Đầu tháng 1/2022, thông tin về việc Tân Hoàng Minh "bỏ cọc" đất vàng tại Thủ Thiêm khiến cho thị trường dậy sóng. Dưới tác động của thông tin tiêu cực này, nhiều mã cổ phiếu liên quan đến ngành bất động sản đã lao dốc không phanh, giảm giá mạnh chưa từng có với nhiều phiên liền giảm sàn.
Một trong những mã từng hưởng lợi lớn nhất nhờ vụ đấu giá với giá "trên trời" của Tân Hoàng Minh tại Thủ Thiêm là CII của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM. Tuy nhiên, vụ "bỏ cọc" của Tân Hoàng Minh đã giáng một đòn nặng nề lên mã cổ phiếu này. Theo thống kê, đây lại là một trong mã bị bán mạnh nhất.
Cụ thể, CII đã bắt đầu chu kỳ tăng giá bắt đầu từ giữa tháng 7/2021. Ngày 14/7/2021, mã cổ phiếu này giao dịch ở mốc 15.700 đồng/cổ phiếu. Sau nhiều phiên tăng liên tục từ tháng 10/2021, và đặc biệt là 10 phiên tăng trần trong tháng 12/2021 và đầu 1/2022, CII đã leo lên đỉnh lịch sử, đạt 57.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/1/2022. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, mã cổ phiếu này đã tăng lên 368%, còn nếu so với hồi đầu năm 2021, CII đã tăng 270%.
Dự án BT “Đầu tư Hạ tầng Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện trục Bắc – Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm”.
Thế nhưng, vụ "bỏ cọc" của Tân Hoàng Minh đã khiến CII trong tháng 1 có đến 12/20 phiên giảm giá, trong đó có 10 phiên giảm sàn. Từ mức đỉnh 57.900 đồng, CII chốt phiên cuối cùng của tháng chỉ còn 28.000 đồng/cổ phiếu. Tính chung, trong tháng 1, CII mất gần 40% giá trị và mất đến gần 52% so với mức đỉnh giá.
Trước ngày CII giảm sàn, loạt lãnh đạo của doanh nghiệp này đã "thoát hàng" thành công. Trong tháng 11, ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII và ông Dương Quang Châu, Giám đốc phòng quản lý dự án hạ tầng CII đã lần lượt bán ra 393.000 và 180.000 cổ phiếu CII.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng ban Kiểm toán nội bộ bán ra toàn bộ gần 291.000 cổ phiếu CII đang nắm giữ (tương ứng 0,12% vốn) theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận thực hiện từ ngày 29/11 -16/12/2021.
Cổ đông lớn đến từ nước ngoài là VIAC (No.1) Limited Partnership đã bán ra 2,5 triệu cổ phiếu trong tháng 11/2021, bán ra 5,5 triệu cổ phiếu trong tháng 12, sau đó tiếp tục bán ra 5,5 triệu cổ phiếu trong ngày 4/1/2022. Cổ đông ngoại này tiếp tục đăng ký bán ra 5,5 triệu cổ phiếu CII từ ngày 10/1 đến 8/2022, nếu thành công sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 2,59% vốn.
Biến động giá cổ phiếu CII. Nguồn: Cafef.
Năm 2001 Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM đã được thành lập với ba cổ đông sáng lập là Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TPHCM (HFIU), nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), Công ty Sản xuất Kinh doanh Thương và Dịch vụ XNK Thanh Niên Xung Phong TPHCM (VYC) và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ TPHCM (INVESCO).
Ngày 18/05/2006 Công ty CII đã niêm yết 30 triệu cổ phiếu lần đầu tiên trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). BCTC hợp nhất quý 4/2021 của CII cho thấy doanh nghiệp này mức thua lỗ lên đến 375 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 lỗ hơn 31 tỷ đồng). Luỹ kế cả năm, doanh thu Công ty giảm phân nửa xuống còn 2.916 tỷ đồng, thua lỗ ròng luỹ kế hơn 341 tỷ đồng.
Theo giải trình, việc kinh doanh không khả quan của CII là do tình hình Covid-19, giãn cách xã hội gây ảnh hưởng đến lưu lượng xe lưu thông, làm giảm doanh thu thu phí các dự án cầu đường. Các dự án xây dựng cũng tạm ngừng hoạt động khiến doanh thu bất động sản... cũng giảm. Ngoài ra, đại dịch cũng khiến tiến độ thu tiền, trả nợ gặp khó khăn, chi phí lãi vay theo đó tăng mạnh so với cùng kỳ.