Sau thương vụ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu hủy bỏ 9 lô trái phiếu đã phát hành của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, với tổng trị giá trên 10.000 tỷ đồng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trải qua một bước ngoặt mới, với nhiều sự kiểm soát và cảnh báo từ các cơ quan chức năng.
Nửa đầu tháng Tư, Thủ tướng Chính phủ ban hành thêm văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường TPDN, đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh và minh bạch.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, TPDN đã trải qua 4 năm phát triển mạnh mẽ với giá trị phát hành bùng nổ, đạt hơn 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 16,7% GDP, chiếm gần 12% dư nợ tín dụng cả nước năm 2021.
Đáng chú ý là TPDN bất động sản không ngừng tăng trưởng trong vài năm trở lại đây khi các chủ đầu tư ưu tiên sử dụng hình thức huy động vốn trái phiếu, hơn là các nguồn vốn từ ngân hàng hay nhà đầu tư, khách hàng. Các doanh nghiệp bất động sản đã vượt ngân hàng, đứng đầu về giá trị TPDN phát hành năm 2021 với tỷ trọng 35% tổng giá trị TPDN phát hành.
"Gần một nửa giá trị TPDN bất động sản là không có tài sản đảm bảo. Việc có tài sản đảm bảo là không bắt buộc, nhưng đó là một trong những điều kiện tạo nên uy tín của doanh nghiệp cũng như TPDN đó phát hành - nhằm đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư (trái chủ)", VARS nhận định.
Tính đến giữa tháng 4/2022, tổng giá trị TPDN phát hành đạt gần 40.000 tỷ đồng. Quá nửa giá trị trái phiếu được phát hành trong tháng 1. Tỷ trọng TPDN bất động sản trong quý I/2022 chiếm tới 43%. Điều khiến các cơ quan quản lý thị trường lo ngại về thị trường TPDN nói chung, TPDN bất động sản nói riêng bao gồm:
- Doanh nghiệp sử dụng trái phiếu không đúng mục đích, dẫn đến rủi ro cho trái chủ.
- Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thông tin tới trái chủ không đầy đủ và minh bạch.
- Hiện tượng các ngân hàng bán TPDN cho các nhà đầu tư cá nhân, những người không có đủ kiến thức và kinh nghiệm để tham gia thị trường TPDN vốn bất bình đẳng thông tin và chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, theo VARS, về lâu dài, TPDN vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả, thể hiện sự năng động của một nền kinh tế, trao cơ hội đầu tư đa dạng cho các nhà đầu tư. So với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan, quy mô thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.
VARS cho rằng thị trường TPDN nói chung, TPDN bất động sản nói riêng cần một giải pháp đồng bộ và hiệu quả để phát triển lành mạnh. Quan ngại của các cơ quan quản lý nhà nước thường bắt nguồn từ sự bất đối xứng thông tin giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư (cá nhân hay tổ chức).
VARS khuyến nghị việc đánh giá hạn mức tín nhiệm với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu là vô cùng cần thiết. Hạn mức tín nhiệm cho phép nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát đủ khách quan để đánh giá những rủi ro có thể khi đầu tư vào doanh nghiệp thông qua trái phiếu.
Ngoài ra, theo VARS, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đề ra một cơ chế kiểm tra hiệu quả với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngay từ bước gửi hồ sơ, thay vì phát hiện sai phạm và hủy bỏ các thương vụ đã phát hành thành công.
Theo PV/Nhịp Sống Kinh Tế