Tại sao giá nhà tại nước láng giềng tăng chậm nhưng Việt Nam vẫn lên vùn vụt?

Mức tăng giá nhà trong quý đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á chỉ 0,4%.

Tại sao giá nhà tại nước láng giềng tăng chậm nhưng Việt Nam vẫn lên vùn vụt?

 

Theo tờ Strait Times (Singapore), đợt hạn chế bất động sản mới nhất của Chính phủ Singapore đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản tư nhân "nóng sốt" của quốc đảo vốn dĩ rất sôi động. Bởi lẽ mức tăng giá nhà đã chậm lại, chỉ còn 0,4% trong quý đầu tiên của năm nay.

Giá nhà Singapore tăng chậm do ảnh hưởng của yếu tố tâm lý

Các nhà phân tích cho rằng, điều này đánh dấu mức tăng giá theo quý chậm nhất kể từ quý 2/2020. Cụ thể, quý 2/2020 tăng 0,3%; quý 2/2021 tăng 5% và cao nhất là quý 2/2010, tăng 5,3%.

Một số lý do được nêu ra là do khan hiếm dự án mới, sự không chắc chắn từ cuộc xung đột Ukraine, lễ hội đón năm mới cổ truyền và sự gia tăng mạnh các ca Covid-19 làm gián đoạn sự quan tâm và doanh số bán hàng.

Bà Tricia Song, Trưởng bộ phận Nghiên cứu của CBRE khu vực Đông Nam Á, cho rằng: "Các dự án mở bán mới trong quý vừa chỉ giới hạn ở các dự án quy mô nhỏ hơn do các chủ đầu tư áp dụng biện pháp chờ đợi tình hình và xem các biện pháp hạ nhiệt mới. Tương tự như vậy, người mua phần lớn cũng kìm lại để đánh giá tình hình".

Ông Nicholas Mak, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn tại ERA Singapore, cho biết khối lượng giao dịch mỏng hơn đã góp phần làm cho sự tăng giá yếu hơn so với giai đoạn tăng giá nhà mạnh trước đó.

Theo dữ liệu thị trường công khai, trong quý đầu tiên của năm 2022, toàn Singapore có hơn 1.600 căn mua mới, không bao gồm chung cư cao cấp, và khoảng 2.600 căn hộ bán lại - đổi chủ trong quý đầu tiên. Số liệu thấp hơn rất nhiều so với 3.018 căn nhà mới và 4.748 căn nhà bán lại được giao dịch trong quý trước.

Tại sao giá nhà tại nước láng giềng tăng chậm nhưng Việt Nam vẫn lên vùn vụt? - Ảnh 1.

Giá nhà Singapore giảm ở đa số khu vực. Ảnh minh họa: Indesignlive.

Mức tăng giá nhẹ phần lớn là do phân khúc bất động sản gắn liền với đất, tăng 4%, theo ước tính nhanh từ Cơ quan Tái phát triển Đô thị (URA) hôm 1/4. Đây là mức tăng hằng quý cao nhất đối với giá - đất kể từ quý đầu tiên của năm 2021 khi tăng 6,7%. Quý 4/2021 tăng 3,9%.

Ông Wong Xian Yang, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Singapore tại Cushman & Wakefield, cho biết phân khúc nhà đất không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạ nhiệt mới vì nhu cầu chủ yếu do chủ sở hữu thúc đẩy và nguồn cung những ngôi nhà này có hạn.

Ngược lại, bất động sản không có đất bị giảm giá theo quý kể từ quý đầu tiên của năm 2020, với mức giảm 0,6%. Theo khu vực, chỉ có khu vực ngoại ô hoặc ngoài khu vực trung tâm, có mức tăng 1,9%, so với mức tăng 5,7% trong quý trước.

Bà Christine Sun, Phó Chủ tịch Cấp cao của Bộ phận Nghiên cứu và Phân tích tại OrangeTee & Tie, cho biết: "Nguồn cung nhà mới đang thiếu ở các khu vực ngoại ô do có rất ít đợt mở bán lớn trong năm nay. Tổng nguồn cung chưa bán của các dự án đã mở bán tiếp tục giảm".

Tại khu vực ven thành phố, hoặc phần còn lại của khu vực trung tâm, giá nhà không có đất giảm 3%, đảo ngược so với mức tăng mạnh 6,7% trong quý 4/2021.

Tại sao giá nhà tại nước láng giềng tăng chậm nhưng Việt Nam vẫn lên vùn vụt? - Ảnh 2.

Giá nhà tại các quận trung tâm Singapore giảm 0,5%. Ảnh minh họa: CDL Commercial.

Trong khi đó, giá nhà ở các quận trung tâm, hoặc khu vực trung tâm, giảm 0,5% trong quý đầu tiên, đảo ngược so với mức tăng 2,7% trong quý 4.

Ông Ong Teck Hui, Giám đốc Cấp cao của Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn tại JLL, nhận thấy những khó khăn bắt nguồn từ việc tăng lãi suất và bất ổn địa chính trị. "Điều này sẽ dẫn đến tăng chi phí, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc làm và tiền lương và có thể ảnh hưởng đến tâm lý [tiêu dùng - PV]".

PropNex cho biết việc nới lỏng các biện pháp quản lý an toàn và nới lỏng các hạn chế đi lại có thể là dấu hiệu tốt cho việc bán bất động sản. Trong ngắn hạn, thị trường bất động sản Singapore có thể được hưởng lợi nhẹ từ các dòng vốn trú ẩn an toàn.

Giá nhà tại Việt Nam vẫn tăng do nguồn cung và giá vật liệu xây dựng

Tại Việt Nam, theo một báo cáo của VNDirect Research, thị trường bất động sản nhà ở trong năm 2022 sẽ tiếp tục phải đối mặt với thách thức như giá đầu vào bao gồm giá đất và vật liệu xây dựng tăng cao, cũng như một số “điểm nghẽn” pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ. Chi phí xây dựng tiếp tục tăng cao, đặc biệt là giá thép được dự báo có thể kéo giá đi lên. Thậm chí, nếu giá vật liệu duy trì ở mức cao như hiện tại trong ít nhất là hai năm tới.

Tại sao giá nhà tại nước láng giềng tăng chậm nhưng Việt Nam vẫn lên vùn vụt? - Ảnh 3.

Giá nhà tại TP HCM và Hà Nội đều tăng cao và có thể còn tăng trong các tháng tiếp theo của năm 2022. Ảnh minh họa: Chợ Tốt.

Theo đại diện Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản đầu năm 2022 tái mở cửa và sôi động trở lại ở nhiều phân khúc. Tuy nhiên riêng phân khúc căn hộ TP HCM đang thiếu hụt sản phẩm sơ cấp chào bán, đẩy giá căn hộ tiếp tục leo thang. Giá căn hộ được dự báo sẽ tiếp tục điều chỉnh trong các quý còn lại của năm. Cùng với đó, những dự án bàn giao trong năm 2022 cũng sẽ chứng kiến mức đỉnh mới.

Tại Hà Nội, trong tháng đầu năm 2022, giá chào bán căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng 4,6% so với tháng 12/2021. Còn giá rao bán biệt thự liền kề cũng ghi nhận xu hướng leo thang ở hai khu vực Gia Lâm và Long Biên khi tăng 27-38% so với tháng trước.

Bên cạnh giá chào bán tăng, mức độ quan tâm bất động sản nhà ở thể hiện qua lượt tìm kiếm trực tuyến cũng cho thấy xu hướng đi lên. Loại hình biệt thự, liền kề tại Hà Nội và TP.HCM có mức độ quan tâm tăng lần lượt 29-30%.

Theo /Doanh nghiệp và Tiếp thị

Link nội dung: https://gocnhinbatdongsan.vn/tai-sao-gia-nha-tai-nuoc-lang-gieng-tang-cham-nhung-viet-nam-van-len-vun-vut-a4118.html