Xuất khẩu rau quả lấy lại đà tăng trưởng và tiềm năng rộng mở năm 2023

17/03/2023 12:22

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, đơn hàng sụt giảm, rau quả là một trong số ít mặt hàng nông sản chính có sự tăng trưởng ngay từ đầu năm 2023.

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng ấn tượng đầu năm

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 2/2023 đạt 323,8 triệu USD, tăng 53,1% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 564,95 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng tích cực trong 2 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực xuất khẩu giảm mạnh. Trong đó, trị giá xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc tăng trưởng tốt là yếu tố chính thúc đẩy ngành hàng rau tăng trưởng khả quan.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, việc Trung Quốc bỏ chính sách Zero-COVID đã giúp xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này lấy lại đà tăng trưởng.

Chia sẻ với VTV, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Chúng ta đã ký được một số nghị định quan trọng như nghị định xuất khẩu sầu riêng chính thức, xuất khẩu chuối, trúng vào Tết Nguyên đán thị trường Trung Quốc tiêu thụ rau quả tăng mạnh".

Trung Quốc hiện là thị trường chính chiếm đến 57% tổng kim ngạch, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu.

"Cần hết sức linh hoạt, nhạy bén trong việc nghiên cứu thông tin về thị trường, nhu cầu của thị trường để xem thị trường cần sản phẩm chất lượng như thế nào, mẫu mã ra sao thì tính toán điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường", bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương khuyến cáo.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau củ năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD, tăng 20% so với năm ngoái và phần tăng thêm này hoàn toàn khả thi nếu xuất khẩu sầu riêng đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, với các mặt hàng, các thị trường mới mở ra thông qua những Nghị định thư, cũng như 15 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả dự báo xuất khẩu mặt hàng này sẽ bùng nổ và đạt 4 tỷ USD trong năm 2023, tăng 20% so với năm 2022.

Tiêu dùng & Dư luận - Xuất khẩu rau quả lấy lại đà tăng trưởng và tiềm năng rộng mở năm 2023

Rau quả là một trong số ít mặt hàng nông sản chính có sự tăng trưởng ngay từ đầu năm. Ảnh: TTXVN.

Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả trong năm 2023, một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải nhanh chóng thích nghi và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mới về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định của từng quốc gia; mở rộng cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho nhiều mặt hàng...

Hiện ngành hàng rau quả cũng đang tận dụng ngày một tốt hơn lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…, nên cơ hội xuất khẩu rau quả sang các thị trường lớn như châu Âu, Vương quốc Anh, Australia, New Zealand… đang rộng mở. Vấn đề quan trọng hiện nay đối với ngành hàng là nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng thị trường.

Tích cực cơ cấu sản xuất để nâng tầm nông sản Việt

Thông tin trên báo Chính Phủ, trước đó tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 13/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết để thúc đẩy xuất khẩu, ngành nông nghiệp cần tiếp tục tập trung tái cơ cấu sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, nhất là Trung Quốc.

Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt là trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu đối với trái cây khá lớn. Đặc biệt, việc xuất khẩu phải gắn với vùng trồng, gắn với cơ sở đóng gói; mỗi vùng trồng đều gắn với sản lượng và diện tích, nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu. Cùng với đó, việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan.

"Thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất mong doanh nghiệp ngành rau quả tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần kiên trì để duy trì thị trường và luôn luôn phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vì đây là yếu tố sống còn để chúng ta giữ được thị trường", ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh.

Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn đề nghị doanh nghiệp cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần kiên trì để duy trì thị trường và luôn luôn phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vì đây là yếu tố sống còn để chúng ta giữ được thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 12 năm 2022 ước đạt 280 triệu USD; giá trị xuất khẩu rau quả cả năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD, giảm 5,9% so với năm 2021.

Trúc Chi (t/h)