Thị trường du lịch dịp 30/4, kỳ vọng cú hích cho nền kinh tế

16/03/2023 00:18

Các tín hiệu của ngành du lịch cho cao điểm mùa hè bắt đầu từ 30/4 – 1/5 đang được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế khi sức tiêu dùng tăng mạnh.

Khách đặt tour du lịch tăng mạnh

Trao đổi với Người Đưa Tin, một số doanh nghiệp lữ hành tại Tp.HCM cho biết, thị trường du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay “nóng” lên khá sớm do người dân được nghỉ dài ngày. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều khách hàng đã tìm hiểu, đặt tour dịp lễ 30/4 và 1/5.

BenThanh Tourist ghi nhận, số lượng khách hàng liên hệ tham khảo và đặt tour tăng tới 200% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượng khách hàng quan tâm tới tour nghỉ lễ 30/4 và 1/5 chiếm tỷ lệ lớn.

Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị và công nghệ thông tin, BenThanh Tourist, nhận định, khách được nghỉ lễ kéo dài nên có xu hướng chọn các tour du lịch dài ngày. Giá tour lễ tăng từ 10%-20% so với ngày thường, do hầu hết các dịch vụ đều tăng giá.

Hiện tại, thị trường khu vực Đông Nam Á gồm nhiều điểm đến quen thuộc được BenThanh Tourist bổ sung các điểm tham quan mới, một số chương trình tour có dịch vụ tặng kèm nhằm tăng thêm độ hấp dẫn và trải nghiệm cho du khách.

Thông tin từ Vinagroup Travel cũng cho thấy, lượng khách đặt tour đi nước ngoài tăng mạnh, đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90%, thậm chí có tour đã hết chỗ như Thái Lan, Hàn Quốc, Bali (Indonesia)…

Song song với các tour xuất ngoại, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing của TSTtourist cho hay, thị trường du lịch nội địa đưa khách đến khu vực biển đảo, các tỉnh Tây Nguyên, miền Bắc, miền Trung tiếp tục là những thị trường “nóng” dịp lễ 30/4 và 1/5.

Tiêu dùng & Dư luận - Thị trường du lịch dịp 30/4, kỳ vọng cú hích cho nền kinh tế

Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành du lịch tại TP.HCM, du khách năm nay có xu hướng đặt tour sớm. Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, rất đông khách đã liên hệ tham khảo đặt dịch vụ tour du lịch cho kỳ nghỉ lễ 30/4.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Klook Việt Nam, nhận định phân khúc du lịch nước ngoài bắt đầu sôi động trở lại. Với nhóm du khách Việt Nam, các điểm đến Đông Bắc Á là thị trường nhận được nhiều sự quan tâm.

"Trong những tháng đầu năm, chúng tôi ghi nhận số lượng đơn hàng của người Việt cho các sản phẩm du lịch tại khu vực Đông Bắc Á tăng đến 50% so với giai đoạn các điểm này vừa mở cửa trở lại", ông Hoàng cho biết.

Tương tự, bà Đoàn Thị Thanh Trà - Giám đốc tiếp thị và truyền thông, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ lữ hành Saigontourist thông tin, dự kiến trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, công ty sẽ phục vụ hơn 100.000 lượt khách. Đến nay, lượng khách đăng ký tour đã đạt được hơn 70% kế hoạch, trong đó có nhiều tour đã đủ chỗ. 

Tác động lan tỏa từ du lịch

Các chuyên gia kinh tế đều cùng quan điểm, bối cảnh du lịch toàn cầu thế giới phục hồi là cơ hội để du lịch Việt Nam không chỉ phục hồi mà còn phải trỗi dậy đột phá mạnh mẽ.

Tuy nhiên, để thu hút những thị trường cao cấp, ngành du lịch Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, như tăng thời gian lưu trú trung bình, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, sáng tạo trong sản phẩm trải nghiệm để từ đó tăng sức chi tiêu của khách.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng: "Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên phải nghĩ đến hiệu quả kinh tế, thu nhập cao từ khách. Nên khuyến khích những thị trường có khả năng đi du lịch dài ngày, khách có khả năng chi trả cao, từ đó tăng sức chi tiêu của khách, đóng góp vào tăng trương kinh tế".

Còn PGS.TS.Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế có góc nhìn, trong câu chuyện lỡ nhịp thị trường du lịch quốc tế 2022, một trong những lý do được dẫn nhiều nhất là nguồn khách phụ thuộc vào thị trường Đông Bắc Á.

Du lịch Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại câu chuyện này. Cần xem lại cấu trúc thị trường du lịch của chúng ta có vấn đề gì rủi ro hay không. Nếu những thị trường mang lại lượng khách rất lớn nhưng chất lượng khách không theo tiêu chí đẳng cấp cao nên được xem lại.

"Nếu muốn như vậy thì phải xác định rõ những cách thức để thu hút các thị trường du lịch khác. Đơn cử, thị thực có thể là yếu tố đầu tiên. Nếu chúng ta ưu tiên mở cho những thị trường khác, mở cho châu Âu, châu Mỹ thì dần dần sẽ thay đổi được cấu trúc thị trường du lịch", ông Trần Đình Thiên gợi ý.

Nói về tác động của ngành du lịch trong bối cảnh kinh tế hiện nay, chuyên gia này cho rằng du lịch là lĩnh vực có tác động lan tỏa, ý nghĩa xoay chuyển tình thế rất lớn mà những nút thắt thực ra không quá nhiều, không quá lớn, hoàn toàn trong tầm tay có thể giải quyết nhanh chóng.

“Du lịch càng bùng nổ, càng tạo động lực rất mạnh để kinh tế thoát được tình trạng khó khăn, giữ được thành tích mà chúng ta mong đợi trong chương trình phục hồi và phát triển sau đại dịch", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Giá vé máy bay “tăng nóng” cùng du lịch

Nhu cầu du lịch dịp 30/4 tăng cao khiến giá vé máy bay nhiều chặng cũng tăng vọt, nhất là các chặng từ Tp.HCM, Hà Nội đến các địa điểm du lịch như Phú Quốc, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt. Cụ thể, chặng Tp.HCM - Huế ngày 28/4 của Vietjet Air có giá gần 2 triệu đồng/vé/chiều (đã bao gồm thuế, phí), của Vietnam Airlines có giá 2,4 triệu đồng/vé/chiều, cao hơn ngày thường từ 1-1,4 triệu đồng/vé.

Chặng Tp.HCM - Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Hà Nội bay ngày 29/4 cũng có giá vé tương tự. Chặng Tp.HCM - Nha Trang bay ngày 29/4 của Vietjet Air có giá 1,3-1,7 triệu đồng/vé/chiều, của Bamboo Airways, Vietnam Airlines có giá 1,7-1,9 triệu đồng/vé/chiều.

Giá vé các chặng bay quốc tế cũng tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Chẳng hạn, chặng Tp.HCM - Singapore bay ngày 29/4 của hãng Malaysia Airlines có giá 3,7 triệu đồng/vé/chiều, của các hãng hàng không Việt Nam và Singapore Airlines, Scoot, Air Asia có giá 4-5 triệu đồng/vé/chiều, trong khi giá ngày thường chỉ khoảng 1-1,3 triệu đồng/vé/chiều.