Có một xu hướng mới bùng nổ ở Hàn Quốc, đất nước được thế giới biết đến bởi K-Pop, mỹ phẩm làm đẹp công nghệ cao và bộ phim "Ký sinh trùng". Hiện tại, tranh vẽ và tác phẩm điêu khắc đang trở nên nóng hổi.
Sự bùng nổ của thị trường nghệ thuật
Một số sự quan tâm gia tăng có thể chỉ là chạy theo xu hướng nhất thời, được thôi thúc bởi mong muốn sở hữu một thứ đẹp đẽ, thêm ‘gia vị’ cho ngôi nhà. Nhưng có một động lực tài chính lớn hơn khiến xu hướng này trở nên vững chắc: Đó là thuế.
Trong nỗ lực hạ nhiệt thị trường nhà ở đang sục sôi, chính phủ đã tăng thuế đối với các chủ sở hữu nhiều bất động sản, đồng thời thắt chặt quy định khoản vay bất động sản. Người mua bất động sản cũng phải đối mặt với tiền thu thuế và thuế lãi vốn từ việc bán nhà.
Giới chức sẽ bắt đầu áp thuế thặng dư tăng vốn (thuế dựa trên chênh lệch dương giữa giá mua và giá bán tài sản) lần đầu tiên đối với tiền điện tử và giao dịch chứng khoán lần lượt vào năm 2022 và 2023.
Trái lại, các tác phẩm nghệ thuật trị giá dưới 60 triệu won (51.000 USD) được miễn thuế thặng dư vốn. Đối với những tác phẩm có giá cao hơn, 22% thuế sẽ được đánh trên tối đa 20% giá bán và không có khoản thu đối với giao dịch liên quan đến tác phẩm của các nghệ sĩ còn sống ở trong nước.
Tóm lại, những thay đổi trên đã thúc đẩy giới nhà giàu Hàn Quốc, những người trước đây đang xây dựng sự giàu có từ bất động sản, chuyển sự tập trung sang một lĩnh vực khác.
Jemma Lee, 52 tuổi, là một trong số nhà đầu tư như vậy. Cho đến năm nay, bà đã dành khoảng 300 triệu won để mua 5 bức tranh và 2 bức điêu khắc, tăng 50 triệu won so với số tiền bà chi cho bộ sưu tập nghệ thuật đầu tiên năm 2019.
Bà nói: "Kể từ khi chính phủ đương nhiệm tiếp quản, tôi đã biết mọi người sẽ tranh nhau tìm các khoản đầu tư thay thế, vì việc kiếm tiền từ thị trường bất động sản sẽ vô cùng khó khăn. Ngay sau đó, tôi tìm thấy thị trường nghệ thuật và ngay lập tức bị thu hút bởi thuế thấp. Điều này dường như là mơ vậy".
Kể từ khi bắt đầu sưu tập, bao gồm các tác phẩm của Sarah Lucas, Emily Mae Smith và Kim Hun Kyun, bà Lee đã kiếm được khoảng 65 triệu won lợi nhuận từ việc bán các tác phẩm.
Bà Lee cho biết ban đầu, nó chỉ giống như một khoản đầu tư thay thế, nhưng bà bắt đầu đánh giá cao thị trường nghệ thuật. "Mặc dù tôi thích thú với việc sưu tầm, nhưng tôi vẫn nghĩ tác phẩm nghệ thuật là một tài sản tuyệt vời cho phép bạn làm giàu".
Theo các nhà phân tích trong nước, bao gồm Aif Art Management, tổng doanh số bán các tác phẩm nghệ thuật được dự báo đạt mức cao kỷ lúc là 500 tỷ won (422 triệu USD) trong năm 2021, tăng 31% so với năm 2019. Cơ quan Quản lý Nghệ thuật Hàn Quốc do chính phủ điều hành cho biết doanh số bán đấu giá cũng vượt qua tổng số của 6 tháng đầu năm 2020.
Yếu tố quốc tế
Nền nghệ thuật Hàn Quốc cũng được thúc đẩy từ các tổ chức nghệ thuật quốc tế, những người đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động của họ. Phần vì không có thuế giá trị gia tăng, thị trường nghệ thuật Hàn Quốc trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Kim Yoonsub, giám đốc điều hành tại Aif, cho biết: "Hàn Quốc đang nổi lên như một điểm nóng tiếp theo của châu Á về nghệ thuật sau Hồng Kông, được thúc đẩy bởi nhu cầu khổng lồ từ các cuộc đấu giá và hội chợ nghệ thuật. Chúng tôi thấy các nghệ sĩ nổi tiếng muốn giới thiệu tác phẩm của họ ở đây".
Điều đó sẽ đưa Hàn Quốc vượt lên các quốc gia khác trên toàn cầu. Theo một báo cáo triển vọng từ công ty tư vấn ArtTactic, sau năm 2020 tồi tệ, doanh số bán các tác phẩm nghệ thuật đang tăng trở lại ở nhiều khu vực. Thị trường ở hầu hết các quốc gia, bao gồm Mỹ và châu Âu, khó có thể trở lại mức cao như trước đại dịch.
Cung cấp theo từng phần nhỏ
Không phải những người nhà giàu lớn tuổi mới bị thu hút bởi các tác phẩm nghệ thuật.
Sở hữu theo từng phần, nơi mà bức tranh được phân chia thành những phần nhất định và được bán ra, đang phát triển và phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Hàn Quốc, nơi có hàng loạt các công ty khởi nghiệp xuất hiện.
Đó là cách mà Ro Seung, 38 tuổi, sở hữu một phần tác phẩm của họa sĩ nổi tiếng Banksy và Warhol. Cô nói: "Tôi luôn có tình yêu đối với nghệ thuật, và tôi khá thích thú khi được sở hữu, dù là phần nhỏ của Banksy. Để nghệ thuật và đầu tư song hành, tôi thấy bạn phải yêu cả hai để thực sự trải nghiệm nó".
Cô đã đầu tư khoảng 400 USD cho 4 bức tranh, bao gồm "Choose Your Weapon" của Banksy và "Dollar Sign" của Warhol.
Cần thận trọng
Các chuyên gia cảnh báo rằng việc định giá các tác phẩm nổi tiếng là hay thay đổi và không có bất kỳ bức tranh nào có thể xác định được bao lâu nó sẽ bán được. Điều đó có nghĩa là người đầu tư không nên bỏ ra số tiền mà họ có thể cần lấy lại ngay.
Jason Haam, chủ sở hữu phòng tranh ở Seoul, nói rằng anh ấy cũng lo ngại rằng sự bùng nổ có thể vượt tầm kiểm soát. Cần phải đảm bảo rằng các nghệ sĩ tiếp tục tạo ra các tác phẩm chất lượng, đồng thời đảm bảo con đường lâu dài cho người mua mới để phát triển bộ sưu tập thay vì nhanh chóng chia thành từng mảnh để bán kiếm lời.