Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest.
Sáng nay (28/3), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi "Luật đất đai - Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản, để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản".
Tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị GP Invest cho biết, hiện nay, bất động sản là một chuyên ngành phức tạp nhưng có nhiệm vụ thúc đẩy hàng loạt các ngành kinh tế khác nên phải có sự tháo gỡ cho thị trường bất động sản.
Mặc dù vậy, theo thống kê, các luật tác động vào bất động sản đang có khoảng 12 luật, còn liên quan thì có tới 60 luật. Nếu xét về thủ tục hành chính, một dự án theo tính toán của chúng tôi phải có 36 con dấu mới hoàn thành; thậm chí theo ý kiến của một luật sư thì có tới 120 con dấu nếu tính cả những quy định không chính thức.
“Có thể nói là thủ tục hành chính về bất động sản vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, các thủ tục pháp lý còn phức tạp hơn, chúng tôi thường gọi là “ma trận”. Vậy sửa như thế nào? Chúng tôi tán đồng quan điểm phải lấy Luật Đất đai, Luật Đầu tư làm 2 luật nền để từ đó các luật chuyên ngành lấy 2 luật này làm cơ sở sửa đổi thì mới tháo gỡ được”, ông Hiệp nói.
Để dẫn chứng, ông Hiệp cho biết, tại Luật Đất đai, sự ra đời của Nghị định 30 không cho phép chuyển đổi các loại đất khác sang đất ở đang khiến lượng lớn dự án bị ách tắc (hiện có khoảng 400 dự án tại Hà Nội, TP.HCM đang vướng) gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp. Do đó, việc đầu tiên là phải sửa đổi Nghị định 30.
Tuy nhiên, theo ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị GP Invest, vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Theo ông, đất đai do cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm giải phóng chứ không phải doanh nghiệp có trách nhiệm đi giải phóng. Cần giải quyết rõ về trách nhiệm này. Bên cạnh đó là câu chuyện kế hoạch sử dụng đất, việc duyệt dự án, định giá đất... cũng cần xem lại.
Đề cập đến Luật Nhà ở, ông Hiệp cho rằng, đầu tiên là vấn đề chung cư. Số lượng chung cư tại Hà Nội và TP.HCM hiện nay rất lớn nhưng Nghị định quản lý chung cư hết sức phi lý.
Theo ông Hiệp, việc bảo hành nhà chung cư các bộ luật quy định khác nhau, do đó cần phải theo Luật Xây dựng là bảo hành 24 tháng.
Tham luận tại hội nghị, ông Trần Quốc Dũng – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, tại Điều 3, Luật Đất đai, về giải thích từ ngữ không có khái niệm “chuyển mục đích sử dụng đất” khiến quá trình áp dụng pháp luật chưa có sự thống nhất. Do đó, nên đưa vào khái niệm “chuyển mục đích sử dụng đất” phù hợp theo quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh Điều 118 Luật Đất đai theo hướng quy định loại trừ, tức chỉ quy định các trường hợp phải thực hiện đấu giá còn lại là không thông qua đấu giá hoặc ngược lại; bổ sung thêm trường hợp giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá.
“Tôi cũng kiến nghị luật hoá chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu thầu vào Luật Đất đai’, ông Dũng nói.
Về Luật Nhà ở, ông Dũng cho rằng, cần xem xét, sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở về “đất ở và các loại đất khác” để cho phép “các loại đất khác phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt” được đầu tư phát triển dự án nhà ở thương mại.
Về nhà ở xã hội (NƠXH), theo ông Dũng, trước mắt đối với các khu đất do chủ đầu tư tự tạo lập (nhận chuyển nhượng, góp vốn…) cho chủ đầu tư được quyền lựa chọn phương án bố trí bằng đất tại khu vực phù hợp hoặc bằng tiền mà không phân biệt quy mô khu đất, dự án.
“Về lâu dài, Nhà nước nên có các quỹ đất sạch quy hoạch khu vực xây dựng và giao cho cơ quan quản lý kinh doanh nhà cấp tỉnh làm chủ đầu tư dự án phát triển NƠXH”, ông Dũng nói.
Theo Tuấn Minh/Lao động và Công đoàn
Link nội dung: https://gocnhinbatdongsan.vn/chu-tich-gp-invest-mot-du-an-phai-co-36-con-dau-moi-hoan-thanh-a4087.html