Tin bất động sản ngày 12/3: Bamboo Capital muốn làm khu đô thị sinh thái 800ha ở Lâm Đồng

13/03/2022 09:32

Bamboo Capital muốn làm khu đô thị sinh thái 800ha ở Lâm Đồng; Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đề xuất trả lại 16 mặt bằng nhà đất; Quảng Nam chốt phương án xử lý loạt dự án tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc... là những tin tức bất động sản đáng chú ý

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Hải Phòng: Cưỡng chế thu hồi khu "đất vàng" bỏ hoang gần Sân bay Cát Bi

Mới đây, UBND quận Hải An, TP Hải Phòng thông tin về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Duy Hưng tại lô số 4/10A đường Lê Hồng Phong, phường Đằng Hải. Việc cưỡng chế dự kiến sẽ được tổ chức vào 8 giờ ngày 15/3.

Khu đất bỏ hoang hơn 13 năm của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Hưng dẽ bị thu hồi
Khu đất bỏ hoang hơn 13 năm của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Hưng dẽ bị thu hồi

Theo tìm hiểu của PV, năm 2008 UBND TP Hải Phòng cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Duy Hưng thuê khu đất rộng 9.165m2, tại Khu đô thị mới ngã 5 – Sân bay Cát Bi (phường Đằng Hải, quận Hải An) để thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm thương mại và khách sạn cao cấp theo Quyết định số 1410/QĐ-UBND ngày 28/8/2008, sửa đổi, điều chỉnh tại Quyết định số 2214/QĐ-UBND ngày 22/12/2008.

Tháng 1/2009, Sở TN&MT Hải Phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất trên cho Công ty Duy Hưng để thực hiện dự án, thời hạn 50 năm (2008-2058). Tuy nhiên, sau khi được giao đất, Công ty Duy Hưng không đầu tư, hoàn thiện dự án.

Căn cứ quy định của pháp luật, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Thông báo số 163/TB-KHĐT ngày 11/9/2018 và Quyết định số 128/QĐ-KHĐT ngày 11/9/2018 chấm dứt hoạt động của Dự án

Từ những nội dung trên và căn cứ quy định của pháp luật đất đai, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 2825/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 thu hồi 9.165m2 nêu trên của Công ty giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố quản lý.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân quận Hải An đã ban hành và gửi các văn bản yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Duy Hưng di chuyển toàn bộ tài sản, bàn giao diện tích đất thu hồi cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng công ty không chấp hành, không đến dự buổi làm việc tuyên tuyền, vận động do Ủy ban Nhân dân quận Hải An mời mà không có lý do.

Do đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Ủy ban Nhân dân quận Hải An đã ban hành Quyết định số 502/QĐ-CT về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với công ty này.

Bamboo Capital muốn làm khu đô thị sinh thái 800ha ở Lâm Đồng

Vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã nhận được văn bản của Công ty cổ phần BCG Land (BCG Land ) về việc nghiên cứu và tài trợ khảo sát, lập quy hoạch dự án Khu đô thị sinh thái hồ Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh.

Dự án sẽ có quy mô khoảng 800 ha với định hướng phát triển Khu đô thị sinh thái (khoảng 320 ha) và Khu du lịch sinh thái dưới tán rừng – theo hình thức thuê rừng phòng hộ và mặt nước hồ Đạ Tẻh (khoảng 480 ha).

Trước đề xuất của doanh nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý để BCG Land tổ chức khảo sát nghiên cứu và đề xuất ý tưởng quy hoạch trong thời gian không quá 6 tháng.

Tính đến 7/2, BCG Land chỉ mới đưa ra phạm vi, ranh giới nghiên cứu, khảo sát mà chưa tổ chức lập phương án ý tưởng quy hoạch.

Do đó, Sở Xây dựng đề nghị huyện Đạ Tẻh phối hợp BCG Land tổ chức và lập phương án ý tưởng quy hoạch, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước khi xem xét việc tài trợ kinh phí tổ chức lập quy hoạch.

Được biết BCG Land là công ty con của Công ty cổ phần Bamboo Capital, thành lập vào năm 2018. Doanh nghiệp hiện đang tập trung đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, tiêu biểu như Casa Marina Resort (Quy Nhơn, Bình Định), Casa Marina Premium (Quy Nhơn, Bình Định), Malibu Hội An, Hoian D’or,...

Mới đây, Bamboo Capital đã công bố kế hoạch chào bán 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cp, tương đương dự kiến thu về 1.200 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền thu được sẽ được dùng để bổ sung vốn cho BCG Land nhằm mục đích thực hiện các giao dịch liên quan đến các dự án bất động sản, như M&A, đầu tư, liên doanh, liên kết,... Thời điểm giải ngân dự kiến trong năm 2022.

 

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đề xuất trả lại 16 mặt bằng nhà đất

Mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn TP.HCM.

Chốt phương án xử lý loạt dự án tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc/Ảnh minh họa
Chốt phương án xử lý loạt dự án tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc/Ảnh minh họa

Theo báo cáo của SAGRI, hiện nay, Tổng công ty này được giao quản lý, sử dụng 42 mặt bằng nhà đất, nhưng thực tế công ty chỉ sử dụng 20 mặt bằng cho hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Do đó, SAGRI đã đề xuất UBND TP.HCM bàn giao lại 18 mặt bằng, nhưng đến nay UBND TP.HCM mới thu hồi 2/18 mặt bằng nhà đất, 16 mặt bằng còn để trống, SAGRI không sử dụng nhưng phải đóng tiền thuê đất.

Theo ông Phạm Thiết Hòa - Tổng Giám đốc SAGRI, có những mặt bằng vị trí đẹp nhưng hiện nay quy hoạch của các mặt bằng này không còn phù hợp với chức năng ngành nghề nông nghiệp của SAGRI; một số mặt bằng hiện thời hạn thuê đã hết, không thể xin giấy phép sửa chữa, đầu tư, do vậy buộc lòng phải trả lại. Do đó, SAGRI muốn trả lại càng sớm càng tốt để công ty không phải đóng tiền thuê đất, mà Nhà nước có thêm quỹ nhà đất để tạo nguồn ngân sách.

Phát biểu kết luận, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lãng phí nguồn lực đất đai do SAGRI quản lý. Bà Tuyết đề nghị SAGRI nhận định, đánh giá nguyên nhân và kiến nghị rõ các giải pháp; đeo bám, xử lý sớm vướng mắc trong việc giao trả lại các mặt bằng nhà đất không sử dụng.

Quảng Nam: Chốt phương án xử lý loạt dự án tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam phát đi Thông báo số 64/TB-UBND về kết luận cuộc họp giao ban ngày 07/3/2022 giữa Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo đó, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tập trung rà soát, báo cáo đánh giá toàn diện các dự án tại đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc theo chỉ đạo của UBND tỉnh, phân theo từng nhóm.

Cụ thể, nhóm 1 là các dự án đang triển khai nhưng gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài với diện tích nhỏ so với diện tích dự án, không có tính khả thi trong tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng.

Đối với nhóm các dự án này, yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra, làm việc với nhà đầu tư để đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh hợp lý quy hoạch chi tiết, giảm quy mô dự án.

Nhóm 2 là các dự án đang triển khai bình thường, tuy bị vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nhưng khả năng giải phóng mặt bằng còn lại cao, cộng đồng dân cư ủng hộ trong công tác giải phóng mặt bằng và nhà đầu tư đảm bảo năng lực thực hiện.

Đối với nhóm các dự án này, UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo quy định.

Đối với nhóm 3 là các dự án mới hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về đất đai, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hoặc dự án gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng với diện tích lớn so với diện tích dự án và khả năng giải phóng mặt bằng không khả thi.

Nhóm các dự án này, yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn thống kê, đánh giá năng lực của nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư không có khả năng thực hiện thì đề xuất thu hồi, chuyển sang mục đích công cộng, trồng cây xanh hoặc các tiện ích xã hội khác.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn khẩn trương triển khai thực hiện, trong đó báo cáo sớm các dự án thuộc nhóm 2 để UBND tỉnh xem xét, giải quyết việc điều chỉnh tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hoàn thành sớm dự án.

Theo Huy Tùng (T/H)/PetroTimes