TP HCM khởi công dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng

21/03/2023 16:07

Dự án có tổng mức đầu tư vào khoảng 8.200 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách. Trong đó vốn trung ương 4.000 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn của thành phố, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Sáng 23/2, UBND TP HCM cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP tổ chức lễ khởi công Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).

Dự án đi qua địa bàn 7 quận, huyện. Theo đó, sẽ xây dựng tuyến kè bờ kênh tổng chiều dài tuyến 63,11 km; nạo vét kênh với chiều dài tuyến kênh 31,46 km, bề rộng đáy kênh từ 30m trở lên đoạn từ cảng Phú Định đến cầu Trường Đai và trên 40m đoạn từ cầu Trường Đai đến sông Sài Gòn.

Cùng với cải tạo tuyến kênh, dự án sẽ hình thành đường giao thông hai bên bờ kênh với tổng chiều dài 63,41 km, bề mặt đường rộng từ 7 - 12m (chủ yếu là 12m), vỉa hè rộng trên 3m. Ngoài ra, xây dựng 12 bến thuyền và 3 cầu giao thông dọc tuyến; các nút giao thông cùng các công trình thoát nước, chiếu sáng, cây xanh…

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045.

Trước đó, năm 2002, giai đoạn 1 của dự án đã giải phóng mặt bằng, thi công nạo vét kênh thông tuyến dòng chảy, đắp bờ đất hai bên kênh, xây dựng các cửa xả thoát nước tại một số rạch nhánh và và bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau đó, dự án bị ngưng trệ nhiều năm nay.

Đến nay, giai đoạn 2 dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên mới tiếp tục được khởi công. Dự kiến hoàn thành năm 2025 với mục tiêu cải thiện môi trường, kết nối giao thông, thoát nước cho gần 15.000 ha với hơn 2 triệu dân trong khu vực.

Dự án hoàn thành có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khu vực 14.900 m2, chống ngập và giải quyết ô nhiễm môi trường quanh khu vực, tăng cường kết nối giao thông đường bộ cho trục Bắc - Nam, khơi thông lại giao thông thủy kết nối các tỉnh miền Tây với vùng Đông Nam bộ.