Nếu dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân chậm tiến độ, mỗi ngày Việt Nam phải bồi thường 1 triệu USD

15/09/2021 06:30

Dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân nếu chậm tiến độ, mỗi ngày phía Việt Nam phải bồi thường 23 tỷ đồng, chậm 6 tháng mất 5.000 tỷ đồng.

Đã bật chế độ hỗ trợ trình đọc màn hình.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, theo hợp đồng BOT Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 đã được ký kết, dự án đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân để giải tỏa công suất cho nhà máy phải hoàn thành trong tháng 12/2022.

EVN nhấn mạnh, "Nếu dự án chậm tiến độ, mỗi ngày phía Việt Nam phải bồi thường số tiền 1 triệu USD (tương đương khoảng 23 tỷ đồng). Còn nếu dự án truyền tải trên chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phía Việt Nam phải bồi thường lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu quá 6 tháng, hợp đồng BOT Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại nhà máy".

Bên cạnh giải toả công suất cho nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân còn có nhiệm vụ giải toả công suất cho nhà máy thuỷ điện tích năng Bắc Ái và các nguồn năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà...

Phía EVN cho hay, để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán điện, cũng như thực hiện nghĩa vụ của phía Việt Nam theo hợp đồng BOT của Dự án BOT Vân Phong 1, EVN và Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án trong tất cả các giai đoạn từ chuẩn bị đầu tư, đấu thầu, giải phóng mặt bằng.

"Song, quá trình thẩm tra, phê duyệt thủ tục đầu tư dự án của các cơ quan có thẩm quyền ngoài EVN bị kéo dài, do vậy dự án mới được khởi công vào tháng 7/2021. Mặc dù đã được khởi công, nhưng dự án còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm có giải pháp tháo gỡ".

Nếu dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân chậm tiến độ, mỗi ngày Việt Nam phải bồi thường 1 triệu USD - Ảnh 1.

Ảnh: EVNNPT

Trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đến nay vẫn còn 120/172 vị trí móng (tỷ lệ gần 70%) trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà và 128/132 vị trí móng (gần 97%) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công.

Theo thiết kế, tại Khánh Hoà có 117 vị trí móng cột nằm trên đất rừng (46 vị trí móng nằm trên đất rừng tự nhiên và 71 vị trí móng nằm trên đất rừng trồng). Tại tỉnh Ninh Thuận có 27 vị trí qua rừng tự nhiên, 14 vị trí qua rừng trồng phòng hộ.

Tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa đã ban hành thông báo thu hồi đất cho dự án. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các thủ tục thực hiện tiếp theo về công tác giải phóng mặt bằng đang tạm dừng, trong đó nhiều huyện chưa lập và ban hành được giá đất cụ thể, chủ trương mức hỗ trợ đất trong hành lang tuyến cũng chưa được UBND các tỉnh ban hành.

Hơn nữa, khó khăn lớn khác mà EVN đang gặp phải là việc chọn nhà thầu xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị. Do ảnh hưởng của Covid-19, giá nguyên vật liệu, vật tư thiết bị, chi phí nhân công... đều tăng cao.

Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận vào hai ngày 9 - 10/9, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân đã kiến nghị UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận chỉ đạo việc hoàn thành từng thủ tục pháp lý trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, để bàn giao tất cả các vị trí móng và mặt bằng trạm của dự án chậm nhất là 30/12/2021, bàn giao hành lang an toàn lưới điện chậm nhất là tháng 6/2022.

EVN cũng kiến nghị các địa phương thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại các tỉnh và các huyện liên quan để tập trung chỉ đạo công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án trong thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022.

Cùng với đó, EVN kiến nghị UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi đối với rừng tự nhiên và trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển đổi đối với rừng trồng trong tháng 9 năm nay.

Yêu cầu các tỉnh có biện pháp xử lý dứt điểm với những trường hợp không chấp hành phương án bồi thường đã được phê duyệt hoặc cố tình cản trở thi công.

Sau kiến nghị của EVN, lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đều khẳng định và nhận thức rõ đây là dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước và của địa phương.

Chính vì thế, lãnh đạo 2 tỉnh đều cam kết sẽ chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh vào cuộc quyết liệt, tích cực vận động nhân dân bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đồng thời khẳng định, địa phương đặt quyết tâm cao nhất, hỗ trợ tối đa EVN để hoàn thành dự án này đúng tiến độ.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị