Phố chẳng có gì mới, nhà tăng hơn 10 tỷ đồng và hệ lụy khủng khiếp đằng sau

02/02/2022 11:01

Giá bán bất động sản bị đẩy lên quá cao thì kéo theo sau đó là hệ lụy đối với việc sản xuất kinh doanh khi chi phí thuê mặt bằng quá lớn.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Bất động sản tăng phi mã, doanh nhân trăn trở

Mới đây, một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực start up, đồng thời là nhà sáng lập một chuỗi không gian làm việc nổi tiếng ở Hà Nội đã chia sẻ sự trăn trở của anh về tốc độ tăng giá bán bất động sản "chóng mặt" thời gian qua. Năm 2018, một căn nhà cạnh nhà anh được rao bán với giá 32 tỷ đồng nhưng vừa qua, ngôi nhà được bán 43 tỷ đồng.

"Có một điều mình luôn thắc mắc là trong 3 năm vừa rồi phố nhà mình vẫn y nguyên, không có một cái gì thay đổi, thành phố cũng ko làm gì mới trong khu vực này, không đường mới, không hạ tầng mới, vậy tại sao miếng đất đó lại tăng đến hơn chục tỷ đồng", anh tỏ ra băn khoăn.

Tuy nhiên, mức tăng này chưa là gì so với tốc độ tăng khủng khiếp của đất nền, biệt thự, liền kề các quận nội thành Hà Nội qua khảo sát của Dân trí. 

Theo khảo sát, tại nhiều khu vực ở Hà Nội, cơn sốt biệt thự, liền kề, shophouse... khiến giá nhiều căn tăng cao gấp đôi chỉ sau một vài năm. Những lo ngại về những đợt tăng giá khác khi thị trường còn nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả trước tác động của dịch bệnh, dòng tiền càng chảy mạnh hơn vào kênh tài sản... đã xuất hiện. 

Phố chẳng có gì mới, nhà tăng hơn 10 tỷ đồng và hệ lụy khủng khiếp đằng sau  - 1

Không ít tiểu thương tháo chạy vì... giá mặt bằng cả trăm triệu đồng/tháng (Ảnh: N.M).

Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, giá rao bán nhà riêng, nhà mặt phố tiếp tục tăng trong năm 2021. Tại Hà Nội, giá rao bán nhà riêng tăng 12%, nhà mặt phố tăng 16% so với năm 2020. Cụ thể, giá rao bán nhà riêng đạt mức khoảng 200 triệu đồng/m2 tại quận Hoàn Kiếm, trên 180 triệu đồng/m2 tại quận Ba Đình và Cầu Giấy, trên 160 triệu đồng/m2 tại quận Tây Hồ. Giá rao bán nhà mặt phố vào khoảng 550 triệu đồng/m2 tại quận Hoàn Kiếm và 400 triệu đồng/m2 tại quận Ba Đình.

Tại TPHCM, giá rao bán nhà mặt phố vào khoảng 550 triệu đồng/m2 tại quận 1 và 450 triệu đồng/m2 tại quận 3; giá rao bán nhà riêng tăng 2%, nhà mặt phố tăng 8% so với năm 2020. Trong đó, giá rao bán nhà riêng đạt mức khoảng 220 triệu đồng/m2 tại quận 1, trên 200 triệu/m2 tại quận 3 và các quận trung tâm.

Hệ lụy là gì?

Trở lại với câu chuyện của doanh nhân kể, khi ngôi nhà chỉ sau 2 năm tăng giá lên tới hơn chục tỷ đồng, vậy thì xuất phát từ lý do gì khi mà hạ tầng và mọi thứ không thay đổi?

Theo vị này, khi bất động sản tăng giá phi mã mà không do một ai xây dựng thêm một giá trị gì vào nó thì "thực sự nguy hiểm". Nhiều người "ngợp" và lao theo cơn sốt bất động sản thì "giá đất" ngày càng phi mã mặc dù giá trị thì vẫn nguyên xi.

"Thế có nghĩa là gì? Có nghĩa là các bạn đang lấy đi cơ hội của chính mình và con cháu mình trong tương lai. Con cháu bạn có thể sẽ trở thành Steve Jobs, làm ra được những thứ như Apple trong tương lai nếu mảnh đất nó sẽ dùng làm nhà máy sản xuất chỉ có 100 tỷ đồng. Nhưng bạn đã góp phần vào việc đẩy giá nó lên đến 1.000 tỷ đồng mất rồi. Và thế là sẽ không còn làm nhà máy được nữa vì giá thành sản xuất sẽ rất cao, sản phẩm tạo ra không cạnh tranh được", vị doanh nhân bùi ngùi.

Vị doanh nhân cho rằng hạ tầng là cái cần phải làm để xã hội phát triển, khi hạ tầng được nâng cấp thì giá trị sử dụng đất sẽ lên, mọi người có thể tạo ra nhiều giá trị trên mảnh đất đó hơn. Còn việc kinh doanh bất động sản rồi nâng giá đất kiếm lời thì sẽ tước đi cơ hội của tương lai.

Nói với Dân trí, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cũng đầy lo âu khi nhắc tới việc giá bất động sản tăng quá mạnh hiện nay. Ông Lâm cho biết khi giá bán bất động sản bị đẩy lên quá cao thì kéo theo sau đó là hệ lụy đối với việc sản xuất kinh doanh khi chi phí thuê mặt bằng quá lớn.

GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cũng cho biết thời gian qua giá bất động sản tăng cao nhanh chóng một cách bất thường chính là sự tích tụ "bong bóng".

Một vấn đề quan trọng, theo ông Võ, khi giá cứ cao như vậy, việc tiếp cận sử dụng đất sau đó của người muốn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ cực kỳ khó khăn vì giá thuê quá cao. Mua đắt thì cho thuê cũng phải đắt.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình. Theo ông, mua giá cao thì dẫn đến việc cho thuê đắt đó. Giá bất động sản cứ tăng cao "chóng mặt" như vậy lâu dài rất ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thực tế thời gian qua, không ít người buôn bán "méo mặt" khi kinh doanh vẫn ế ẩm nhưng chủ nhà đã đòi tăng lại tiền cho thuê sau khi giảm, thậm chí còn muốn tăng thêm tiền cho thuê. Lý do nhiều chủ nhà đưa ra, đó là giá bán tăng thì giá thuê cũng phải tăng.

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải có những chính sách khả thi, công cụ quản lý để kiểm soát chặt thị trường bất động sản, không để xảy ra tình trạng đầu cơ nhà, đất. Thêm vào đó cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thông tin phát triển đô thị và dân cư... để loại bỏ những cơn sốt đất ảo, gây nhiễu loạn thị trường. Về lâu dài, cần có biện pháp ngăn chặn việc trốn thuế trong giao dịch bất động sản, có chính sách hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ đất...

Theo Nguyễn Mạnh/Dân Trí