Mới đây, Tỉnh Lâm Đồng đề xuất đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng để mở rộng sân bay Liên Khương đạt công suất 5 triệu lượt hành khách vào năm 2030.
UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp sân bay quốc tế Liên Khương từ cấp 4D lên cấp 4E, có hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đón được các máy bay lớn như Airbus A380, Boeing 787 và thêm một nhà ga quốc tế trên diện tích đất 340 ha.
Sân bay này sau khi được nâng cấp sẽ có công suất 5 triệu lượt hành khách đến năm 2030. Tổng mức đầu tư khoảng 4.320 tỷ đồng theo hình thức PPP, từ năm 2023 đến 2026.
Cảng hàng không Liên Khương thuộc thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 28 km. Sân bay hiện đạt cấp 4D, đón được tàu bay A320/A321, công suất thiết kế 2 triệu hành khách mỗi năm.
Sân bay có một đường hạ cất cánh dài 3.250 m, rộng 45 m, nhà ga hành khách rộng 1.000 m2. Năm 2019, thời điểm trước dịch, sân bay có 15 đường bay nội địa và quốc tế, đạt sản lượng là 2,1 triệu hành khách mỗi năm.
Cảng hàng không Liên Khương hiện đang khai thác 15 đường bay nội địa, quốc tế đi/đến: Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Phú Quốc; Bangkok (Thái Lan), Incheon (Hàn Quốc), Muan (Hàn Quốc), Lan Châu (Trung Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia) và là 1 trong 5 Cảng hàng không hoạt động có hiệu quả trong tổng số 22 cảng hàng không trên cả nước.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát thì năm 2019 lượt hành khách thông qua Cảng đạt 2.005.575 khách (vượt mức công suất thiết kế của nhà ga), sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 7.392 tấn, với tần suất khai thác từ 30-40 chuyến/ngày (vận tải hành khách tăng trung bình 30%/năm, vận tải hàng hóa tăng trung bình 32%/năm, số lần bay tăng trung bình 20%/năm).
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của Cảng hàng không Liên Khương hiện nay chưa theo kịp tốc độ phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại tăng cao người dân trong và ngoài nước.
Từ tình hình thực tế nêu trên cho thấy nhu cầu phát triển vận tải hàng không của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới là cần thiết và cấp bách, đặc biệt là phát triển các đường bay quốc tế đi/đến Cảng hàng không Liên Khương.