Bất động sản 24h: Nhà đầu tư “quay xe” về trung tâm sau khi thắng tiền tỷ từ đất quê

Nhà đầu tư bất động sản “quay xe” về trung tâm sau khi thắng tiền tỷ từ đất quê; Nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá đất khi thị trường hạ nhiệt... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Những năm qua, thị trường bất động sản tại nhiều vùng nông thôn lên cơn sốt, kéo theo giá đất tăng cao. Nhà đầu tư dù đã lãi lớn nhưng vẫn “quay xe” về khu đô thị lớn đầu tư vì cho rằng sẽ an toàn cho dòng tiền.

Anh Công (một nhà đầu tư) chia sẻ, sau khi thu lời được mảnh đất đó, anh đã đầu tư về trung tâm Hà Nội, giữ an toàn cho số vốn.

“Theo tôi, Hà Nội đất chật, người đông, nhu cầu ở thực cũng sẽ cao, đây cũng là yếu tố bền vững trong đầu tư bất động sản để tránh rủi ro. Hơn nữa, hạ tầng hiện tại cũng đã hoàn thiện đáng kể. Do đó, tôi đã mang hết 3 tỷ đồng và vay thêm bạn bè 1 tỷ nữa để mua nhà trong ngõ rồi cho thuê. Căn nhà tôi mua nằm ở khu vực Cầu Giấy có diện tích 40m², đã xây dựng 5 tầng, tương đương 100 triệu đồng/m². Có thể lợi nhuận không tăng nhanh như đầu tư đất quê thời gian qua nhưng sẽ an toàn và vẫn thu được tiền thuê nhà hàng tháng”, anh Công chia sẻ.

Nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá đất khi thị trường hạ nhiệt

Sau thời gian thị trường bất động sản “sốt nóng”, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá đất. Chuyên gia cho rằng, đây có thể là chiêu trò của giới đầu cơ làm sóng thị trường.

Theo báo cáo của DKRA Việt Nam cho thấy, sự sụt giảm thanh khoản trên thị trường đất nền thứ cấp tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Đồng Nai. Nguyên nhân phần lớn đến từ động thái siết chặt tín dụng, kể cả những dự án đã có sổ từng nền.

Tại các tỉnh miền Trung, sau những phiên đấu giá đông nghẹt người tham dự với kết quả trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, thị trường nay còn lại những lô đất bị bỏ cọc, nằm chờ ngày được đưa ra đấu giá lại.

Đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch tăng tổng mức đầu tư thêm 1.600 tỷ

Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là hơn 6.955 tỷ đồng so với mức đầu tư ban đầu là hơn 5.329 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 1.600 tỷ đồng.

Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư là do sau cập nhật, chi phí giải phóng mặt bằng phát sinh từ hơn 624 tỷ đồng lên hơn 2.250 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng từ gần 476 tỷ đồng lên hơn 651 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng địa bàn TP.HCM tăng từ gần 149 tỷ đồng lên gần 1.600 tỷ đồng.

Trên cơ sở mức đầu tư được điều chỉnh, cơ cấu nguồn vốn dự án cũng được thay đổi. Trong đó, vốn vay ODA từ Quỹ EDCF của Chính phủ Hàn Quốc là 190,77 triệu USD. Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 2.779 tỷ đồng (trong đó, Ngân sách Trung ương hơn 529 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 2.250 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng).

Hà Nội thúc giải ngân đầu tư công, kết nối hạ tầng giao thông

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, góp phần kích thích tổng cầu, phát triển kinh tế - xã hội, TP. Hà Nội thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ.

Tại Hội nghị giao ban UBND thành phố quý I/2022, lãnh đạo thành phố yêu cầu, phấn đấu hết tháng 4/2022, tỷ lệ giải ngân toàn thành phố đạt 16% và cả năm phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022; hoàn thành giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

Như vậy qua 5 tháng, tỷ lệ giải ngân đã đạt trên 30%. Đây là tín hiệu tích cực. Dù vậy từ nay đến cuối năm, để đạt được kế hoạch đề ra còn trên 60% công việc phải làm. Thành phố đang khẩn trương chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, đảm bảo mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn.

Khách quan mà nói, một số dự án đầu tư công chuyển tiếp từ năm 2021 đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, GPMB làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, UBND TP cũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan như một số chủ đầu tư và đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong việc thực hiện công tác GPMB; một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, chưa làm đúng theo cam kết của với thành phố…

Siết chặt thuế chuyển nhượng bất động sản: Mới chỉ giải quyết phần ngọn

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành bảng giá đất 5 năm/lần và hàng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất. Theo đó, căn cứ vào bảng giá đất người mua bán nhà đất, bất động sản kê khai nộp các loại thuế, phí. 

Tuy nhiên, hiện tượng cố tình khai gian giá chuyển nhượng bất động sản để giảm mức thuế đã và đang tồn tại suốt thời gian qua. Người mua bán nhà đất, chuyển nhượng bất động sản luôn sử dụng mánh khóe để lách luật, trốn thuế thông qua giao dịch dân sự, lập hợp đồng thoả thuận bằng văn bản, bằng lời nói để chuyển nhượng bằng với bảng giá của UBND tỉnh quy định hoặc thấp hơn so với giá trị giao dịch thực tế. Việc kê khai thấp để bớt khoản thuế thu nhập cá nhân phải đóng là 2% trên tổng giá trị giao dịch.

Xuất phát từ nhiều giao dịch kê khai giá rất thấp với thực tế để né thuế, Bộ Tài chính đã siết chặt thu thuế nhằm giúp minh bạch kiểm soát giao dịch của các ngành, phục vụ quản lý giao dịch tài sản, bất động sản và quản lý thuế nói riêng. Cũng vì thế, hồ sơ kê khai thuế bị trả về khai lại hàng loạt.

Theo Bình Nguyên (tổng hợp)/Reatimes

Link nội dung: https://gocnhinbatdongsan.vn/bat-dong-san-24h-nha-dau-tu-quay-xe-ve-trung-tam-sau-khi-thang-tien-ty-tu-dat-que-a4425.html