Trong những năm gần đây, liên tục các cơn sốt đất đổ bộ nhiều khu vực trên cả nước. Khi thị trường bất động sản sôi động, kéo theo là nhiều các nhà đầu tư tay ngang lao vào cuộc chiến “lướt sóng”. Theo đó, không ít người đã được hưởng lợi và giàu lên từ bất động sản.
Khi đã chốt lời thành công nhiều thương vụ dễ dàng, đến thời điểm hiện nay nhà đầu tư vẫn chưa muốn quay lại thị trường, bởi vẫn tiếp tục nghe ngóng thêm.
Anh Hoàng Hải vốn chỉ làm công việc kỹ sư xây dựng tại Hà Nội nhưng trong năm 2021 khi thấy được nhiều thông tin bất động sản ở khắp nơi đang có biến động mạnh theo chiều hướng đi lên. Cùng đó, chứng kiến nhiều người bạn của anh cũng giàu lên từ bất động sản, nên từ đầu năm 2021, anh Hải đã rút hết tiền tiết kiệm 3 tỷ đồng trong 7 năm của gia đình để đi “lướt sóng”.
“Nếu chỉ đi làm và tiết kiệm mà không đầu tư để có khoản tiền khác thì để tiền một chỗ rất phí, trong khi đó gia đình tôi gửi tiền ngân hàng thì lãi suất cũng chỉ 5 - 6%/năm, chưa tính lạm phát thì không khác gì chỉ là phương thức giữ tiền an toàn. Nhìn nhiều người bạn của tôi cũng đang giàu lên từ đất nên tôi cũng đi xem để tìm mua một mảnh đất. Với 3 tỷ đồng khi đó tôi đã mua được 1 mảnh đất 200m2 tại Bắc Giang”, anh Hải chia sẻ.
Trong năm 2021, liên tục nhiều cơn “sốt đất” đổ bộ vào thị trường bất động sản Bắc Giang, trong thời gian ngắn không ít người đã thắng đậm. Không ngoại lệ, anh Hải cũng là một trong số đó.
“Chỉ sau 6 tháng đầu tư, mảnh đất của tôi đã được định giá lên tới 4,2 tỷ đồng, tức 21 triệu đồng/m2, lãi 1,2 tỷ so với thời điểm xuống tiền. Thấy giá đất tăng nhanh tôi vội chốt bán mà không suy nghĩ. Phần vì cũng không am hiểu tường tận về bất động sản, nên thấy lãi là tôi bán”, anh Hải chia sẻ.
Sau khi bán đất tại Bắc Giang, anh Hải quyết định thu hẹp phạm vi nên đã lựa chọn Mê Linh (Hà Nội) để xuống tiền. Khi đó, mảnh đất anh mua có diện tích hơn 230m2, với giá 18 triệu đồng/m2, tại Tam Đồng (Mê Linh, Hà Nội) và dự tính sẽ “ôm hàng” trong dài hạn.
Tuy nhiên, cuối năm 2021, cùng thông tin trong tương lai Mê Linh sẽ được lên thành phố và loạt các tin tốt khác khiến giá đất khu vực cũng có biến động mạnh.
“Trước kia người ta vẫn nói, “làm cả đời không bằng tiền lời lô đất”, tôi không nhưng giờ thì tôi cho nó đúng. Đến cuối năm 2021, mảnh đất tôi mua đã lên giá 22 triệu đồng/m2, thấy có lãi tôi cũng chốt luôn. Tổng 2 mảnh đất này tôi đã lời hơn 2 tỷ đồng trong chưa đầy 1 năm. Từ đó tới giờ tôi vẫn liên tục theo dõi diễn biến thị trường và nghe ngóng thêm các thông tin mới. Tôi nghĩ rằng, đầu tư không nên quá vội vàng”, anh Hải chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hạnh - nhà đầu tư F0 tại Hà Nội cũng chia sẻ, trong năm 2021, với 3 thương vụ mua bán đất thành công chị cũng đã thu về 800 triệu đồng tiền lãi.
Thời điểm hiện tại chị Hạnh vẫn tiếp tục nghe ngóng thêm thông diễn biến thị trường mà chưa vội xuống tiền ngay.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định, sóng thì luôn có điểm thấp và điểm cao, hoặc điểm tiệm cận dưới và điểm tiệm cận trên.
"Đối với thị trường bất động sản Việt Nam, sau những đợt khủng hoảng về tài chính, kinh tế, dịch bệnh thì dường như sức nén về đầu tư sẽ được bung ra rất nhiều. Như chúng ta thấy, hiện tại dịch bệnh và các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất khó khăn, do vậy dòng tiền sẽ chảy vào khu vực chứng khoán. Trong khi đó, khu vực chứng khoán và bất động sản được xem là bình thông nhau", ông Khương nói.
Theo ông Khương, bất động sản vẫn là kênh đầu tư có nhiều cơ hội, bởi chứng khoán không phải ai đầu tư cũng thắng. "Đón sóng không dễ và không phải ai đầu tư cũng thành công", ông Khương nhấn mạnh.