Nhiều địa phương ra văn bản dồn dập, liệu có chặn được "sốt đất” ảo?

28/12/2021 11:22

Tình trạng “sốt đất” ảo đã tạo ra không ít biến động cho thị trường bất động sản…

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.
 

Gần đây, nhiều địa phương đã cấp tốc ban hành văn bản chấn chỉnh tình trạng vi phạm về đất đai, cảnh báo “sốt đất” ảo.

1001 NGUYÊN NHÂN “SỐT ĐẤT”

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh có tình trạng mua đất nông nghiệp chừa đường đi rồi thực hiện thủ tục chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở, tạo ra các điểm dân cư nhỏ, lẻ không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới được duyệt.

Riêng tại thị xã Đức Phổ đã có 397 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cho phép từ cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, có 381 trường hợp tự ý chuyển mục đích đất nông nghiệp để làm nhà ở và 16 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất để dùng vào mục đích khác.

Nhằm siết chặt việc mua đất nông nghiệp, mở đường rồi chuyển sang đất ở, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Công văn số 6917 (ngày 20/12/2021) về việc quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 24/12/2021, UBND tỉnh này cũng đã phát đi văn bản yêu cầu đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn để không xảy ra việc đầu cơ, “sốt đất” ảo ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Văn bản của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được ban hành từ thực tế trong 02 tháng qua giá đất tại các khu vực: Lan Anh 1, Thanh Sơn, Memori, khu Hương lộ 10, khu tái định cư 30/4… được rao bán với mức giá từ 1,8-2,5 tỷ/lô đang trở thành hàng “hot”. Các khu vực thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc cũng bất ngờ “sốt” lại với đất sào (từ 1.000m2 trở lên), đất phân lô biệt thự (từ 300m2 trở lên)… Đặc biệt, đất tại khu vực thị xã Phú Mỹ được rao bán dày đặc trên các trang bất động sản, như: Nhà đất giá rẻ, Bất động sản Bà Rịa-Vũng Tàu…

Tình trạng “đất nóng” cũng xảy ra tại tỉnh Khánh Hoà, đặc biệt tại huyện Cam Lâm và thị xã Ninh Hoà đã khiến 02 địa phương này phải ban hành văn bản tạm dừng tách thửa, chuyển đổi mục đích, chuyển quyền sử dụng đất.

Tại khu vực Ninh Phú, thị xã Ninh Hoà, giá đất thổ cư đã tăng từ 04-05 triệu đồng/m2 lên 08 -15 triệu đồng/m2. Các khu vực như tỉnh lộ 05, tỉnh lộ 08, giá đất trồng cây lâu năm trước đó từ 14 -21 triệu đồng/mét ngang giờ tận dụng “sốt đất” mà chủ “hét” giá lên 60 - 110 triệu đồng/mét ngang.

UBND thị xã Ninh Hòa đã cấp tốc ra Thông báo số 5275 về việc tạm dừng tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 10/12/2021 cho đến khi Quy hoạch sử dụng đất 2021- 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của thị xã Ninh Hòa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại huyện Cam Lâm, trước thông tin huyện này được định hướng nghiên cứu điều chỉnh mục tiêu phát triển trở thành “vùng đô thị sân bay hiện đại”, giá đất tại đây bắt đầu tăng từ tháng 11/2021 với mức 30 - 50%. Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Khánh Hòa cho biết, các lô đất nền ven đầm Thủy Triều giữa năm 2020 có giá từ 11 - 12 triệu đồng/m2, nay đã tăng hơn 16 triệu đồng/m2. Bất chấp giá tăng mạnh, nhiều nhà nhà đầu tư vẫn mua với kỳ vọng khi các “đại bàng” triển khai dự án giá đất sẽ tăng gấp 2 - 3 lần.

Theo đó, UBND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, đã ban hành văn bản số 5407 (ngày 16/12/2021) về việc  tạm dừng tiếp nhận hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép diễn ra ồ ạt “ăn theo” sân bay Long Thành, đã khiến lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có buổi làm việc với các sở, ngành trên địa bàn, vào ngày 19/11/2021, để chấn chỉnh hoạt động này.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, tổng số vi phạm về đất đai, xây dựng tại Đồng Nai là 1.081 trường hợp, trong đó phân lô bán nền có 94 trường hợp, đa số tập trung ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Có 388 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, tập trung ở các huyện: Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Thành.

Để ngăn các hoạt động môi giới, tạo “cơn sốt đất” ảo quanh sân bay Long Thành, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đã đề nghị UBND huyện Long Thành chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền, Công an xã Lộc An giải quyết tình trạng môi giới đất ảo gần khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Đối với khu vực miền Trung cũng không nằm ngoài vòng xoáy khi giá đất cũng được đẩy tăng cao.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh ban hành văn bản chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép và tăng cường quản lý đất đai, khi nhận thấy hiện tượng giá đất lần đầu tiên tăng chóng mặt ở một số địa phương, như: Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Can Lộc…

Tình trạng nhiều hộ gia đình, cá nhân tự ý chia nhỏ thửa đất ở, đất vườn ao liền kề đất ở, đất trồng cây lâu năm để thực hiện phân lô, tặng cho, chuyển quyền sử dụng đất. Do đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh phát cảnh báo đến người dân không chạy theo cơn “sốt đất” ảo rồi vay tiền đầu tư.

Giá đất cũng tăng chóng mặt tại tỉnh Quảng Trị. Nếu như trước đây giá đất ở các khu đô thị mới tại TP. Đông Hà chỉ 13 - 15 triệu đồng/m2, nay đã ở ngưỡng 40 – 70 triệu đồng/m2, theo một lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị.

Trước dấu hiệu “sốt ảo” của  thị trường bất động sản, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nhận định giới đầu cơ, cò đất làm thị trường phát triển không ổn định, khiến giá đất bị đẩy lên cao quá so với giá trị thật…

PHẢI CÔNG KHAI QUY HOẠCH

Thực tế, những khu vực có quy hoạch sử dụng đất trung dài hạn đã xảy ra tình trạng “sốt đất”, do sự kỳ vọng của nhà đầu tư về giá đất tăng theo cơ sở hạ tầng. Nhưng khi quy hoạch chưa công bố rõ ràng, cùng với sự điều chỉnh quy hoạch liên tục là cơ sở để giới đầu cơ tạo ra các “cơn sốt” ảo.

Ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa, cho biết ngoài các dự án “ma” hình thành trong thời gian qua tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà, mới đây một số cá nhân, doanh nghiệp sử dụng “chiêu trò” tung tin trên mạng xã hội về việc “đại bàng” đến Cam Lâm đầu tư làm “sốt đất” ảo.

Bộ Xây dựng đã có công văn số 4363/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên công thông tin điện tử: www.quyhoach.xaydung.gov.vn. Vì đến nay, các địa phương đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch, nhưng vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế.

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc lập lờ thông tin quy hoạch chính là một trong những nguồn cơn của các đợt “sốt đất” ảo diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

“Thông tin quy hoạch không được công bố hoặc công bố thiếu đầy đủ đã tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng quy hoạch để "tạo sóng," gây “sốt đất ảo”, làm rối loạn thị trường” ông Tùng nói.

Để chặn tình trạng “sốt đất ảo”, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề mấu chốt là chính quyền phải công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án… để người dân, doanh nghiệp nắm rõ.

Một chuyên gia bất động sản cho rằng cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu địa phương, các đơn vị chức năng khi các thông tin quy định về quy hoạch không được công khai, minh bạch, dẫn đến các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch để “thổi giá” bất động sản.

“Cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về sở hữu nhà đất theo hướng đánh thuế cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng mang dấu hiệu đầu cơ, lướt sóng và đánh thuế tài sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất, ổn định thị trường bất động sản”, vị chuyên gia trên nói.

Theo Ban Mai/ Nhịp sống Kinh tế