, phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp để tập trung thu hút đầu tư, trong đó tập trung thu hút các dự án phát triển đô thị như mong muốn đầu tư của Tập đoàn Hòa Phát.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp với tập đoàn để hỗ trợ tìm kiếm vị trí đầu tư phù hợp cũng như hướng dẫn các thủ tục liên quan. Tạo các điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ cũng như sớm triển khai dự án trên địa bàn.
Liên quan đến hoạt động này, vừa qua, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã ký ban hành Nghị quyết phê duyệt quyết định tăng vốn góp tại Công ty CP Phát triển Bất động sản Hòa Phát.
Theo đó, số vốn góp tăng thêm là 3.300 tỷ đồng. Thời gian tăng góp vốn không muộn hơn ngày 28/2/2022.
Như vậy, sau khi được tăng thêm khoản kinh phí trên, vốn điều lệ của Công ty CP Phát triển Bất động sản Hòa Phát dự kiến sẽ tăng từ 2.700 tỷ lên 6.000 tỷ; trong đó Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 99,967%.
Trước đó, cuối năm 2020, Tập đoàn Hoà Phát đã lập ra Công ty CP Phát triển Bất động sản Hoà Phát với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, mục tiêu hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển bất động sản và các hoạt động phụ trợ của doanh nghiệp.
Ngay sau đó, doanh nghiệp này liên tục tham gia vào các cuộc đua săn quỹ đất với loạt dự án từ khu đô thị đến khu công nghiệp trải dài từ Bắc vào Nam.
Điển hình, mới đây nhất, Hòa Phát đã kết hợp cùng KDI Holding đề xuất nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư với tổng diện tích lên tới 2.800 ha trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Trong đó có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực sông Cái Nha Trang; quy hoạch Vùng kinh tế động lực công nghiệp - đô thị - dịch vụ, thị xã Ninh Hòa với đầy đủ chức năng như khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, khu đô thị suối khoáng nóng, khu bảo tồn, khu vui chơi giải trí và khu đô thị dịch vụ sân golf.
Trước đó, tại Quảng Ngãi, đơn vị này cũng đã đề xuất và được chấp thuận chuyển đổi toàn bộ 600 ha đất thuộc quy hoạch Khu đô thị Dốc Sỏi và Khu đô thị - công nghiệp Dung Quất (trừ giai đoạn 1A) và 175 ha tại điểm kết nối đường Trì Bình - Dung Quất, đường cao tốc sang đất đô thị, thương mại, dịch vụ.
Việc mở rộng quỹ đất của Hòa Phát cũng diễn ra tại Cần Thơ với đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy với quy mô khoảng 452ha.
Cũng tại đây, tập đoàn này đã được chấp thuận tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đề xuất 2 dự án là khu đô thị thương mại - dịch vụ quy mô 88,2ha (gồm khu nhà ở 58,2ha và trung tâm hội chợ triển lãm 30ha) tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Dự án thứ hai là khu đô thị thương mại - dịch vụ quy mô 6,24ha tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều…