TP Hồ Chí Minh lập 5 đề án chuyển 5 huyện lên quận
UBND TP. HCM vừa ban hành kế hoạch khẩn về xây dựng Đề án Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021-2030.
Theo UBND TP HCM, việc xây dựng đề án là tiên đề, làm cơ sở để chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021-2030 nhằm thực hiện Chương trình Đột phá đổi mới quản lý thành phố đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ nằm ở các vị trí cửa ngõ thành phố, kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ.
Những năm qua, các địa phương này có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị ở 5 huyện này không khác nhiều so với các quận nội thành.
Hiện nay, đối chiếu với các thông số như dân số, diện tích, phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị... của 5 huyện theo Nghị quyết 1211/2016 và Nghị quyết 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Bình Chánh đạt 26/30 tiêu chí, Nhà Bè và Củ Chi đạt 23/30 tiêu chí, Hóc Môn 22/30 tiêu chí, Cần Giờ thấp nhất với 19/30 tiêu chí.
Để có cơ sở để triển khai các giải pháp thúc đẩy tiến trình chuyển huyện thành quận, TP HCM sẽ xây dựng 5 đề án nhánh về phát triển và phân công từng sở, ngành thực hiện các đề án này. Cụ thể: kinh tế đô thị (Sở Kế hoạch và Đầu tư); văn hóa đô thị (Sở Văn hóa và Thể thao); hạ tầng đô thị (Sở Quy hoạch và Kiến trúc); con người đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển) và quản lý nhà nước (Sở Nội vụ).
UBND huyện căn cứ nội dung các đề án nhánh để tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, điều kiện và đặc thù của huyện.
Ngoài ra, TP HCM sẽ ưu tiên ngân sách để lập, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch: phân khu đô thị, phát triển hạ tầng, khu đô thị mới.
Thành phố cũng tạo điều kiện huy động nguồn lực người dân, doanh nghiệp phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại... Đất tại các đô thị mới sẽ được đấu giá để tạo vốn phát triển hạ tầng.
Khởi công dự án mở rộng sân bay Điện Biên gần 1.500 tỉ đồng
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng vừa được khởi công. Sau khi mở rộng sân bay Điện Biên sẽ nâng công suất từ 300.00 khách/năm lên 500.000 khách/năm.
Trước đó, dự án xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên đã được Thủ tướng chấp thuận đầu tư. Đây là công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư là hơn 1.467 tỉ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Dự án có quy mô khu bay gồm: Đường cất hạ cánh; đường lăn, sân đỗ máy bay và nhiều hạng mục phụ trợ khác.
Quy mô hàng không dân dụng, cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.
Sân bay Điện Biên là một trong 22 sân bay nội địa của Việt Nam, có quy mô công suất 300.000 khách/ năm. Hiện tại Cảng hàng không Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép) do nằm trong khu vực lòng chảo, có những hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất/hạ cánh.
Bắc Giang trao giấy chứng nhận cho hai khu công nghiệp hơn 3.800 tỉ đồng
Hai dự án khu công nghiệp vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư gồm Tân Hưng có quy mô hơn 105ha, vốn đầu tư 1.185 tỉ đồng và Yên Lư có quy mô 377ha, vốn đầu tư 2.692 tỉ đồng.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng 2 khu công nghiệp này.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Yên Lư có quy mô 377ha, địa điểm tại xã Yên Lư, huyện Yên Dũng. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.692 tỉ đồng do Công ty cổ phần bất động sản Capella làm chủ đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Khi dự án đi vào hoạt động và lấp đầy 100% sẽ tạo việc làm cho khoảng 42.000 lao động.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tân Hưng có quy mô hơn 105 héc ta, địa điểm tại xã Tân Hưng và xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.185 tỉ đồng do Công ty cổ phần Lideco 1 làm chủ đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Dự kiến khi khu công nghiệp Tân Hưng đi vào hoạt động và lấp đầy 100% diện tích cho thuê sẽ tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động.