Hét giá tiền tỷ mảnh đất quê
Tranh thủ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, vợ chồng chị Lê Thị Mai (Ba Đình, Hà Nội) đi tìm hiểu mua đất tại các khu vực ven Hà Nội vì nghe thông tin quy hoạch Vành đai 4, giá đất sẽ tăng trong tương lai. Với số vốn hơn 1,5 tỷ đồng, vợ chồng chị Mai đi săn đất ven đô ăn theo quy hoạch này để chờ thời. Điểm đầu tiên, vợ chồng chị lên Sóc Sơn, khu vực này trong tương lai là điểm đầu của Vành đai 4.
Được một số nhân viên môi giới tư vấn, vợ chồng chị Mai tới xem một số lô đất. Tuy nhiên, mức giá đưa ra đều khá cao, một số khu vực như xã Minh Trí, Thanh Xuân, Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) đã tăng khoảng 3-4 lần so với cách đây 1 năm. Cao nhất là những mảnh nằm dọc theo tuyến đường 35, có mức giá khoảng 30-40 triệu đồng/m2.
Không chỉ đất mặt đường mà các lô trong ngõ cũng đều tăng giá. Tại xã Minh Trí, một lô đất trong ngõ cụt, đường rộng 3 mét đang được chào bán với giá 8-9 triệu/m2. Gần đấy, một mảnh khác bám đường rộng hơn có giá 12-15 triệu/m2.
Chị Mai cho hay, giá đất ven đô tăng mạnh khiến vợ chồng chị giật mình. Qua tìm hiểu, chị biết được một số lô đất đã qua 4, 5 đời chủ mà vẫn tiếp tục tăng giá. “Nhân viên môi giới cho rằng, nếu so với các huyện khác mà đường Vành đai 4 dự kiến đi qua, giá đất Sóc Sơn vẫn còn rẻ. Giá đất nền Sóc Sơn chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2022”, chị Mai kể.
Một lô đất ở Minh Phú được rao với giá 6 triệu đồng/m2 vào tháng 12/2021. Đến tháng 3/2022, lô đất này tăng lên 30 triệu đồng/m2. Môi giới thông báo, giá tăng cao như vậy vì lô đất này nằm sát đường Vành đai 4.
Nhiều nhà đầu tư săn lùng đất Vành đai 4 (Ảnh: Anh Tú) |
Tại Nam Sơn hay Bắc Sơn, cuối năm 2020, đầu năm 2021, đất đai ở đây được chào bán dưới 1 triệu/m2 và rất ít người quan tâm do lo ngại môi trường sống bị ảnh hưởng bởi bãi rác Nam Sơn. Nhưng đến nay, số lượng tìm kiếm rất lớn, giá cũng tăng lên gấp đôi. Thậm chí đất lâm nghiệp, đất rừng... cũng được cò đất rao bán rầm rộ.
Không chỉ ăn theo quy hoạch mà Sóc Sơn cũng đang là thủ phủ của homestay nên đất cũng tăng giá từ lâu. Chỉ tính riêng đoạn gần Việt Phủ Thành Chương đã có hàng chục tờ rơi, biển rao bán đất dọc đường, trung bình chưa đầy 100m sẽ có 1 tờ rơi rao bán đất.
Nhận thấy khá nhiều rủi ro khi đất Sóc Sơn tăng, chị Mai đã chuyển từ khu vực Sóc Sơn sang phía huyện Thanh Oai, Thường Tín. Tuy nhiên đến nay, vợ chồng chị vẫn chưa tìm được mảnh đất nào ưng ý, phù hợp với khả năng tài chính.
Tại huyện Thanh Oai, một số lô đất được môi giới rao bán, sau khi có thông tin Vành đai 4 đã tăng giá. Bà Lê Thị Thoa, một môi giới nhà đất cho hay, nhiều người dân đang có nhu cầu gom đất rẻ để chờ đường đi qua. Bên cạnh đó, nhiều gia đình cũng dừng rao bán để nghe ngóng tình hình. Tuy nhiên, nếu muốn mua vẫn còn nhiều lô đất nhưng mức giá tăng hơn so với trước Tết.
Chị Nguyễn Hiền, một nhà đầu tư cho hay, thời gian này, giá đất tại nhiều khu vực tăng theo ngày. Mới tuần trước, chị hỏi mua lô đất được rao 2,4 tỷ đồng, chị và môi giới đang trong quá trình thương lượng về giá thì mấy hôm sau đã thấy bảo có người mua rồi. Do không còn nguồn hàng khác nên chị trả tới 3 tỷ đồng để lấy lại nhưng chủ mới không bán, dù chưa sang tên. Phần lớn nhà đầu tư không xuống tiền vì lo ngại thanh khoản nhưng vẫn xuất hiện một số nhà đầu tư mạo hiểm lựa chọn bởi giá đất còn quá rẻ.
Rủi ro khó lường
Mặc dù Vành đai 4 chưa triển khai nhưng giá đất quanh khu vực này đã tăng khá mạnh. Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, hiện tượng tăng giá đất, thậm chí "sốt giá" đã xảy ra từ cuối năm 2021. Trong đó, giá đất nền tại một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như ở các vùng ven đô Hà Nội như: Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (tăng 45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh (tăng 20%), Hưng Yên (tăng 26%)… Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, mua đất ăn theo quy hoạch có thể gặp nhiều rủi ro.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội theo phương thức PPP có điểm đầu tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Tổng chiều dài dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là 111,2km, trong đó đoạn đi qua TP Hà Nội dài 58,2km (đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông).
Môi giới hét giá tiền tỷ mảnh đất quê (Ảnh: Anh Tú) |
Ông Nguyễn Văn Đính, Hội môi giới bất động sản cho rằng, có sự bùng nổ về giá ở một số khu vực khi có thông tin về quy hoạch nhưng mà tất cả những điều đó chỉ mang tính tận dụng, lợi dụng thông tin để đẩy “sóng” thị trường lên và những điều đó không phải là sự thật.
Những nhà đầu tư khi xuống tiền mua BĐS ở những khu vực này trước đó đều muốn có lãi, sản phẩm thanh khoản tốt nhưng cuối cùng không thanh khoản được, tìm cách “cắt lỗ” nên lâm vào tình cảnh khá thê thảm.
Vì thế, khi có thông tin liên quan đến quy hoạch ở những khu vực này sẽ có một số đối tượng lợi dụng để “kích sóng” nhằm tạo “sóng mới” trong khi bản chất là thông tin cũ. Và chỉ có những nhà đầu tư lẻ tẻ, thiếu chuyên nghiệp, chưa bị va vấp bị dính vào.
Còn với thông tin đầu tư thật “ăn theo” việc xây cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo,… bắc qua sông Hồng cũng góp phần làm tăng giá trị BĐS ở những vùng đó lên. Nhưng việc tăng giá này chỉ mang tính nhất thời vì thực tế cho thấy khu vực nào có cầu đi qua sẽ tạo nên hệ thống hành lang, vành đai rồi những vùng đệm, vùng an toàn bảo vệ cầu nên chiếm mất không gian khiến việc kinh doanh, buôn bán không sầm uất, do đó không tạo ra giá trị cho BĐS.
Để ngăn chặn cơn “sốt đất”, hồi tháng 3 Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Đến nay, cơ bản các địa phương đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế.
Với những thông tin quy hoạch, nhiều nhà đầu tư ăn theo dễ gặp phải rủi ro chôn vốn lên tới hàng chục năm như nhiều dự án mở đường trước đó.
Theo Anh Tú/Vietnamnet.vn
Link nội dung: https://gocnhinbatdongsan.vn/gia-dat-ven-do-lai-nhay-mua-an-theo-quy-hoach-duong-vanh-dai-4-a4339.html