Tại văn bản này, Tập đoàn APEC, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ: đến năm 2020, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.
Tuy nhiên, số liệu từ Bộ Xây dựng cho biết theo thống kê của các địa phương, sau gần 10 năm thực hiện, tính đến nay, cả nước mới hoàn thành 254 dự án, tương đương khoảng 108.800 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích hơn 5,4 triệu m2. Việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt 43% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Hiện nay, các dự án nhà ở xã hội chưa có quy hoạch mang tính tổng thể, đồng bộ mà chỉ nằm trong quỹ đất 20% của các khu đô thị; cư dân mua nhà ở xã hội khó tiếp cận các dịch vụ tiện ích của khu đô thị, hơn nữa các chủ đầu tư thường chọn phương án nộp ngân sách để không phải làm nhà ở xã hội trong dự án do đó dẫn tới kết quả là đã thiếu quỹ đất cho nhà ở xã hội lại còn thiếu hơn.
Tập đoàn APEC cho rằng cần lập quy hoạch các đại đô thị nhà ở xã hội có quy mô lớn. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, mỗi địa phương cần tạo quỹ đất 3.000 - 5.000 ha để làm nhà ở xã hội diện tích từ 50 - 300ha/khu đô thị. Các tỉnh thành khác cần tạo quỹ đất khoảng 10.000 ha đến 20.000 ha.
Liên quan đến hành lang pháp lý, Tập đoàn APEC kiến nghị Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư, chỉ thị phù hợp với các luật hiện hành mà không cần đợi thông qua luật mới. Các chính sách cần rõ ràng, thông thoáng, để giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận, dễ dàng triển khai dự án.
Chính phủ và chính quyền địa phương nghiên cứu chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng bằng nguồn tài chính ứng trước của nhà đầu tư. Và nhà đầu tư sẽ nhận hoàn lại tiền bằng hình thức đối trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế Thu nhập cá nhân. Ngân hàng Nhà nước cần có quy định để tách nhà ở xã hội ra khỏi room bất động sản.…
Tập đoàn APEC đánh giá, giá nhà tại Việt Nam nếu so sánh trên cơ sở thu nhập đầu người, cao hơn so với nhiều nước. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng giá căn nhà thấp nhất cũng từ 1 – 1.2 tỷ đồng. Với mức giá này thì một gia đình trẻ phải tiết kiệm trong thời gian từ 20 năm - 25 năm. Nếu so sánh số năm tiết kiệm để một hộ có thể mua nhà thì Việt Nam cao hơn so với nhiều nước khác như tại Châu Phi chỉ cần 7 – 9 năm…
Trước thực trạng đó, Tập đoàn APEC mong muốn sẽ tạo ra một động lực lớn thu hút các nhà đầu tư tham gia chung tay cùng chính phủ giải quyết các vấn đề của xã hội. Bởi vậy, doanh nghiệp này đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ một số nội dung.
Cụ thể, Tập đoàn APEC muốn thành lập Tổng công ty với tổng vốn điều lệ ban đầu khoảng 10.000 - 20.000 tỷ đồng, phần còn lại sẽ huy động từ các tổ chức như ngân hàng, định chế tài chính trong và ngoài nước, từ các đối tác, nguồn lực của xã hội với quy mô từ 50.000 - 100.000 tỷ và sẽ tăng lên phù hợp với mỗi thời kỳ đầu tư.
Mục tiêu của Tập đoàn APEC sẽ đầu tư và phát triển từ 6 - 10 triệu "căn hộ nhà ở xã hội 5 sao" trong giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, từ 2021 - 2025 hoàn thành 2 - 4 triệu căn hộ, từ 2026 - 2030 hoàn thành 4 - 6 triệu căn hộ.
Tập đoàn APEC muốn là đơn vị tiên phong đầu tư các khu nhà ở xã hội thành những khu đô thị nhà ở xã hội 5 sao hoặc tốt hơn nữa là có thể đầu tư lên thành các Khu đô thị nhà ở an sinh xã hội 5 sao với quy mô lớn, đáp ứng 5 tiêu chí gồm: Chất lượng cao, thẩm mỹ đẹp, sinh thái, thông minh, tiện ích đầy đủ.
Về giá bán, Tập đoàn APEC sẽ tập trung vào các sản phẩm căn hộ có diện tích căn hộ từ 25 - 70 m2/căn, giá tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khoảng 13 - 16 triệu đồng/m2, các thành phố còn lại khoảng 9 - 14 triệu đồng/m2. Với chính sách ưu đãi thanh toán linh hoạt, người dân chỉ cần 30% giá trị căn hộ để sở hữu căn hộ, 70% giá trị còn lại được hỗ trợ vay vốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính với thời hạn 10 - 20 năm.
Nhằm thực hiện mục tiêu trên, Tập đoàn APEC cho biết hiện đang làm việc với cơ quan chức năng tại Cần Thơ, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, do đó doanh nghiệp này mong muốn Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với các địa phương trên để các dự án sớm được triển khai.