Thấy gì từ bức tranh kinh doanh của Tập đoàn BRG?
Màn tăng vốn ấn tượng của Tập đoàn BRG
Có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều về BRG Group, khi đây là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất và nổi tiếng nhất Việt Nam, hoạt động mạnh mẽ trong các lĩnh vực như: địa ốc, sân golf, bán lẻ, khách sạn, du lịch, trang sức, nông nghiệp, dược phẩm, giải trí… và quan hệ mật thiết với SeABank.
BRG Group được biết đến rộng rãi là cơ nghiệp của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thị Nga – Lê Hữu Báu và hai người con tài năng: Lê Tuấn Anh, Lê Thu Thủy.
Khó lòng vẽ hết hệ sinh thái BRG Group trong khuôn khổ một bài viết, song có thể lấy một doanh nghiệp tiêu biểu để thấy được phần nào quy mô của “siêu tập đoàn” này, đó là pháp nhân Tập đoàn BRG – Công ty Cổ phần (từ đây gọi tắt là Tập đoàn BRG).
Được thành lập tháng 12/2009, Tập đoàn BRG có trụ sở tại phường Phan Chu Trinh, sau đổi sang phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Người đại diện pháp luật của công ty là chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1955, thường trú phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trước năm 2016, Tập đoàn BRG có vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, với các cổ đông: Công ty TNHH MTV Đầu tư Phú Mỹ 20%, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Cường 51,375%.
Năm 2016, công ty tăng vốn lên 3.699 tỷ đồng với sự thay đổi: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Cường giảm tỷ lệ sở hữu xuống 25% còn Công ty TNHH MTV Đầu tư Phú Mỹ giữ nguyên tỷ lệ 20%.
Năm 2017, vị trí chủ tịch HĐQT được hoán đổi từ bà Nga sang ông Lê Hữu Báu. Tuy nhiên, ông Báu chỉ giữ chức chủ tịch HĐQT một thời gian ngắn trước khi trao lại vị trí cho bà Nga để tiếp tục làm CEO.
Đầu năm 2020, Tập đoàn BRG tăng vốn điều lệ lên 4.599 tỷ đồng. Đến tháng 6/2021, vốn điều lệ tiếp tục tăng mạnh lên 7.599 tỷ đồng và chính thức cán mốc 8.199 tỷ đồng vào tháng 9/2021.
Như vậy, trong vòng 5 năm, vốn điều lệ của Tập đoàn BRG đã tăng gấp 4,5 lần.
Sơ phác cổ đông của Tập đoàn BRG
Về cổ đông Công ty Phú Mỹ của Tập đoàn BRG, theo tìm hiểu của VietnamFinance, doanh nghiệp này được thành lập năm 2008, đóng trụ sở tại phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội, do bà Nguyễn Thị Nga làm chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật.
Vào năm 2018, vốn điều lệ của công ty là 1.920 tỷ đồng, gồm các cổ đông: Công ty TNHH Thương mại ô tô Thành Công 3,52%, Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác bất động sản BRG 25,41%, bà Nguyễn Thị Nga 71,07%.
Cuối năm 2019, tỷ lệ sở hữu của Ô tô Thành Công tăng lên 33,85%, Bất động sản BRG tăng lên 33,85% còn bà Nguyễn Thị Nga giảm xuống 32,3%.
Tháng 10/2020, người đại diện pháp luật của công ty được đổi sang bà Dương Thị Huệ (sinh năm 1975, thường trú Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội). Cơ cấu cổ đông cũng thay đổi với sự xuất hiện của Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản xuất Thịnh Vượng 32,3%, thay cho bà Nguyễn Thị Nga. 2 cổ đông còn lại giữ nguyên tỷ lệ sở hữu.
Cuối năm 2021, bà Nga quay lại làm người đại diện theo pháp luật của công ty. Cùng với đó, bà sở hữu tới 95,31% cổ phần, trong khi ông Lê Hữu Báu nắm 4,69%.
Đối với Công ty Phú Cường, doanh nghiệp này được lập ra tháng 12/2008, đóng trụ sở tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Vào năm 2018, người đại diện theo pháp luật của công ty là giám đốc Đào Thị Ngọc Hà (sinh năm 1981, thường trú phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Trong cùng năm này, vốn điều lệ của công ty ghi nhận ở mức 2.570 tỷ đồng, song cơ cấu cổ đông có sự thay đổi đáng chú ý. Theo đó, cổ đông Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Ngân Anh (nắm giữ 46,69%) tiến hành thoái vốn; cổ đông Công ty Cổ phần Dịch vụ và Kinh doanh bất động sản Hà Nội tăng tỷ lệ sở hữu từ 38,91% lên 85,6%, còn cổ đông Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam giữ nguyên tỷ lệ 14,4%.
Tháng 12/2020, bà Nguyễn Thị Vĩnh Trà (sinh năm 1982, thường trú phường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) được ghi nhận là người đại diện theo pháp luật của công ty, giữ chức giám đốc. Cơ cấu cổ đông ghi nhận sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Bình Sơn với tỷ lệ sở hữu 14,4%, thế chỗ cho Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam.
1 năm sau đó, cơ cấu cổ đông tiếp tục biến đổi mạnh mẽ với một loạt cái tên mới, gồm: Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Tất Thành 27,24%; Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Bình An 27,24%; Công ty Cổ phần Dịch vụ và Kinh doanh bất động sản Hà Nội 4,67%; Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Bảo An 14,4%; Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Tài Phát 26,45%.
Tháng 3/2022, cơ cấu cổ đông tiếp tục biến đổi với sự xuất hiện của Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Thành Đạt (tỷ lệ sở hữu 6,23%) và Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Bảo An giảm tỷ lệ xuống 8,17%. Trong khi đó, các cổ đông Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Tất Thành, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Tài Phát, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Kinh doanh bất động sản Hà Nội, Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Bình An giữ nguyên tỷ lệ sở hữu.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh Trà tiếp tục là người đại diện theo pháp luật của công ty. Đáng chú ý, bà Trà cũng là người đại diện theo pháp luật, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác bất động sản BRG (từng là một trong những cổ đông của Công ty Phú Mỹ đã nói ở trên, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng vào năm 2018).
Tập đoàn BRG kinh doanh ra sao?
Với vốn điều lệ rất lớn và không ngừng được bồi đắp qua các năm, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn BRG rất dày dặn. Tính trong giai đoạn 2016 – 2020, vốn chủ sở hữu của công ty tăng từ 2.711 tỷ đồng lên 4.723 tỷ đồng, tương đương tăng 74%.
Nhờ dày vốn, Tập đoàn BRG có nợ rất ít, chỉ vài chục tỷ đồng vào các năm 2016, 2017, 2020. Hai năm chứng kiến sự gia tăng đột biến của nợ phải trả là năm 2018, đạt 811 tỷ đồng và năm 2019, đạt 253 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với vốn chủ, số nợ phải trả này là rất nhỏ bé.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2016 – 2020 chứng kiến sự gia tăng đáng kể và liên tục của doanh thu thuần, lần lượt là: 36 tỷ đồng, 43 tỷ đồng, 56 tỷ đồng, 93 tỷ đồng và 105 tỷ đồng. Tính chung 5 năm, doanh thu đã tăng gấp 3 lần.
Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của Tập đoàn BRG lại trồi sụt rất bất thường. Nếu năm 2016, lợi nhuận gộp đạt 7 tỷ đồng (tương đương biên lợi nhuận gộp 20%) thì năm 2017, lợi nhuận gộp lao dốc chỉ còn 90 triêu đồng (tương đương biên lợi nhuận gộp chỉ 0,2%).
Năm 2018, lợi nhuận gộp hồi lên mức 11 tỷ đồng rồi tiếp tục tăng lên 24 tỷ đồng và 29 tỷ đồng trong 2 năm tiếp theo, giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện lên lần lượt 20%, 25% và 27%.
Sự biến động của lợi nhuận gộp khiến lợi nhuận sau thuế cũng thăng giáng liên tục. Từ năm 2016 đến năm 2020, lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt: 11,5 tỷ đồng, 52,7 tỷ đồng, 8,5 tỷ đồng, 15 tỷ đồng và 35,8 tỷ đồng.
Sự biến động mạnh của lợi nhuận sau thuế cho thấy tính chất bất ổn trong hoạt động kinh doanh của Tập đoàn BRG, dù cho năng lực vốn rất tốt.
So với vốn điều lệ và tổng tài sản ở mức rất cao, có thể thấy lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn BRG ở mức rất khiêm tốn. Hệ số ROE (lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu) trong suốt 5 năm chưa bao giờ về được hàng thập phân thứ nhất, chỉ đạt 0,003% (2016), 0,014% (2017), 0,002% (2018), 0,003% (2019) và 0,007% (2020).
(Còn nữa)