Vừa qua, trong chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam đã phát triển quan hệ đối tác toàn diện, đặc biệt là thúc đẩy thương mại song phương và củng cố chuỗi cung ứng. Đây là những động thái tích cực tạo nên sức bật cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Cách đây 26 năm, đêm 11/7/1995 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam; rạng sáng ngày 12/7/1995 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Chính phủ Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Kiệt đã chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. Đây là kết quả của một hành trình dài với những nỗ lực bền bỉ của cả hai bên, có ý nghĩa đặc biệt, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của cả hai nước.
Kể từ khi 2 nước tiến hành bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương cùng với việc chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế đã làm thay đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam. GDP tăng trưởng trên 9% vào những năm 1995, 1996 là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng.
Năm 2000, Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA). Hiệp định này đã mở cửa cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới đã khiến chỉ số GDP cao ngất ngưởng. Đồng thời, trong giai đoạn này, Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư nước ra đời đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục rót vào thị trường. Lúc này, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là “con hổ” mới của Châu Á, thị trường bất động sản nhờ đó cũng được chuyển mình sau giai đoạn trầm lắng những năm 1997 - 1999 do ảnh hưởng của cơn bão khủng hoảng tài chính Châu Á.
Thêm một mốc sự kiện đáng nhớ trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa 2 nước đó là vào tháng 11/2006: Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2006. Đồng thời, cũng trong tháng 11/2006, Việt Nam chính thức gia nhập WTO, điều này tạo đà thúc đẩy GDP trong nước tăng hơn 8% so với các năm trước. Cùng với đó, tín dụng tăng trưởng mạnh, vốn FDI và kiều hối cũng đổ mạnh về Việt Nam trong khoảng thời gian này đã tạo nên nền tảng cho sự bùng nổ của thị trường bất động sản đầu năm 2007.
Các đời Tổng thống đương nhiệm đều đã thăm Việt Nam, như chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam (tháng 5/2016), được đánh giá là đã “thể hiện một bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Mỹ với Việt Nam”. Đến nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, ông đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam hai lần trong một nhiệm kỳ, đó là vào năm 2017 và 2019.
Cũng trong giai đoạn này, những năm 2016 - 2017 thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ và tăng trưởng mạnh mẽ trên diện rộng.
Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế vào hàng nhanh nhất thế giới. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên nền tảng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam như lực lượng lao động năng động, chính sách thu hút đầu tư, liên tục cải thiện hạ tầng, đất nước có định hướng phát triển thịnh vượng... vẫn vững chắc và được dự báo sẽ phục hồi, tăng trưởng nhanh chóng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
8 tháng đầu năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng bứt phá với 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng minh chứng cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế và tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặt khác, Biển Đông là tuyến đường hàng hải nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới với hàng nghìn tỉ đô la thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm. Cũng là khu vực chiến lược đối với lợi ích của Mỹ.
Trong giai đoạn hiện nay, quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục đà phát triển, trong chuyến thăm của nữ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam diễn ra vào ngày từ ngày 24 tới 26 - 8 vừa qua là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của hai đối tác (Việt Nam và Singapore) đối với Mỹ. Đồng thời, bà Harris cũng bày tỏ “Tôi hy vọng chuyến thăm lần này sẽ mở ra chương mới cho quan hệ Việt - Mỹ”.
Trong đó, thúc đẩy thương mại song phương và củng cố chuỗi cung ứng là chủ đề quan trọng trong chuyến công du của nữ Phó tổng thống, đây cũng là tiền đề mở ra nhiều triển vọng mới cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp.
Mặt khác, thương chiến Mỹ - Trung diễn ra từ năm 2018 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với giá lao động tăng cao đã tạo nên “sóng ngầm” dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đến Việt Nam. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu tại Trung Quốc. Đây chính là “giọt nước tràn ly” thúc đẩy làn sóng dịch chuyển đầu tư diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, mở ra cơ hội lớn cho lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc. Trước hết, trong giai đoạn bùng phát dịch lần đầu tiên, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tốt nhất trên thế giới, điều này làm tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tại Việt Nam được hưởng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam hưởng các ưu đãi giảm thuế hấp dẫn. Mặt khác, chi phí cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam đang khá cạnh tranh so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Song song với đó, các điều kiện kinh doanh, hạ tầng, logistic, công nghệ... đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm cải thiện liên tục. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 5,8% GDP của Việt Nam được chi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, một mức chi đầu tư cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đồng thời, Việt Nam hiện đang là tâm điểm của báo chí thế giới trong chuyến thăm của nữ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Đây là cơ hội để Việt Nam một lần nữa quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển, thu hút đầu tư... nhờ đó mà thị trường bất động sản cũng được hưởng lợi.
Như vậy, ngoài các yếu tố nội lực của thị trường, sự kiện nữ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm Việt Nam là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi về diễn biến của thị trường bất động sản trong thời gian sắp tới. Hy vọng rằng, những thông tin trên sẽ phần nào giúp bạn tự đưa ra quyết định đầu tư cho mình.
(Bài viết có sử dụng thông tin, số liệu của tổng cục thống kê, bộ công thương và một số trang báo điện tử chính thống khác).