Dự án Dragon Pearl tại Long An có huy động vốn trái phép không?
Mặc dù chưa triển khai xong cơ sở hạ tầng nhưng Dự án Dragon Pearl đã được các đơn vị phân phối rao bán bằng "Giấy xác nhận tiền thành ý", thu tiền của khách hàng mỗi nền 50 triệu đồng, đây là dấu hiệu của việc huy động vốn trái phép, đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Được biết, Dragon Pearl là dự án đất nền, nhà phố, shophouse liền kề với quy mô hơn 48 ha, tọa lạc ngay mặt tiền trục đường đại lộ 30m của khu đô thị mới 50 ha, thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đây là vị trí giáp ranh với huyện Hóc Môn, Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) và một số khu công nghiệp lớn của Long An và Tp. Hồ Chí Minh. Dự án do Công ty Cổ phần Bất động sản Đức Hòa Đông làm chủ đầu tư. Đơn vị phát triển là Công ty CP Đầu tư Bất động sản Phúc Thịnh và Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Bến Thành (Bến Thành Invest).
Theo quảng cáo, đây là dự án có quy mô tương đối lớn với hơn 1.499 nền nhà phố liền kề, 180 nền biệt thự song lập và 1 khu căn hộ chung cư phức hợp cao tầng. Trong đó: Đất ở (1.768 lô đất nền và 1 khu chung cư) 177.353,47 m² (36,81%); Đất công trình 31.937,88 m² (6,63%); Đất cây xanh, mặt nước 169.378,99 m² (35,16%); Đất giao thông, hạ tầng: 100.051,66 m² (20,77%).
Theo phản ánh của nhiều người dân, hiện dự án này đã có dấu hiệu huy động vốn từ khách hàng khi chưa xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy định.
Theo ghi nhận của PV, ngay từ đầu tháng 1/2022, đơn vị phân phối dự án là Công ty Cổ phần tư vấn và Đầu tư Bến Thành đã bắt đầu “lách luật”, mở bán các sản phẩm theo hình thức nhận cọc bằng “Phiếu đăng ký quyền ưu tiên mua sản phẩm Khu dân cư Đức Hòa Đông”. Với mỗi phiếu đăng ký, khách hàng phải đặt trước 50 triệu đồng.
Hiện nay, tại khu vực triển khai dự án vẫn đang xây dựng cơ sở hạ tầng đường xá, hệ thống điện nước. Nhìn chung, gần như cả khu vực rộng lớn của dự án vẫn là một bãi đất trống đang được san lấp và làm đường, bụi bặm bay khắp nơi, nhiều khu vực còn là ruộng sình lầy, hoặc nước đọng…
Gia hạn miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 368/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030.
Theo đó, nhằm hoàn thiện chính sách thu ngân sách đối với đất đai, tài sản, tài nguyên; có cơ chế phù hợp để khai thác nguồn lực từ đất đai cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, Chiến lược đặt ra một số giải pháp như:
- Tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
- Nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
- Xây dựng chính sách quản lý thuế gắn với công tác quản lý nhà và đất đai của các bộ, ngành có liên quan.
- Nghiên cứu điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
- Nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế tài nguyên, đảm bảo chính sách thuế tài nguyên tiếp tục là công cụ hữu hiệu để góp phần quản lý, bảo vệ tài nguyên, khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ra, Chiến lược này còn định hướng nghiên cứu xây dựng mức thuế suất hợp lý, bảo đảm tính công bằng, trung lập của hệ thống chính sách thuế. Tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu.
Đồng thời, rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế, loại bỏ các ưu đãi thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển. Thực hiện các giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo cân đối tài chính - ngân sách nhà nước.
Năm 2022, Đồng Nai hủy 331 dự án gần 4.600ha, tìm nhà đầu tư cho 17 khu dân cư
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai thông tin, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 17 dự án khu dân cư tại TP. Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch được đưa ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Các dự án trên quy mô hơn 420 ha và diện tích đất trên hầu hết phải thu hồi của các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức. Trong đó, riêng TP. Biên Hòa có 15 dự án và huyện Nhơn Trạch có hai dự án.
Một số dự án khu dân cư đưa ra đấu thầu có diện tích đất lớn là: Khu đô thị du lịch Đại Phước gần 80 ha (huyện Nhơn Trạch); khu dân cư theo quy hoạch phường An Hòa, TP. Biên Hòa; khu dân cư phường Phước Tân (TP. Biên Hòa); khu đất dọc theo đường ven sông Cái thuộc các phường Thống Nhất, Tân Mai, Tam Hiệp, An Bình (TP. Biên Hòa); khu đất dọc theo đường ven sông Đồng Nai ở phường Hóa An, phường Bửu Hòa (TP. Biên Hòa);...
Ngoài ra, Tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm 2022, địa phương đã hủy bỏ 331 dự án thu hồi đất có tổng diện tích gần 4.600 ha tại các huyện, TP. Biên Hòa và TP. Long Khánh.
Nguyên nhân dẫn đến các dự án bị hủy bỏ là do HĐND tỉnh đã thông qua từ năm 2015 - 2019, nhưng chủ đầu tư không triển khai, kéo dài quá thời hạn quy định.
Các dự án bị thu hồi đa số thuộc khu vực các huyện Nhơn Trạch, Định Quán, Trảng Bom, Tân Phú và TP. Biên Hòa.
Trong đó, có gần 100 dự án đã được tỉnh phê duyệt từ năm 2015, nhưng sau gần 7 năm vẫn chưa triển khai làm ảnh hưởng đến nhiều người dân trong vùng dự án và không phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Những dự án bị thu hồi được quy hoạch diện tích đất lớn chủ yếu là các khu dân cư như: khu dân cư của CTCP Nhơn Trạch, khu dân cư Đại Phước - Phú Hữu, khu dân cư Long Tân, khu dân cư Vĩnh Thanh - Phú Thạnh, khu dân cư Phước An (huyện Nhơn Trạch); khu dân cư dịch vụ Giang Điền (huyện Trảng Bom); khu dân cư đô thị Bình Sơn (huyện Long Thành);...
Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư khách sạn hơn 546 tỷ đồng tại Hội An
UBND tỉnh Quảng Nam vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đạt Phương Hội An làm chủ đầu tư Dự án khách sạn Casamia Hội An tại xã Cẩm Thanh, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Dự án khách sạn Casamia Hội An có quy mô 10.275,3 m2 bao gồm các hạng mục: khu khách sạn cao 5 tầng và 1 tầng hầm; khu nhà hàng, spa cao 3 tầng; hồ bơi; cây xanh; giao thông nội bộ và các công trình hạ tầng kỹ thuật, với tổng vốn đầu tư lên tới 546,257 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư: 109,251 tỷ đồng và vốn huy động: 437,006 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động dự án tính đến ngày 06/02/2068. Theo kế hoạch, từ tháng 01 đến tháng 6/2022 sẽ thực hiện các thủ tục đầu tư, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng. Từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2024 triển khai xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị, đưa dự án vào hoạt động.
Dự án khách sạn Casamia Hội An đã định hướng đầu tư xây dựng khu khách sạn, khu nhà hàng để kinh doanh các dịch vụ: lưu trú, ăn uống, spa, hội thảo và vui chơi giải trí của khách du lịch.
Khi triển khai dự án, công ty Đạt Phương có trách nhiệm thực hiện đúng Quyết định mà UBND tỉnh đã ký. Ngoài ra cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư, bảo vệ môi trường, đất đai, xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của dự án;
Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của các thông tin, số liệu, nội dung về hồ sơ dự án và hiệu quả đầu tư dự án; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, năm về tình hình thực hiện dự án và chế độ báo cáo thuế theo quy định.
Trường hợp Công ty cổ phần Đạt Phương Hội An không thực hiện đúng các quy định nêu trên, Sở KH&ĐT cùng các Sở, ban, ngành, UBND thành phố Hội An sẽ xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình UBND tỉnh giải quyết đúng quy định của pháp luật hiện hành.